Thi nhan sắc - cuộc chơi nghiệt ngã?

23/05/2014 - 10:40

PNO - PN - Điều chưa có tiền lệ trong lịch sử các cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam vừa xảy ra: một hoa hậu xin trả vương miện, gây bối rối cho các cơ quan quản lý. Điều đáng quan tâm không phải diễn biến câu chuyện mà từ sự việc này,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Theo Triệu Thị Hà - Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 (HHCDTVN), việc cô xin trả lại vương miện diễn ra vào năm 2013, thời điểm cuộc thi HHCDTVN đang bước vào mùa thứ ba, ban tổ chức (BTC) đang vận động thêm tài trợ. Vài lần cô được BTC yêu cầu cùng đến một vài doanh nghiệp xin tài trợ, có khi có cả các thí sinh khác, nhưng đỉnh điểm là lần cô phải đến nhà riêng của một người lúc đêm khuya. “Hôm đó chúng tôi dự một sự kiện của Bộ VH-TT-DL tổ chức ở Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam Đồng Mô. Xong sự kiện, tôi được đề nghị đi luôn, đến đó là vào khoảng 12g đêm. Lúc này chỉ có tôi, chị Hồng (bà Đoàn Thị Kim Hồng - Trưởng BTC cuộc thi HHCDTVN ), trợ lý của chị ấy và một lái xe mà không có thêm thí sinh nào khác”, Triệu Thị Hà cho biết. Không chịu đựng nổi những chuyện như thế, nhưng vì BTC cho đó là một trong các hoạt động mà cô phải làm với trách nhiệm của một hoa hậu, nên cô xin được trả lại danh hiệu. Đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Hôm qua, 22/5, Triệu Thị Hà lại phải từ TP.HCM bay ra Hà Nội để làm việc với Cục Nghệ thuật - biểu diễn. Cô cũng thừa nhận đã không tham gia vài hoạt động xã hội theo yêu cầu của BTC, vì BTC thông báo cho cô quá trễ, khiến cô không sắp xếp được việc học. “Tôi không hề muốn trả lại vương miện, nhưng nếu không tham gia các việc trên theo yêu cầu của BTC, tôi sẽ bị cho là vi phạm thỏa thuận, nên tôi xin trả vương miện để thoát khỏi thỏa thuận và những hoạt động mà tôi không biết để làm gì, cũng không đủ sức khỏe để tham gia”, Triệu Thị Hà nói.

Trước những cáo buộc trên, bà Đoàn Thị Kim Hồng cho biết, đó là những lời nói dối từ phía Triệu Thị Hà, để khỏa lấp việc cô không tuân thủ cam kết tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện sau khi đoạt giải, cũng như theo đề án cuộc thi mà Bộ VH-TT-DL đã cấp phép. “Sau khi đoạt giải, Triệu Thị Hà có người yêu rồi trốn tránh nghĩa vụ của một hoa hậu. Tôi từng phải nhờ đến cơ quan an ninh để tìm cô ấy vì không ai biết cô ấy ở đâu, kể cả gia đình. Riêng việc phải “tiếp khách” như cô ấy phát ngôn trên báo chí, tôi khẳng định không hề có. Không hề có bữa tiệc nào, cũng không có cuộc gặp nào diễn ra vào ban đêm”, bà Kim Hồng khẳng định.

Thi nhan sac - cuoc choi nghiet nga?

Việc Hoa hậu Triệu Thị Hà xin trả vương miện đang đặt ra những nghi ngờ về hoạt động của các người đẹp có đúng tôn chỉ mục đích cuộc thi đề ra hay không

Sự việc vẫn đang dừng ở chỗ bên nói có, bên nói không. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà cụm từ “tiếp khách” của Triệu Thị Hà lại làm dấy lên làn sóng cảm thán và chỉ trích BTC. Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên một người đẹp/thí sinh lên tiếng về việc bị bắt phải tiếp khách để tìm tài trợ cho BTC, phải quảng bá cho nhà tài trợ dưới “mác” các hoạt động của cuộc thi. Năm 2011, sau khi cuộc thi Nữ hoàng trang sức kết thúc, nhiều thí sinh như Trần Thị Hoa, Cao Thái Hà… cũng đã lên tiếng về việc mình phải tiếp rượu các vị khách của BTC. Trong bữa tiệc rượu này, có thí sinh phải gọi người nhà đến đón về vì bị ép uống quá nhiều. Đó là chưa kể các thí sinh này còn phải đi phát tờ rơi, bán vé tham dự đêm chung kết tại một hội chợ nông sản ở Cần Thơ. Các thí sinh của cuộc thi Đại sứ thể thao học đường thì phải chạy xe dưới cái nắng ban trưa trên đường phố, trong trang phục và trên chiếc xe đạp được “nhuộm” đậm màu sắc, logo của nhà tài trợ, cho cái gọi là “một hoạt động ngoài trời của cuộc thi”, thực chất chỉ là để quảng bá cho thương hiệu sản phẩm của nhà tài trợ. “Tìm tài trợ là việc của BTC, sao lại bắt chúng tôi phải làm thay”, một người đẹp từng là thí sinh một cuộc thi nhan sắc thắc mắc. Ở một góc độ nào đó, sự việc này một lần nữa cho thấy không phải ai cũng đủ tỉnh táo trước các bản thỏa thuận, cũng như đủ sức phản biện lại những viện dẫn thỏa thuận khi bị áp dụng sai lệch. “Bản thỏa thuận của tôi và BTC là một bản do BTC soạn sẵn chứ không phải hai bên cùng ngồi lại bàn bạc, nếu biết trước như thế, tôi đã không ký thỏa thuận đó”, Triệu Thị Hà nói. Tuy nhiên, trong bản thỏa thuận giữa cô và BTC, không hề bao gồm cả việc phải tham gia vận động tài trợ, cô hoàn toàn có quyền không thực hiện mà không phải trả lại vương miện, nếu sự việc đúng như những gì cô phát biểu.

Có thể nói, dù là cuộc chơi nhan sắc hay bất kỳ cuộc chơi nào thì cũng đều có nhiều yếu tố nghiệt ngã, có thể thực dụng hơn những gì thể hiện ngoài mặt của nó. Quan trọng là các thí sinh - những người đã trưởng thành, có tỉnh táo nhận ra và đủ sức đề kháng với những nghiệt ngã đó không.

 Võ Hà

Một vài ràng buộc của thí sinh đối với BTC cuộc thi HHCDTVN

Bên A (BTC - PV) chịu trách nhiệm giám sát và quản lý bên B (người đoạt giải - PV) về tất cả các hoạt động có liên quan như: trả lời báo chí, truyền hình, chụp hình, hoạt động từ thiện, giao lưu văn hóa, ký kết hợp đồng quảng cáo, trình diễn thời trang v.v… (Trích biên bản thỏa thuận giữa BTC và Triệu Thị Hà, có thời hạn hai năm, từ 10/12/2011 - 10/12/2013).

Tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện theo chương trình do BTC xây dựng trong suốt cuộc thi. Nếu đoạt giải, các danh vị Hoa hậu, Á hậu phải ưu tiên tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện theo chương trình của đơn vị tổ chức và nhà tài trợ chính trong suốt nhiệm kỳ. (Trích Quyền lợi và trách nhiệm của thí sinh, người đạt danh hiệu - Đề án cuộc thi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI