PNO - Theo các thầy cô, đề văn tuyển sinh vào lớp Mười tại TPHCM năm nay sẽ có độ mở cao so với các năm trước. Do đó, học sinh cần tập trung hệ thống hóa kiến thức và rèn luyện kỹ năng làm bài.
Cấu trúc đề thi văn về cơ bản vẫn gồm 3 phần đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm). Dù vậy, các thầy cô lưu ý năm nay đề thi có điểm đổi mới đòi hỏi học sinh phải thay đổi chiến thuật ôn tập.
Hệ thống kiến thức trước “giờ G”
Học sinh lớp 9/4 Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10) đang ôn luyện môn văn trước kỳ thi tuyển sinh lớp Mười - Ảnh: P.T.
Thạc sĩ Phan Hoàng Tấn - Tổ phó tổ ngữ văn Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10) - cho rằng, thời điểm này, học sinh cần bình tĩnh rà soát lại kiến thức một cách hệ thống. Về kiến thức văn học, các em cần thuộc và nắm được nghệ thuật các bài thơ trong chương trình, nhớ được các dẫn chứng trong truyện. Nếu còn thời gian, nên đọc thêm các tác phẩm bên ngoài cùng chủ đề để đa dạng ngữ liệu làm bài. Học sinh nên chia theo chủ đề để thuận lợi cho việc liên kết các văn bản. Một số chủ đề quen thuộc cần lưu tâm như: tình cảm gia đình, quê hương nguồn cội, vẻ đẹp lao động, sức trẻ Việt Nam, con người và thiên nhiên, tinh thần đoàn kết, tình yêu thương…
Ngoài ra, các em cần ghi chú thông tin cơ bản về tác giả, xuất xứ và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Chẳng hạn, về nhà văn Kim Lân, nên ghi nhớ các từ khóa “Bắc Ninh”, “chuyên viết truyện ngắn”, “gắn với nông thôn”… Bằng cách nhớ từ khóa, các em không phải học thuộc quá nhiều, đồng thời tránh lối viết “cồng kềnh” cho đoạn khái quát về tác giả. Về kiến thức tiếng Việt, học sinh cần nắm lại khái niệm của các đơn vị kiến thức ở lớp Chín, đây là phần trọng tâm. Sau đó, xem lại lý thuyết tiếng Việt lớp Sáu, Bảy, Tám, nhất là biện pháp tu từ.
Để rèn kỹ năng, học sinh nên xem các đề thi lớp Mười đã ra những năm gần đây. Ở phần đọc - hiểu, các em tập phân tích đề, trả lời các câu hỏi để định hình hướng giải quyết đề. Theo dõi đề thi các năm qua, câu viết đoạn vận dụng (câu 1d) có nhiều dạng: đề cho 2-3 lựa chọn rồi nêu lên điều em tâm đắc, đề cho 1 ý kiến có nhiều góc nhìn rồi học sinh đưa ra quan điểm, đề yêu cầu học sinh đưa ra hành động, giải pháp…
Ở phần nghị luận xã hội, học sinh nên liệt kê các dạng đề để biết được cách làm bài như: dạng câu nói, dạng câu hỏi, dạng lựa chọn, dạng sự kiện… Quan trọng nhất là các em cần trang bị thêm các dẫn chứng. Giám khảo sẽ đánh giá cao và có thiện cảm với những dẫn chứng mới, mang tính thời sự hơn là những dẫn chứng đã quá quen thuộc. “Mỗi dẫn chứng có thể sử dụng cho nhiều dạng đề. Chẳng hạn, thông tin về diễn giả truyền cảm hứng Nick Vujicic - “người đàn ông không tay chân” - có thể dùng làm dẫn chứng cho chủ đề về ý chí, nghị lực hoặc chủ đề đam mê, ước mơ, động lực, niềm tin để vượt qua khó khăn, chấp nhận thử thách…” - thầy Phan Hoàng Tấn gợi ý.
Phần nghị luận văn học, học sinh luyện tập viết bài theo cấu trúc của từng dạng đề đã được thầy cô hướng dẫn trên lớp. Thời gian còn lại trước ngày thi, các em nên tập giải 2-3 đề thi theo chuẩn thời gian 120 phút. Chỉ khi giải đề, mỗi em mới biết được kỹ năng đọc và xử lý đề, khả năng tư duy và độ nhanh chậm khi viết, từ đó canh chỉnh thời gian hợp lý.
Lưu ý gì với đề văn mở?
Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc - giáo viên ngữ văn Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8) - cho hay, đối với câu nghị luận văn học sẽ cho học sinh chọn 1 trong 2 đề. Đề 1 sẽ đưa ra 1 chủ đề và yêu cầu học sinh tự chọn 1 tác phẩm thuộc chủ đề, cảm nhận tác phẩm và chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân mình hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống. Đề 2 sẽ đặt ra 1 tình huống cụ thể và yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc để giải quyết tình huống ấy.
Như vậy, mọi năm đề 1 thường cho sẵn đoạn thơ hoặc trích đoạn truyện để thí sinh cảm nhận. Còn năm nay, thí sinh phải tự chọn tác phẩm phù hợp chủ đề để phân tích. Đòi hỏi các em phải thuộc các tác phẩm thơ, tóm tắt được nội dung truyện ngắn thì mới làm được. “Đây là năm đầu tiên đề văn có độ mở cao, cho thí sinh tự lựa chọn tác phẩm. Các em sẽ có nhiều lựa chọn tác phẩm để cảm nhận phù hợp với suy nghĩ, sở thích, khả năng cảm thụ của mình” - cô Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.
Theo thầy Phan Hoàng Tấn, câu nghị luận văn học có độ mở dễ gây áp lực, hoang mang cho thí sinh. Cho nên các em lưu ý đọc kỹ cả 2 đề để đưa ra lựa chọn. Trước khi bắt tay vào làm, thí sinh nên ghi nháp dàn bài, các từ khóa về tác giả, tác phẩm, nội dung chính. Với áp lực thời gian và không khí phòng thi, việc ghi nháp giúp thí sinh có định hướng rõ ràng, cụ thể. Nếu lỡ quên ý trong quá trình làm bài, phần nháp sẽ là “tấm bản đồ” hữu ích để xác định hướng đi tiếp theo. Tuy vậy, thí sinh chỉ nên ghi nháp dưới hình thức sơ đồ đơn giản hoặc từ khóa ngắn gọn, tránh mất thời gian viết nháp dông dài rồi không kịp làm bài thi.
Một lưu ý khác ở phần nghị luận văn học, nhiều em có suy nghĩ giám khảo sẽ thích bài làm có lý luận văn học nên lạm dụng các kiến thức lý luận. Tuy vậy, hiện nay, nhất là với đề thi có độ mở cao, gắn liền với việc kích hoạt tư duy của thí sinh, điều quan trọng nhất là phải có “giọng riêng biệt của chính mình”. Hiểu một cách đơn giản là thí sinh cần thể hiện cảm xúc chân thật, bày tỏ được suy nghĩ cá nhân trong quá trình trải nghiệm cùng văn chương.
Ở bậc THCS, đề thi chú trọng đến năng lực cảm nhận của học sinh, thể hiện sự sáng tạo, kỹ năng xử lý đề. Cho nên nếu các em không tập trung cảm nhận, phân tích tác phẩm mà lạm dụng trích dẫn các câu nhận định hoặc kiến thức lý luận văn học sẽ dẫn đến cảm nhận không có chiều sâu, cảm xúc khô khan.
Tránh những lỗi dễ mất điểm
Theo thầy Phan Hoàng Tấn, với câu đọc - hiểu, học sinh cần nhớ nguyên tắc “2Đ” (đúng - đủ). Cần trả lời đúng yêu cầu của đề và đủ thông tin. Đây là nguyên tắc bắt buộc để lấy trọn 3 điểm ở câu này. Nhiều em khi đề yêu cầu tìm yếu tố tiếng Việt ở văn bản 2 thì lại tìm ở văn bản 1. Nhiều em khi đề yêu cầu “Em sẽ làm gì để có thể lan tỏa tình yêu thương với mọi người xung quanh?”, thay vì nêu các hướng hành động thì em lại sa vào nêu ý nghĩa của tình yêu thương dẫn đến lan man, chưa đúng trọng tâm. Hoặc ở câu 1d phần đọc - hiểu, đề yêu cầu viết từ 4-6 dòng, có em không đọc kỹ đề, viết từ 4-6 câu nên quá dung lượng cho phép.
Một số lỗi dễ bị mất điểm ở câu nghị luận xã hội như: mở bài không nêu được luận đề, đoạn giải thích không đầy đủ hoặc lan man, đoạn bàn luận thiếu dẫn chứng hoặc dẫn chứng không cụ thể, đoạn liên hệ bản thân viết chung chung… Khi đưa dẫn chứng vào bài nghị luận xã hội, các em chú ý độ chính xác và phải phân tích mới thuyết phục.
Ở câu nghị luận văn học, nhiều em sa đà phân tích tác phẩm mà quên hoặc không làm kịp các yêu cầu phụ, trong khi phần này giúp cải thiện điểm. Chỉ nên dành khoảng 35-40 phút cho phần nghị luận xã hội. Nếu quá thời gian trên sẽ lấn sang giờ của câu nghị luận văn học, ảnh hưởng đến chất lượng của phần chiếm điểm số nhiều nhất trong bài thi.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...
Chiều 14/11, tại Hà Nội, diễn ra buổi gặp mặt các nhà giáo của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương.