Thị không về phố

21/08/2020 - 19:00

PNO - Như thế nghĩa là vẫn còn người trồng thị, vẫn còn người tiếc nuối dư vị của một thời xa vắng. Chỉ có điều trái cây ấy năm nay mất mùa…

Cuối tuần, anh tạm gác công việc sang một bên để thực hiện lời hứa với con. 
Nhớ ngày xưa, cũng tầm tháng Bảy, tháng Tám này là mùa thị. Lần nào mẹ đi chợ về cũng có vài ba quả thị lăn lóc trong góc làn. Mấy anh em ai cũng có phần, ai cũng gắng để dành quả thị của mình sao cho được lâu nhất, để mùi hương của thị lẩn quất trong áo quần, da thịt.

Một lần, trong lúc mê ngủ, anh đạp phải quả thị khiến nó vỡ bẹp lép. Mẹ anh nghĩ ra cách cắt dây chuối khô đan cho mỗi đứa một cái giỏ đựng thị. Vậy là những lúc bận việc hoặc đi ngủ, thị được treo lúc lỉu ngoài dây phơi, trên song cửa sổ, trên cả hoành nhà.

Hương thị ấp iu dặt dìu trong không gian tĩnh mịch, thấm vào từng hơi thở, từng ngóc ngách tâm hồn. Chao ôi! Cái mùi hương ấy sao mà quên cho được. Anh không hiểu tại sao một thứ quả bé thế kia lại đong đầy mùi hương đến vậy.

Ngày qua, những đốm xanh trên mình quả thị biến mất, cái tai xinh trông yêu yêu cũng đã hao đi đôi phần. Vỏ quả bắt đầu chuyển từ vàng tươi sang sẫm, làn da căng bóng mịn màng xuất hiện những vết chân chim. Thoảng nghe trong hương thị mùi ngọt ngọt của đường. Tụi con nít háo hức nắn nắn, bóp bóp cho thị thật mềm rồi xé thị làm đôi và bắt đầu thưởng thức.

Những quả thị “đít” thẳng thường nhiều hạt hơn những quả “đít” xiên. Tụi con nít đứa nào được chia phần có hạt thì càng khoái vì bám xung quanh cái hạt nho nhỏ, cứng ngắc ấy là lớp thịt dày, ăn mềm và ngọt. Nhưng nếu chẳng may nuốt phải hạt thị thì ai cũng cuống quýt cả lên, sợ hạt sẽ nảy mầm, bén rễ từ trong bụng mà chui ra. Rồi đi đâu, làm gì cũng phải rinh theo cái cây ấy trông khó coi, mắc cỡ lắm!

Thị bây giờ chỉ còn thấy trên... Facebook. Ảnh minh họa
Thị bây giờ chỉ còn thấy trên... Facebook. Ảnh minh họa

Mỉm cười với ý nghĩ ấy, anh nhấc điện thoại gọi về cho mẹ như một phản xạ tự nhiên: 
- Mẹ ơi, quê mình nay còn ai trồng thị nữa không?
Hiểu con là người hoài cổ nên bà chẳng lấy gì làm bất ngờ với những câu hỏi kiểu như thế của anh.

Sau phút im lặng, mẹ anh từ tốn trả lời: 
- Bây giờ vườn ít lại rồi, mà có trồng người ta cũng chỉ trồng các loại cây cao sản, lấy đâu ra chỗ cho thị mọc nữa hả con?

Phải rồi, thời buổi đất chật người đông, tấc đất còn quý hơn tấc vàng, mấy ai còn giữ cho mình một gốc thị, họa hoằn năm lãi một mùa quả, phần cho, phần bán chẳng bõ công hái trèo… Biết vậy, nhưng anh vẫn tin đâu đó trên vùng trung du cây thị, quả thị vẫn còn. Chớm thu, những chuyến xe liên tỉnh sẽ đưa thị về với phố.

Anh đánh xe tìm vào một khu chợ đầu mối, hỏi thăm vài chủ vựa, họ bảo: “Anh muốn mua nho Mỹ, táo Tàu, xoài Thái… số lượng bao nhiêu cũng có, chứ hỏi mua thị thì bằng làm khó nhà em rồi!”.

Chợ đầu mối không có, e rằng các khu chợ cóc càng không. Nghĩ vậy mà chẳng hiểu sao đôi chân anh vẫn cứ muốn tạt vào. Có lẽ vì anh nghĩ đến con, nghĩ đến sự háo hức của nó khi được cầm trên tay thức quả ngạt ngào hương sắc. Và biết đâu được đấy, thi thoảng vô tình anh vẫn bắt gặp những món quà quê giữa phố đó thôi.

Chẳng hiểu sao cứ tới mùa này anh lại nhớ thương trái thị ngày xưa...
Chẳng hiểu sao cứ tới mùa này anh lại nhớ thương trái thị ngày xưa...

Bước vào gian hàng bày la liệt các loại quả, anh nhìn quanh vẫn không thấy thứ cần tìm. Hỏi ai cũng chỉ nhận được cái lắc đầu nguầy nguậy. Biết chuyện, cụ bà bán cau trầu gần đó bảo anh: “Nhà tôi ở quê may còn một cây, nhưng con điện lên bảo vừa rồi bão vô đập tan tành hết cả rồi”. 

Như thế nghĩa là vẫn còn người trồng thị, vẫn còn người tiếc nuối dư vị của một thời xa vắng. Chỉ có điều trái cây ấy năm nay mất mùa… Anh cười buồn. Biết làm sao được. Thôi cũng đành mắc nợ với con! 

Nguyễn Hòe
 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Tâm 22-08-2020 14:24:03

    Bạn về Hải Dương đi, thành phố mà tôi đi thấy chợ nào cũng có. Các xe hàng rong cũng thấy bán. Chỉ có điều thành phố Hải Dương đang bị cách ly xã hội do Covit thôi, nên muốn vào phải khai báo y tế đấy!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI