PNO - Các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy năm 2023 có sự gia tăng về số lượng và chuẩn hóa về nội dung so với các năm trước. Thí sinh cần có sự cân nhắc để lựa chọn kỳ thi phù hợp với mục tiêu xét tuyển của mình.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM - cho biết về cơ bản, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 giữ ổn định nội dung, cấu trúc đề thi, phương thức thi và độ khó. Thí sinh làm bài theo hình thức trắc nghiệm trên giấy, gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm trong thời gian 150 phút, với 3 phần: sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh); toán học, tư duy logic, phân tích số liệu; giải quyết vấn đề.
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2022 - ẢNH: P.T
Theo ông Nguyễn Quốc Chính, các câu hỏi ở cấp độ ghi nhớ rất ít, chủ yếu sẽ là các câu đánh giá ở cấp độ thông hiểu, vận dụng, suy luận. Hằng năm, trung tâm đều có rà soát và loại bỏ các câu hỏi đã ra trong những kỳ thi trước nên sẽ không xuất hiện câu hỏi trùng lặp. Nội dung đề thi không có các vấn đề thời sự do ngân hàng câu hỏi được xây dựng trước, tuy nhiên, sẽ tăng cường các dạng bài toán thực tế, câu hỏi mang tính thực tiễn cao.
Ở kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, thí sinh sẽ làm bài trên máy tính, với 150 câu trong thời gian 195 phút về các lĩnh vực toán học, văn học - ngôn ngữ và khoa học tự nhiên - xã hội. Bài thi có 132 câu hỏi trắc nghiệm, còn lại 18 câu điền đáp án, ngoài ra sẽ có thêm một số câu hỏi thử nghiệm không tính điểm. Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội - cho hay, bài thi được xây dựng theo hướng đánh giá các năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực ngôn ngữ tiếng Việt, lập luận, tư duy logic, tính toán, xử lý dữ liệu và năng lực tìm hiểu, ứng dụng khoa học.
Như vậy, hầu như không đánh giá khả năng học thuộc lòng của thí sinh. Độ khó của các câu hỏi trong đề thi tăng dần từ cấp độ 1 đến cấp độ 3; trong đó, 20% câu hỏi cấp độ 1, có 60% cấp độ 2 và 20% cấp độ 3. Đề thi sẽ có khoảng 70% kiến thức chương trình lớp Mười hai, còn lại là kiến thức lớp Mười và Mười một. “Điểm bài thi được chấm tự động bằng phần mềm và hiển thị trên máy tính sau khi thí sinh kết thúc bài làm hoặc hết thời gian thi. Thí sinh cũng lưu ý ĐH Quốc gia Hà Nội không tiến hành chấm phúc khảo bài thi, bởi mỗi thí sinh thi một đề thi khác nhau, nếu phúc khảo phải rà soát lại hơn 10.000 câu hỏi trong ngân hàng đề thi. Các nước trên thế giới cũng không phúc khảo đối với các kỳ thi trên máy tính” - ông Nguyễn Tiến Thảo nói.
Với kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thí sinh làm bài thi trên giấy với cả hai hình thức trắc nghiệm và tự luận. Trong đó, với các môn toán, lý, hóa, sinh, sử, địa sẽ có 70% trắc nghiệm và 30% tự luận; tiếng Anh 80% trắc nghiệm và 30% tự luận; ngữ văn 30% trắc nghiệm và 70% tự luận. Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng nhà trường - thông tin, năm 2023 trường tiếp tục rà soát để loại bỏ các câu hỏi đã sử dụng hoặc không còn phù hợp, đồng thời bổ sung câu hỏi mới, đảm bảo bao quát các lĩnh vực. Cấu trúc, ma trận đề thi được chuẩn hóa, phù hợp với mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, đề thi không có câu hỏi mức độ nhận biết (định nghĩa, nhận dạng, liệt kê…) do đề thi tốt nghiệp THPT đã đánh giá năng lực của học sinh ở mức độ này.
Cân nhắc mục tiêu để chọn lựa kỳ thi
Với nhiều kỳ thi, đợt thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được tổ chức trong năm 2023, ông Nguyễn Tiến Thảo khuyên thí sinh nên cân nhắc để lựa chọn kỳ thi phù hợp với mục tiêu xét tuyển ĐH của mình. Năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức 8 đợt thi, từ tháng 3 đến tháng 6/2023, chủ yếu sắp xếp vào cuối tuần, mỗi đợt thi có khoảng 2-3 ca thi. Thí sinh bắt đầu đăng ký thi từ ngày 6/2 cho các đợt thi tháng 3-4/2023, đăng ký từ ngày 18/3 cho các đợt thi tháng 5-6/2023. Cổng đăng ký mỗi ca thi chỉ đóng khi hết chỗ hoặc tối thiểu trước 14 ngày thi chính thức để thực hiện quy trình thi.
Năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội khống chế mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi tối đa 2 lượt/năm, mỗi lần thi cách nhau tối thiểu 28 ngày. “Việc giới hạn số lượt dự thi xuất phát từ thực tế năm 2022 với hơn 20.000 lượt thí sinh dự thi từ 2 lần trở lên nhưng điểm bài thi không thay đổi, gây lãng phí xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến các thí sinh khác có nhu cầu. Kỳ thi của ĐH Quốc gia Hà Nội được sử dụng để xét tuyển vào khoảng 60 trường ĐH cả nước” - ông Nguyễn Tiến Thảo cho hay.
Trong khi đó, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM được khoảng 86 trường ĐH trên cả nước sử dụng xét tuyển. Theo ông Nguyễn Quốc Chính, năm nay, kỳ thi sẽ mở rộng thêm 4 địa điểm tại các tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long, nâng tổng số địa điểm thi lên 21 tỉnh, thành. Với đợt thi đầu tiên vào ngày 26/3, ĐH Quốc gia TPHCM đã chính thức mở cổng đăng ký từ ngày 1/2 đến ngày 28/2. Đợt 2 tổ chức thi vào ngày 28/5, thí sinh bắt đầu đăng ký từ 5/4 đến ngày 28/4.
Đặc biệt, ĐH Quốc gia TPHCM và Hà Nội đang làm việc để thực hiện quy đổi điểm giữa 2 kỳ thi. Theo nghiên cứu, căn cứ kết quả nghiên cứu dữ liệu điểm thi của hơn 10.100 thí sinh dự thi đánh giá năng lực và thi tốt nghiệp THPT năm 2022, điểm bài thi của ĐH Quốc gia Hà Nội (HSA) có thể quy đổi với điểm bài thi của ĐH Quốc gia TPHCM (APT) theo công thức chuyển đổi: HSA = 0,1103 x APT. Như vậy, thí sinh có thể cân nhắc tham gia 1 kỳ thi nhưng vẫn rộng mở cơ hội vào các trường ĐH sử dụng điểm 2 kỳ thi này để xét tuyển.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết, kỳ thi đánh giá tư duy năm 2023 dự kiến sẽ tổ chức 3 đợt vào tháng 5, 6 và 7/2023 tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Năm 2023 cũng sẽ là lần đầu tiên bài thi đánh giá tư duy tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính trong thời gian 1 buổi, giảm từ 270 phút xuống còn 150 phút. Kỳ thi nhằm đánh giá tư duy ở 3 cấp độ: tư duy tái hiện, tư duy suy luận và tư duy bậc cao, ở các lĩnh vực toán học, đọc hiểu và khoa học, giải quyết vấn đề. Với sự điều chỉnh này, kỳ thi có thể được sử dụng để tuyển sinh vào các ngành khoa học công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược.
Thí sinh không nên học tủ, học lệch
Đối với việc thí sinh tham gia các “lò” luyện thi đánh giá năng lực, ông Nguyễn Quốc Chính nhìn nhận, luyện thi cũng có ưu điểm là giúp thí sinh có kinh nghiệm làm bài, tự tin hơn. Có những nơi luyện thi sử dụng cấu trúc bài thi của ĐH Quốc gia TPHCM, nếu làm khoa học thì vẫn hữu ích cho thí sinh. Tuy vậy, thí sinh phải xác định việc luyện thi này không thể thay thế việc tự học một cách khoa học, toàn diện. Nguyên tắc bài thi đánh giá năng lực có ngữ liệu mở rộng, cho nên không yêu cầu thí sinh nhớ kiến thức, mà phải rèn luyện tư duy, kỹ năng, học đầy đủ, toàn diện chứ không học tủ, học vẹt.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thảo cho rằng không khuyến khích thí sinh tham gia các nhóm ôn luyện, vì không có tác dụng nhiều ngoài việc giúp thí sinh yên tâm hơn. Theo đánh giá, năm 2022, các thí sinh đạt điểm cao đều chỉ cần học tốt và nắm vững chương trình phổ thông, còn việc luyện thi trong thời gian ngắn chỉ đạt kết quả trung bình hoặc khá. Đặc biệt, thí sinh phải rèn luyện năng lực, kỹ năng, chứ với ngân hàng đề thi lớn thì không thể học tủ được.
Ông Nguyễn Tiến Thảo cũng đưa ra lời khuyên thí sinh cần tìm hiểu thông tin chính thống từ nhà trường, không nên hỏi qua các diễn đàn, nhóm luyện thi trong đó có nhiều thông tin không chuẩn xác, “tam sao thất bản”, dễ gây hoang mang.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...
Chiều 14/11, tại Hà Nội, diễn ra buổi gặp mặt các nhà giáo của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương.