Thi lớp Mười tại TPHCM:“Chiến lược” đạt điểm cao môn toán

22/05/2023 - 06:14

PNO - Chỉ còn 2 tuần nữa, hơn 100.000 học sinh tại TPHCM sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười với các môn toán, văn, ngoại ngữ. Trong thời điểm “nước rút” này, học sinh cần có phương pháp ôn tập hiệu quả để đạt được kết quả tốt nhất. Dưới đây là “chiến lược” ôn luyện và làm bài để đạt điểm cao đối với môn toán từ các giáo viên nhiều kinh nghiệm.

Phân chia thời gian làm bài hợp lý 

Thầy Trần Thanh Quang - giáo viên toán Trường THCS Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) - cho rằng để làm tốt bài thi, học sinh cần nắm vững cấu trúc bài thi và các dạng toán quen thuộc. Theo thông báo, năm nay cấu trúc đề thi tương tự các năm trước, gồm 8 câu, trong đó 2 câu đầu là đồ thị hàm số và áp dụng định lý Vi-et, 5 câu toán thực tế và 1 câu hình học.

Đối với 5 câu toán thực tế, qua theo dõi nhiều năm thì thấy đề thi chủ yếu rơi vào 3 dạng toán quen thuộc là hàm số bậc nhất (đọc đồ thị), giải bài toán hệ phương trình và toán thực tế hình học không gian dạng hình ghép. Học sinh nên tập trung luyện tập nhiều với 3 dạng này để có thể giải nhanh và đúng.

Riêng 2 câu đọc hiểu có độ khó và dùng để phân loại thì các em cần tham khảo thêm nhiều dạng bài tập.

Học sinh thi toán tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười ở TPHCM năm 2022 - ẢNH: P.T.
Học sinh thi toán tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười ở TPHCM năm 2022 - ẢNH: P.T.

Đối với câu 8 về hình học có 3 ý, chủ yếu xoay quanh kiến thức về tứ giác nội tiếp, tam giác đồng dạng, các góc trong đường tròn, một số kiến thức hình học của cấp II vận dụng vào...

Ý a chỉ cần học sinh nắm những kiến thức cơ bản vận dụng vào, ý b thường sử dụng kết quả của câu a để phát triển lên, mang tính vận dụng. Ý c vận dụng cao, là câu phân loại điểm 10.

Theo thầy, trong quá trình làm bài, học sinh cần lưu ý chọn những câu dễ để làm trước. Các em có thói quen làm theo thứ tự, nhưng nếu gặp câu quá khó suy nghĩ mất nhiều thời gian thì sẽ không kịp làm các câu khác. Dễ lấy điểm nhất là 2 câu đầu (2,5 điểm), học sinh cần rèn luyện nhiều để lấy trọn điểm 2 câu này, chỉ nên làm trong tối đa 30 phút, để dành thời gian cho các câu khác.

Đối với các câu còn lại nên lựa các câu dễ để làm trước. Câu nào ý a dễ làm trước, ý b nếu đọc suy nghĩ khoảng 10 phút mà chưa biết cách giải thì chừa chỗ trống để làm câu khác trước rồi quay lại làm sau. Từ nay đến lúc thi, học sinh nên tập trung luyện đề, cách phân bố thời gian làm bài hợp lý. Các em có thể canh giờ để thi thử nhiều lần, mỗi lần rút kinh nghiệm nên làm câu gì trước để kịp thời gian. 

Với học sinh giỏi muốn chinh phục điểm 10, các em cần luyện kỹ đối với câu 8c. Đây là câu rất khó, học sinh có thể định ra 2-3 hướng giải bài toán, sau đó chọn ra hướng tốt nhất để triển khai, điều này phụ thuộc vào tư duy và quá trình học tập, ôn luyện của các em. Học sinh có thể lấy bộ đề khoảng 4 năm nay, giải lại những câu 8c, tìm hiểu thêm một số dạng toán trong bộ đề tham khảo của Sở GD-ĐT TPHCM.

Có thể học theo từng nhóm học sinh giỏi để cùng nhau tìm cách giải hoặc nhờ sự trợ giúp của giáo viên. “Với các lớp tôi dạy, tôi đánh giá có khoảng 10 em có thể tiếp cận điểm 10, nên đã gửi đề cương riêng để các em tập trung làm câu 8c, chỗ nào thắc mắc thì giáo viên hỗ trợ. Đây là giai đoạn cao điểm ôn luyện, song các em lưu ý dành thời gian nghỉ ngơi trước ngày thi ít nhất 1-2 ngày để đảm bảo sức khỏe và tinh thần tốt nhất cho giờ G” - thầy Trần Thanh Quang nói.

Lưu ý dạng toán thực tế

Thầy Đỗ Quang Vinh - giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn, Tổ trưởng bộ môn toán của quận 3 - cho biết, dạng toán thực tế rất phổ biến trong những năm thi gần đây, thông thường đề sẽ gồm 5 câu toán thực tế là các câu từ câu 3 đến câu 7. Trong đó, câu 3 có thể ra dạng bài liên quan đến toán suy luận, tính ngày giờ, tính khoảng thời gian... Hoặc cũng có thể ra toán đọc hiểu bằng cách cho công thức đánh giá thể trạng BMI, yêu cầu học sinh tìm chỉ số BMI và tính chỉ số BMI ở mức bình thường của một người. Đây là dạng bài có áp dụng công thức, mỗi câu thường có 2 ý, ý a ở mức độ nhận biết thông thường, ý b sẽ nâng cao hơn, đòi hỏi học sinh phải có tư duy suy luận và vận dụng.

Câu 4 có thể ra về lựa chọn mua hàng hóa với một số tiền sao cho có lợi, tính tiền cước điện thoại... Đây là dạng bài toán thực tế giúp học sinh biết chi tiêu hợp lý. Thông thường câu này liên quan đến hàm số bậc nhất, có dạng cho sẵn công thức hoặc cho bằng lời, học sinh đọc hiểu và lấy dữ kiện thay vào hàm số để giải. Câu 5 thiên về hàm số bậc nhất, học sinh đọc bài toán thực tế để lấy dữ kiện đưa vào công thức để giải phương trình hoặc hệ phương trình. 

Câu 6 là hình học không gian, cũng cho sẵn công thức, khi làm học sinh phải chú ý quy luật làm tròn. Chẳng hạn, nếu đề cho số pi thì sử dụng theo đề, còn đề không cho pi thì sử dụng pi có sẵn trong máy tính (pi theo đề là 3,14 còn pi theo máy tính là 22/7). Ở chỗ này, học sinh thường không đọc kỹ đề dẫn đến làm tròn sai, mất điểm. Câu 7 cũng là toán thực tế liên quan đến phương trình, hệ phương trình. Học sinh cần chú ý phải có lập luận để đưa ra phương trình, hệ phương trình, tránh trường hợp đưa ra hệ phương trình luôn mà không có lập luận thì sẽ bị trừ điểm.

Theo thầy Đỗ Quang Vinh, nhiều học sinh ngại toán thực tế nhưng đa phần các dạng toán thực tế không quá khó. Với một số bài, học sinh chỉ học hết lớp Tám là có thể làm được. Đối với toán thực tế, quan trọng nhất là các em cần đọc kỹ đề, nhiều chỗ có thể bị “gài”, khi đọc nên gạch dưới những số liệu, từ khóa để lấy đúng dữ kiện. Bên cạnh đó, phải chú ý đến việc làm tròn, đọc kỹ để biết đề yêu cầu làm tròn đến số thập phân thứ mấy. Nếu đề không yêu cầu cụ thể thì phải làm tròn theo quy ước, chẳng hạn với số thì làm tròn đến số thập phân thứ nhất, với góc thì làm tròn đến phút... 

“Học sinh cũng cần lưu ý đến việc làm tròn theo thực tế. Chẳng hạn, 8 người đi taxi 7 chỗ thì cần 1,1 xe. Nếu làm tròn theo quy ước toán học thì là 1 xe, nhưng làm tròn theo thực tế phải cần 2 xe. Học sinh dễ bị nhầm lẫn chỗ này, do đó đối với toán thực tế, học sinh phải có kiến thức thực tế khi làm tròn. Đề toán thực tế thường mô tả dài, học sinh thấy dài thì có tâm lý sợ. Tuy vậy, nhiều bài dài nhưng không khó, quan trọng là chịu khó đọc kỹ để lấy đúng dữ kiện làm bài” - thầy Đỗ Quang Vinh đưa ra lời khuyên. 

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI