Thí sinh hoa hậu "ré tên": Đặc sản hay trò lố?

30/09/2022 - 19:10

PNO - Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều khán giả lẫn các nghệ sĩ như Thành Lộc, Việt Hương, người mẫu Xuân Lan đều lên tiếng chỉ trích màn "ré tên" này.

 

Các cô gái cố lấy thế, lấy giọng để giới thiệu về mình bằng âm hưởng... ré, hét
Các cô gái cố lấy thế, lấy giọng để giới thiệu về mình bằng âm hưởng... ré, hét

Một ngày sau khi đêm thi chung khảo Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 với màn "ré tên" được lặp lại tương tự như ở vòng thi sơ khảo, đối với nhiều người, tiếng "mít ren" dường như vẫn còn gây nhức óc và phản cảm. Trên trang cá nhân, khá nhiều nghệ sĩ không giấu được sự bức xúc.

Nghệ sĩ Thành Lộc thẳng thắn: "Họ đã thành công với giáo trình huấn luyện những người đẹp thành những con hề", còn hoa hậu Diễm Hương thì cho rằng: "Ở một khía cạnh "còn cổ hủ", tôi thực sự nghĩ phần hô tên bản thân hay quốc gia là thể hiện vừa đủ để toát lên nét đặc trưng riêng của cá thể đại diện đó. Với nhiều biến tấu đa dạng hiện nay, tôi thấy hoa hậu như một sự... khó hiểu"; người mẫu Xuân Lan thì "Sao lại trở nên xôi thịt đến thế này?"...

Theo các đơn vị tổ chức, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam là phiên bản quốc gia của cuộc thi Miss Grand International nên phải tuân thủ format cuộc thi, trong đó màn hô tên vốn là một "đặc sản" của sân chơi này.

Thực tế, Miss Grand International là cuộc thi xuất phát từ Thái Lan - đất nước vốn có rất nhiều sự sáng tạo "vượt khung" trong các hoạt động giải trí. Được xem là sân chơi non trẻ so với các đấu trường nhan sắc khác (chỉ mới ra đời 9 năm trong khi Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ là 70 năm...), cuộc thi này nhanh chóng vượt lên trong biểu đồ các cuộc thi nhan sắc trên thế giới với những đặc điểm thú vị. Tuy nhiên, dù đó có là cuộc thi nào với tuổi đời bao nhiêu năm, tính văn hóa đặc trưng quốc bản địa mới là điều quan trọng nhất. Do đó, ở mỗi quốc gia, các cuộc thi luôn được áp dụng sao cho phù hợp với văn hóa, tập quán của đất nước đó. 

Điều đáng nói, ở vòng thi sơ khảo, màn "ré tên" này đã từng được các thí sinh thực hiện và nhận về không ít chỉ trích, cười cợt nhưng tiết mục này vẫn lặp lại ở vòng thi thứ 2, như một sự thách thức!

Cũng từ nhà tổ chức cuộc thi này, tháng 7 vừa qua, nhiều người cũng sửng sốt với việc các thí sinh cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam nhảy nhót trong trang phục bikini, trên xe buýt 2 tầng, chạy ngoài đường phố. 

Không phải ngẫu nhiên mà mới đây, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã có văn bản về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội... và đưa ra nhận định "có hiện trạng cuộc thi người đẹp, người mẫu được tổ chức với số lượng lớn, có dấu hiệu lệch chuẩn".

Liên quan vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức thực hiện nghiêm Nghị định số 144/2020/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan, chú trọng việc tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ được phân cấp theo quy định của pháp luật trong chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi người đẹp, người mẫu. Kiểm tra, theo dõi việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu diễn ra nhiều vòng ở nhiều địa phương và ở những địa phương có nhiều cuộc thi.

Cuộc thi nhan sắc, dù xem đó là một chương trình văn hóa tôn vinh cái đẹp, cái tài hay đơn giản chỉ là một sân chơi giải trí, thì sự phản cảm, lệch chuẩn vẫn không được phép diễn ra. Không thiếu gì cách để gây ấn tượng nhưng vẫn phù hợp với thói quen, tập quán và văn hóa Việt Nam.

Bảo rằng vì phải tuân theo format của phiên bản quốc tế mà phải thực hiện phần tự giới thiệu theo kiểu hét, ré gây phản cảm, thật quá máy móc.

Hoàng Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI