Ra ngõ gặp hoa hậu
Tại hội thảo “Phát huy mặt tích cực của hoạt động thi người đẹp, người mẫu góp phần quảng bá nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, phát triển du lịch” vừa tổ chức hôm 20/10 ở Đà Nẵng, đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) một lần nữa khẳng định, mỗi năm bộ chỉ cấp phép tổ chức hai cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia.
|
Lùm xùm tại cuộc thi Hoa hậu Đại dương hé lộ tình trạng quản lý lỏng lẻo, bất cập ở các cuộc thi nhan sắc - Ảnh: Bá Ngọc
|
Cụ thể, trong năm 2017 là Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Đại dương. Tuy nhiên, năm 2016, công chúng nhận thấy có Hoa hậu Biển Việt Nam, Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu và Hoa hậu Việt Nam (Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu được xem là ba cuộc thi mang tính quốc tế, không chịu sự điều chỉnh của Nghị định 79/2012/NĐ-CP).
Các cuộc thi nhan sắc với danh hiệu hoa khôi, người đẹp, nữ hoàng trên phạm vi quốc gia, địa phương hoặc cộng đồng người Việt tại nước ngoài hiện cũng đang vào “mùa”.
Kết quả: danh hiệu, danh xưng loạn đến mức công chúng khó mà nhớ hết. 2017 cũng là năm có đến bảy nhan sắc Việt được cấp phép đại diện Việt Nam tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế: Nguyễn Trần Huyền My dự Hoa hậu Hòa bình Quốc tế, Đỗ Mỹ Linh tham gia Miss World (Hoa hậu Thế giới), Thùy Dung đấu sân Miss International, Nguyễn Thị Loan dự Hoa hậu Hoàn vũ, Khánh Ngân chinh chiến ở Hoa hậu Đại sứ du lịch Thế giới, Tường Linh tham gia Hoa hậu Liên lục địa, Hà Thu đến đấu trường Miss Earth.
Hằng ngày, thông tin về các người đẹp đoạt giải, hoặc đang tham gia các cuộc thi nhan sắc phủ sóng dày đặc trên truyền thông khiến độc giả phát ngộp.
Danh vọng cho ai?
Nhìn vào danh sách cuộc thi, người đẹp kể trên, thay cho cảm giác hãnh diện là ưu tư: danh hiệu như mớ rau ngoài chợ, dành cho bất kỳ ai có nhu cầu, tùy tài năng lẫn tài chính mà lựa chọn.
|
Nguyễn Thị Loan - người gần như dành cả tuổi thanh xuân để đi thi |
Nhiều người đẹp, sau khi vỡ mộng đã không ngần ngại ném danh hiệu vào thùng rác hoặc trả lại. Các quy định về thi nhan sắc tưởng như chặt chẽ lại quá dễ dãi, để các nhà tổ chức tha hồ lách luật. Một cuộc thi nhan sắc tầm quốc gia như Hoa hậu Đại dương lùm xùm từ khâu kiểm tra nhân trắc học đến việc tổ chức kém chuyên nghiệp, nghi án mua bán giải… Những câu hỏi đang chờ Bộ VH-TT-DL trả lời.
Tại Việt Nam, trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là giải trí, sở hữu một danh hiệu đồng nghĩa với việc danh vọng và tiền bạc sẽ tìm đến. Nhưng, danh hiệu rèn từ tài năng luôn cần thời gian, công sức, thậm chí cả nước mắt; còn danh hiệu từ các cuộc thi nhan sắc thì chỉ cần một đêm đã có thể đổi đời.
Hàng trăm, hàng ngàn quý cô, quý bà, quý anh đổ xô đi thi. Có người đẹp chinh chiến quen mặt hết cuộc này qua cuộc khác, thậm chí bất chấp để “thi chui”. Trong khi đó, một nhan sắc Việt từng đoạt danh hiệu khá cao, đang sống tại nước ngoài, xác nhận: các cuộc thi nhan sắc chỉ được quan tâm nhiều ở những nước đang (tức kém) phát triển.
Ở các quốc gia phát triển, đó chỉ là một cuộc chơi, một chương trình truyền hình tìm cách hút rating. Tuy nhiên, ở đó cũng rất mực tôn trọng người xem, thay vì khoác chiếc áo rộng như “đại diện cho vẻ đẹp, tài trí, đạo đức của phụ nữ Việt Nam” mà thực chất là cầu danh cho chính người dự thi.
Ở ta, việc một người đẹp của cuộc thi này tham gia một/nhiều cuộc thi quốc tế khác là chuyện bình thường. Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013 - Nguyễn Thị Loan - từng đại diện Việt Nam dự Hoa hậu Thế giới 2014, rồi về nước dự Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015, tiếp tục đại diện Việt Nam tham gia Miss Grand International 2016 và năm nay là Hoa hậu Hoàn vũ 2017; Á hậu đại dương 2014 Hà Thu được trao quyền thi Miss Earth 2017 là minh chứng điển hình cho những bất cập ở các cuộc thi nhan sắc Việt hiện nay.
|
Người đẹp Khánh Phương đại diện Việt Nam dự thi Hoa hậu Siêu quốc gia 2017 |
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, đã có gần 20 người đẹp đoạt các thể loại danh hiệu tại các cuộc thi trong và ngoài nước. Tạm kể: Khánh Ngân đăng quang Hoa khôi Du lịch Việt Nam, Phạm Anh Thư đăng quang Hoa hậu Phụ nữ Sắc Đẹp tại Thái Lan, Lưu Hoàng Trâm đăng quang tại Hoa hậu Quý bà Hoàn vũ Thế giới tại Nam Phi; Lâm Hải Vi giành danh hiệu Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ tại Nhật Bản; Hoàng Thủy đăng quang Hoa hậu Doanh nhân người Việt Thế giới; Nguyễn Dương Tiểu Vy đoạt danh hiệu Người đẹp xứ Trà; Hoàng Thu Thảo đăng quang Nữ hoàng sắc đẹp toàn cầu tại Hàn Quốc…
Quy định Thi người đẹp, người mẫu: siết hay mở?
Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định các cuộc thi hoa hậu quy mô toàn quốc được tổ chức mỗi năm không quá hai lần. Các cuộc thi người đẹp khác, tùy vào ý nghĩa, mục đích, ban tổ chức sẽ đặt tên cho phù hợp. Với những cuộc thi người đẹp vùng, ngành, đoàn thể trung ương thì mỗi năm tổ chức không quá ba lần. Cuộc thi người đẹp cấp tỉnh mỗi năm tổ chức không quá một lần.
Riêng các cuộc thi người đẹp quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Bộ VH-TT-DL sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể để xem xét và quyết định. Quy định thoạt nhìn tưởng siết chặt nhưng thật ra khá mở trong việc tổ chức thi người đẹp. Chỉ tính những cuộc thi hợp pháp trong nước đã lên đến năm cuộc, chưa kể những cuộc thi có yếu tố quốc tế.
|
Lê Phan