Thí sinh hoa hậu mặc bikini nhảy múa ngoài đường: Phản cảm... để kích cầu du lịch?

23/07/2022 - 12:57

PNO - Các cô gái tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam đứng trên xe buýt 2 tầng, mặc trang phục chỉ nên ở bãi biển, rồi nhún nhảy, uốn éo... Ban tổ chức gọi đó là hoạt động... kích cầu du lịch!

 

Các thí sinh cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam "kích cầu du lịch" tại Phan Thiết 

Hậu "mở cửa" về số lượng, các cuộc thi hoa hậu năm nay mọc lên như nấm sau mưa, gần cả trăm cuộc. Lẽ thường, nhiều quá thì gây ngán, nên để người ta không ngán, các công ty tổ chức tìm đủ mọi "chiêu" để gây chú ý. Biết là thế, nhưng tôi không thể nào không ngỡ ngàng với việc người ta đưa các cô gái trong trang phục thiếu vải - loại chỉ nên xuất hiện trên các bãi biển - lên xe buýt 2 tầng rồi nhún nhảy, uốn éo và hò hét ngoài đường phố.

Đó là điều mà ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam vừa làm, tại TP. Quy Nhơn vào ngày 20/7, được cho là nằm trong chuỗi hoạt động kích cầu du lịch. Sợ ít người biết đến, người ta còn livestream hoạt động nhún nhảy trong trang phục như bikini ấy trên các nền tảng xã hội của ban tổ chức. Người đi đường chỉ trỏ, cười cợt các cô như trò tiêu khiển.

Màn "thị chúng" ấy, không biết có thật sự kích cầu du lịch nổi không, hoặc kích được cái gì khác, nhưng trên khắp các diễn đàn người ta hoảng thay cho cách rẻ rúng nhân phẩm và thân thể con người ấy.

Các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam xuất phát từ phương Tây, nhưng những năm gần đây, các tổ chức nhân quyền tại nhiều quốc gia bắt đầu đặt vấn đề về việc các cô gái phải "show" thân thể để công chúng ngắm, để một nhóm người (ban giám khảo) soi xét hình thể mà đánh giá, cho điểm. Rằng đó như một cuộc xúc phạm nhân phẩm con người, chưa kể là cách cổ xúy cho việc đánh giá một người qua vẻ bề ngoài. Đó là lý do có khá nhiều cuộc thi hoa hậu nổi tiếng đã bỏ đi phần thi trình diễn áo tắm, như Hoa hậu Thế giới (bỏ thi áo tắm từ năm 2015), Hoa hậu Mỹ (năm 2019) và mới đây là Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2022... 

Ở Việt Nam, diễn biến dường như ngược lại, và màn diễu hành "thị chúng" của Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 là một ví dụ. Đây là cuộc thi tìm kiếm gương mặt đại diện Việt Nam tham dự sân chơi Hoa hậu Thế giới. Thế nhưng, trong khi "cuộc thi mẹ" đã bỏ đi phần thi này, thay vào đó là nhấn mạnh tiêu chí "sắc đẹp vì mục đích cao cả" thì "cuộc thi con" tại Việt Nam vẫn theo định dạng cũ, lại còn lố lăng đến mức đem cơ thể các cô gái này ra đường phố. 

Nói về hoạt động này, ban tổ chức cuộc thi gọi đây là màn trình diễn trang phục carnival - Street Carnival. Thực tế, lễ hội carnival là một nét văn hóa đường phố châu Âu, với tính đặc trưng là sôi động, đầy sắc màu và phóng khoáng, nóng bỏng. Ở đó, văn hóa bản địa được thể hiện đậm nét ở trang phục, âm nhạc, cách diễu hành... Hình thức lễ hội này hiện đã có mặt ở nhiều nước, nhưng dù là ở đâu, Á hay Âu, chúng cũng thể hiện được bản sắc văn hóa thông qua các nghệ sĩ trình diễn, điệu múa, nhạc trống... trở thành sự kiện thu hút khách du lịch, với hàng triệu người tham gia. Còn với màn trình diễn của các thí sinh Hoa hậu Thế giới Việt Nam, ở đó chẳng có gì ngoài trang phục thiếu vải. Không có một tổng thể nào để cho thấy đó là "lễ hội", càng không thấy được bản sắc gì ở hoạt động này.

Thời "loạn hoa hậu", số lượng hoa hậu trở nên thừa mứa đến mức công chúng không thể nhớ hết nổi tên, danh hiệu cũng trở "nhẹ ký" hơn. Và, với các màn trình diễn như thế này, chỉ cho thấy chữ "loạn" trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, và nhan sắc bây giờ cũng "nhẹ" hơn bao giờ hết!

Hạ Thương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI