Thí sinh cứ làm bài tốt, còn lại đã có cán bộ coi thi lo

07/08/2020 - 07:56

PNO - Chiều mai 8/8, thí sinh các tỉnh, thành tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1 sẽ đến điểm thi làm thủ tục dự thi, điểu chỉnh sai sót nếu có và nghe phổ biến quy chế thi. Đây là lần đầu tiên kỳ thi có thêm những quy định “lạ” mà thí sinh cần tuyệt đối tuân thủ.

Thí sinh có thể không đeo khẩu trang lúc làm bài

TP.HCM có 115 điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Năm nay, do thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, các điểm thi không tổ chức khai mạc, không tập trung thí sinh ở sân trường. Thí sinh có mặt trước giờ thi 30 phút. Khi đến điểm thi, thí sinh sẽ được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, yêu cầu đeo khẩu trang và hướng dẫn lên phòng thi. 

TP.HCM khử khuẩn phòng dịch COVID-19 tại các điểm thi trước ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông - Ảnh: Thanh Thanh
TP.HCM khử khuẩn phòng dịch COVID-19 tại các điểm thi trước ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông - Ảnh: Thanh Thanh

Theo quy định giãn cách, mỗi phòng thi bố trí 24 thí sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ÐT) TP.HCM cũng yêu cầu các điểm thi bố trí sơ đồ chỗ ngồi bảo đảm quy định giãn cách tối đa giữa hai thí sinh.

Mỗi điểm thi có ít nhất 10 cán bộ coi thi dự phòng để hỗ trợ công tác tại điểm thi. TP.HCM không bố trí điểm thi dự phòng mà bố trí các phòng thi dự phòng (tối thiểu hai phòng) ngay trong điểm thi và phòng chăm sóc y tế để kịp thời hỗ trợ thí sinh.

Theo kế hoạch ban hành ngày 6/8 của UBND TP.HCM, tất cả thí sinh phải khai báo y tế, tình hình sức khỏe, lịch sử di chuyển, tiếp xúc, giữ gìn sức khỏe, chủ động báo với cha mẹ, thầy cô chủ nhiệm nếu có dấu hiệu dịch tễ. Trước khi vào phòng thi và khi rời phòng thi, thí sinh vẫn phải đeo khẩu trang. Riêng thời gian ngồi tại chỗ làm bài, thí sinh không cần đeo khẩu trang nhưng không được nói chuyện, không giao tiếp; nếu có nhu cầu ra ngoài thì phải đeo khẩu trang.

Trong buổi thi, thí sinh có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải được thi riêng ở phòng thi dự phòng. Bài thi của những thí sinh này sẽ được bọc trong túi ni-lông. Cán bộ coi thi tại phòng thi dự phòng được yêu cầu thay khẩu trang, rửa tay thường xuyên. Sau khi kết thúc thời gian làm bài, thí sinh được ưu tiên xét nghiệm COVID-19. Nếu kết quả âm tính sẽ triển khai công tác chấm thi bình thường, nếu dương tính sẽ xin ý kiến chỉ đạo của ngành y tế để có biện pháp xử lý phù hợp…

Tuy nhiên, thầy cô cho rằng, thí sinh không nên quá quan tâm những chi tiết này. Thay vào đó, chỉ cần chuẩn bị tâm lý và bài vở thật tốt, còn lại chỉ cần làm theo sự hướng dẫn của cán bộ coi thi. 

Chuẩn bị gì trước giờ thi?

Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, chia sẻ bí quyết để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi quan trọng nằm trong phương châm “Một tinh thần minh mẫn chỉ trong một sức khỏe kiện toàn”.

Sức khỏe tốt liên quan đến hai yếu tố: chế độ ăn uống và tập luyện thể thao. Trong những ngày gần thi, phụ huynh nên bổ sung cho con các thực phẩm (sạch): thịt, cá, trứng, sữa, trái cây… và tốt nhất nên nấu ở nhà để đảm bảo an toàn. Thí sinh nên có chế độ ăn uống và tập thể dục thể thao phù hợp xen kẽ thời gian ôn thi, không thức quá khuya và đặc biệt không nên học dồn hay cố gắng làm những câu hỏi khó vào các ngày cận kề vì đa số kiến thức sẽ nằm ở mức độ cơ bản. 

“Trong lúc đi thi, thí sinh tuyệt đối chấp hành tốt quy chế thi, tránh lặp lại trường hợp như mang điện thoại hay tài liệu vô phòng thi”, thầy Đỗ Văn Dũng dặn dò.

Thí sinh thi đợt hai không lo thiệt thòi

Với tình hình dịch COVID-19, thí sinh ở Đà Nẵng, Quảng Nam cùng với thí sinh thuộc diện F1, F2… sẽ thi tốt nghiệp đợt hai. Tuy nhiên, các thí sinh này cũng không nên quá lo lắng. Ngân hàng đề của Bộ GD-ĐT rất lớn, hệ thống sẽ cập nhật đề thi với mức độ phân hóa khó dễ ở hai đợt như nhau.

Đa số các trường đại học căn cứ vào số lượng đăng ký ở các ngành nghề sẽ đưa ra tỷ lệ mà các thí sinh đăng ký so với tỷ lệ chung, từ đó tính các chỉ tiêu theo tỷ lệ nhất định, dành ra các chỉ tiêu còn lại để xét tuyển ở giai đoạn hai. Vậy nên các thí sinh không nên lo lắng về việc mình sẽ mất lợi thế khi thi muộn hơn. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng

Còn thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), nhắc nhở: sử dụng thời gian hợp lý, nhất là thời gian có mặt ở điểm thi và phân bổ thời gian làm bài, ghi bài, tô đáp án. Thời tiết dạo này mưa bão, các thí sinh nhớ mang theo áo mưa, chạy xe chậm. Nên ăn sáng ở nhà cho an toàn vệ sinh và bảo đảm dinh dưỡng. Nhớ mang theo bình đựng nước lọc để uống. Khi bị ho, sốt, đau đầu, tức ngực, nổi mề đai… nên nghỉ ở nhà và phải đi đến bệnh viện khám để lấy chứng nhận của bệnh viện bổ sung hồ sơ xét đặc cách hoặc thi đợt hai. 

“Đang trong giai đoạn dịch, thí sinh hết sức cẩn thận, khi ra khỏi nhà phải mang khẩu trang. Luôn để bên người lọ rửa tay khô và khăn giấy ướt để tiện việc vệ sinh. Vào trường thi nhớ dừng lại ở cổng trường để đo nhiệt độ cơ thể và rửa tay. Tránh tụm năm, tụm bảy. Vật dụng mang vào phòng thi chỉ đơn giản là viết mực, viết chì 2B, gôm, thước, atlat, máy tính theo đúng quy định. Tuyệt đối không mang vào phòng thi các thiết bị thu, phát sóng, điện thoại di động, các thiết bị công nghệ cao có chức năng lưu giữ thông tin, tài liệu photo thu nhỏ… Tuyệt đối trung thực khi làm bài. 

Khi làm bài phải bình tĩnh, tự tin chọn câu dễ làm trước rồi đến câu khó. Trước 5-10 phút hết giờ làm bài dò lại một lần, tuyệt đối phải tô đủ số câu. Khi bị phân tâm, các thí sinh nhớ hít sâu và từ từ thở ra cho tâm mình an trở lại, cũng nên uống một ít nước lọc giúp giải tỏa nhiệt cơ thể và quá trình điện giải tốt hơn”, thầy Phú căn dặn. 

Tiêu Hà

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI