Thí sinh dễ dàng chinh phục bài thi tổ hợp khoa học xã hội

29/06/2023 - 13:36

PNO - Đề thi tổ hợp khoa học xã hội được nhiều giáo viên đánh giá quen thuộc, vừa tầm thí sinh.

 

Thí sinh thi bài thi tổ hợp tự chọn sáng 29/6
Thí sinh thi bài thi tổ hợp tự chọn sáng 29/6

Hơn 684.000 thí sinh vừa hoàn thành bài thi tổ hợp khoa học xã hội (sử - địa - giáo dục công dân) với tổng thời gian 150 phút. Giáo viên đánh giá đề các môn đều vừa sức, bám sát đề minh họa.

Cô Trần Ngọc Mai - giáo viên địa lý Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, TP Hà Nội) - nhận xét đề địa lý có kết cấu bám sát đề minh họa, gồm 15 câu Atlat, 4 câu kỹ năng xử lý bảng số liệu, biểu đồ. Riêng câu hỏi về bảng số liệu hàng hóa luân chuyển bằng đường hàng không nước ta giai đoạn 2025-2020, đòi hỏi học sinh nắm vững kiến thức khi lựa chọn nhiều dạng biểu đồ thích hợp.

Có 21 câu lý thuyết, từ câu 40-62 là dạng câu hỏi nhận biết, học sinh dễ dàng làm đúng. Từ câu 63-80 là dạng câu hỏi từ mức độ thông hiểu và vận dụng, yêu cầu thí sinh nắm vững kiến thức sách giáo khoa và liên hệ thực tế. Đề địa lý có sự phân hóa rõ ràng theo các mức độ nhận biết thông hiểu vận dụng đến vận dụng cao. Phổ điểm chủ yếu rơi vào điểm 5 - 6, học sinh sẽ khó đạt được mức điểm 9,5 - 10.

Các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao là các câu hỏi liên quan đến 7 vùng kinh tế (vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng trung du và miền núi Bắc bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung bộ. Trong đó có một câu vận dụng liên quan đến khí hậu vùng Tây Bắc và vùng Bắc Trung bộ. Đối với các câu hỏi này, yêu cầu thí sinh nắm vững kiến thức, là câu hỏi sẽ phân loại học sinh trung bình, trung bình khá và giỏi.

Đối với đề giáo dục công dân, cô Lê Thị Hồng Đào - tổ trưởng chuyên môn giáo dục công dân Trường THPT Tạ Quang Bửu (quận 8) - nhận xét đề dễ, không đánh đố. Đề bám sát đề minh họa, phần lớn kiến thức cơ bản, 30 câu đầu học sinh dễ dàng lấy trọn điểm. Câu bài tập cũng rất dễ, học sinh chịu khó học bài hoàn toàn làm được. Khả năng học sinh trên điểm 8 rất nhiều và không khó để lấy điểm 9 - 10.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du - tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) - nhận xét đề sử có cấu trúc tương đồng với đề minh họa Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó. Nội dung đề chủ yếu nằm trong chương trình lịch sử lớp 12 (90%) và lớp 11(10%). Độ khó chủ yếu nằm ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Các câu ở mức độ vận dụng buộc thí sinh phải nắm khái quát toàn bộ chương trình lịch sử nhưng vẫn không quá khó để tìm đáp án. Có khoảng 10 câu hỏi vận dụng nhưng đều là vận dụng thấp. Dự đoán phổ điểm sẽ ở đỉnh từ 4 - 5,5. Điểm giỏi, điểm 10 tương tự năm ngoái. Điểm liệt rất hiếm hoi.

Minh Linh 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI