Thí sinh làm bài thi bằng chân được tuyển thẳng Đại học: Ước mơ làm cô giáo dạy trẻ nghèo

03/08/2016 - 06:08

PNO - Thí sinh Lê Thị Thắm , nữ sinh làm bài thi bằng chân trong kì thi THPT Quốc gia 2016 vừa được trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) đặc cách tuyển thẳng vào khoa Ngoại ngữ, ngành Sư phạm Tiếng Anh.

Trong kì thi THPT Quốc gia vừa qua, câu chuyện của nữ sinh Lê Thị Thắm đã được cộng đồng đặc biệt chú ý bởi em là thí sinh đặc biệt, không có cả hai tay, mọi việc viết lách đều được em thực hiện bằng đôi chân khéo léo của mình. Thắm dự thi vào khoa Ngoại ngữ của trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa).

Mới đây, ngày 1/8, ông Nguyễn Mạnh An – Hiệu trưởng trường ĐH Hồng Đức cho biết, nhà trường vừa có quyết định tuyển thẳng thí sinh Lê Thị Thắm vào khoa Ngoại ngữ, chuyên ngành Sư phạm Tiếng Anh.

Thí sinh làm bài thi bàng chan duọc tuyẻn thảng Dại học: Uoc mo lam co giao day tre ngheo
Thắm làm bài trong kì thi THPT Quốc gia 2016.

Nhận được tin này, chị Nguyễn Thị Tình (mẹ của Thắm) cho biết, gia đình rất vui và cũng rất biết ơn trường đã tạo điều kiện cho con gái chị có thể hoàn thành ước mơ.

“Từ ngày Thắm làm thủ tục dự thi, thầy hiệu trưởng cũng đã đến gặp và bảo Thắm không phải thi nữa mà nhà trường sẽ đặc cách cho em vào học luôn nhưng em vẫn muốn thi. Trong lúc thi, do sức khỏe quá yếu vì thời gian ôn thi học ngày học đêm và áp lực thi cử nên khi làm bài thi em bị choáng và ngất xỉu nên làm bài không được tốt lắm” chị Tình chia sẻ.

Được biết, tại kì thi THPT Quốc gia năm nay, Thắm đã được 18,83 điểm cho ba môn thi khối D (đã cộng một điểm ưu tiên vùng), điểm chuẩn năm ngoái của khoa Thắm dự tuyển là 17,25.

Trò chuyện với chúng tôi, Thắm tâm sự: “Khi chưa biết điểm thì em rất buồn, lo điểm thấp không đậu nhưng lúc biết điểm thì em rất vui. Mặc dù được đặc cách tuyển thẳng nhưng công sức đi học 12 năm mà điểm thấp thì em buồn lắm”. Thắm còn chia sẻ, em mong được điểm cao để khi đi học không phải xấu hổ với các bạn.

Trước đây, Thắm ước mơ được học ngành Công nghệ thông tin. Nhưng 2 năm trở lại đây Thắm được gia đình, thầy cô và bạn bè góp ý nên học sư phạm để sau này có thể dạy ở nhà, ở gần gia đình để gia đình tiện chăm sóc, nên em đã thay đổi ý nguyện. Về sau, bản thân Thắm cũng thích ngành này. Thắm chia sẻ, ước mơ của em là trở thành một cô giáo dạy ngoại ngữ cho những trẻ em nghèo và có hoàn cảnh khó khăn như mình.

Thí sinh làm bài thi bàng chan duọc tuyẻn thảng Dại học: Uoc mo lam co giao day tre ngheo
Trước đây, ước mơ của Thắm là được vào học ngành Công nghệ thông tin nên em đã tập sử dụng máy tính rất thành thạo.

Khi được hỏi về những điều lo lắng trên con đường phía trước, Thắm vui vẻ bộc bạch: “Em chỉ lo không đủ sức khỏe để đi học đầy đủ. Chuyện bạn bè, trường lớp thì em không lo lắng lắm vì bây giờ em lớn rồi, các bạn có trêu chọc em cũng không tủi thân nhiều như ngày bé nữa”, Thắm vui vẻ, “hồi đi học phổ thông em cũng được các bạn cùng lớp, cùng trường giúp đỡ nhiều lắm”.

Vấn đề sinh hoạt của Thắm cũng đã được trường ĐH Hồng Đức sắp xếp chu đáo. Chị Tình cho biết, nhà trường đã hứa sẽ sắp xếp cho hai mẹ con một phòng kí túc xá, bàn học của Thắm cũng được nhà trường đặt làm riêng. Chị Tình cũng được nhà trường sắp xếp một công việc phù hợp để có thể tiện chăm sóc Thắm.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó ở đội 9, thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, Thắm đã phải chịu thiệt thòi khi không có đôi bàn tay như những người bình thường khác.

Thí sinh làm bài thi bàng chan duọc tuyẻn thảng Dại học: Uoc mo lam co giao day tre ngheo
Thắm nhận được nhiều bằng khen, giấy khen các cấp tại địa phương.

Những tưởng mọi hi vọng về một tương lai tốt đẹp của Thắm sẽ bị dập tắt nhưng chính nghị lực phi thường của em đã khiến bố mẹ và mọi người xung quanh vô cùng bất ngờ và thán phục. Với ý chí và nghị lực vượt lên số phận, Thắm đã khổ luyện bằng chính đôi chân của mình để tự viết, tự sinh hoạt, cố gắng học tập như bao người bạn khác.

Không chỉ hoàn thành chương trình phổ thông với thành tích khá, giỏi, Thắm còn nhận được nhiều giải thưởng, bằng khen các cấp tại địa phương. Trong sinh hoạt hàng ngày, Thắm có thể làm mọi việc bằng đôi chân thành thạo chẳng kém đôi tay của người thường, thậm chí cả việc có độ khó cao như sử dụng máy tính hay đòi hỏi sự tỉ mỉ như xâu kim. Những lúc rảnh rỗi, Thắm còn thêu khăn tặng mọi người. Hoa văn được người con gái nghị lực này thêu thường là những bông hoa rực rỡ sắc màu hay những chú chim tung cánh trên bầu trời hy vọng.

Khánh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI