Thí sinh chọn ngành: Sự “xuống dốc” của khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật - công nghệ

17/05/2021 - 07:10

PNO - Cán cân ngành nghề lệch một cách đáng quan ngại. Nhóm ngành kinh doanh được quan tâm nhất, trong khi khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật - công nghệ đang "xuống dốc".

17g hôm qua 16/5 là thời hạn kết thúc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học (ĐH) 2021 ở hình thức trực tuyến. Trước đó, hình thức đăng ký trực tiếp đã kết thúc từ ngày 11/5. Thống kê trước ngày hết hạn đăng ký, có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT và có gần 800.000 thí sinh tham gia xét tuyển vào ĐH, cao đẳng sư phạm. Tổng số nguyện vọng (NV) đăng ký xét tuyển ĐH, cao đẳng là hơn 3,5 triệu.

Đáng nói, cán cân ngành nghề lệch một cách đáng quan ngại. Theo đó, dẫn đầu là nhóm kinh doanh và quản lý với hơn 1,2 triệu NV, trong khi nhóm ngành này chỉ tuyển 118.679 chỉ tiêu. Nhóm ngành có số lượng NV nhiều thứ hai là máy tính và công nghệ thông tin với 336.001, trong khi chỉ tất cả các trường có đào tạo ngành này chỉ lấy 49.582 chỉ tiêu. Kế đến là nhóm ngành nhân văn, thu hút 272.692 NV và chỉ lấy hơn 43.000 chỉ tiêu…

Thí sinh đang có sự ưu tiên vào nhóm ngành kinh doanh và quản lý
Thí sinh đang có sự ưu tiên vào nhóm ngành kinh doanh và quản lý

Ngược lại, nhóm cao đẳng sư phạm ngành giáo dục mầm non có 14.534 chỉ tiêu nhưng NV đăng ký chỉ 9.641. Tương tự, nhóm ngành dịch vụ xã hội cũng có số thí sinh lựa chọn vào hàng thấp nhất. 

Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng: Người học thích sau này được làm việc trong môi trường mở, tương tác với xã hội nhiều hơn, mà các đặc trưng này thường có nhiều ở việc làm khối ngành liên quan đến kinh tế - tài chính, xã hội; đặc biệt các mảng kinh tế, ngoại thương, quan hệ quốc tế, ngôn ngữ, marketing, truyền thông, kinh doanh quản trị… Điều này lý giải rất rõ cho tình trạng “xuống dốc” của khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật - công nghệ những năm gần đây.

Chỉ một số ngành công nghệ mũi nhọn phục vụ cách mạng công nghệ 4.0 như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học… dễ thu hút người học. Điều này dẫn đến hệ lụy trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nền kinh tế ngày càng đòi hỏi nhiều lao động liên quan đến khoa học - công nghệ. 

Không chỉ chênh lệch trong cơ cấu chọn ngành nghề, mà trong môn thi cũng có sự phân hóa rõ rệt. Tổng số bài thi khoa học tự nhiên (KHTN) là 343.564 (chiếm 33,85%), khoa học xã hội (KHXH) 541.777 (chiếm 53,38%).

Theo thạc sĩ Phùng Quán, nếu thí sinh chọn bài thi KHTN ngày càng giảm, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực mà còn ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập của họ sau này. Nếu không có giải pháp cân bằng độ khó đề thi giữa bài thi KHXH và KHTN, dẫn tới nguy cơ thí sinh chọn bài thi KHXH để an toàn tốt nghiệp THPT, mà không phải chọn tổ hợp thi theo xu hướng nghề nghiệp và đam mê môn học thực sự. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI