Thi hoa hậu: Tranh cãi về 'phẫu thuật y khoa' và 'phẫu thuật thẩm mỹ'

14/12/2019 - 09:16

PNO - Khái niệm "phẫu thuật y khoa" gây nên sự mơ hồ trong tiêu chuẩn tuyển sinh đầu vào. Đâu là thước đo chính xác nhất cho khái niệm này, tránh để lọt thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ?

Theo quy định hiện hành, thí sinh tham gia các cuộc thi người đẹp tại Việt Nam phải có vẻ đẹp tự nhiên, chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ. Trong buổi họp báo ra mắt cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam Quốc tế 2020 (đã được Bộ Văn hóa - Thông tin và Du lịch (VH-TT&DL) cấp phép), ban tổ chức (BTC) cho biết vẫn sẽ tuân thủ quy định này.

Tuy nhiên, BTC đang đề xuất để được chấp nhận thí sinh phẫu thuật y khoa với lý do đối tượng cuộc thi hướng đến có những đặc thù nhất định do tuổi tác, việc sinh con... có thể làm ảnh hưởng đến sắc vóc.

Thi hoa hau: Tranh cai ve 'phau thuat y khoa' va 'phau thuat tham my'
BTC Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam Quốc tế 2020 cho biết đang trình đề xuất chấp nhận thí sinh qua phẫu thuật y khoa.

Tuy nhiên, khái niệm này nên được hiểu và có chuẩn đánh giá thế nào để không nhập nhằng với việc phẫu thuật thẩm mỹ - là điều mà quy định hiện hành cấm, bởi cả hai đều có sự tác động của dao kéo lên cơ thể. 

Nhà thơ Dương Kỳ Anh - cố vấn cho cuộc thi - trả lời: “Người xấu trở thành đẹp hơn nhờ can thiệp là phẫu thuật thẩm mỹ, còn y khoa là phẫu thuật bắt buộc để hoàn thiện con người. Ví dụ gãy răng thì phải trồng răng giả, té rách da phải khâu lại, làm lành... Muốn xác định điều này phải có các nhà nhân trắc học làm việc cụ thể, ban giám khảo (BGK) không thể đảm bảo điều này”.

Đại diện BTC cũng cho biết ngoài giáo sư Hoàng Tử Hùng (người đảm nhận vai trò kiểm tra nhân trắc học của thí sinh), sẽ mời thêm một cơ quan y tế vào cuộc để đảm bảo, có giấy xác nhận rõ ràng cho những trường hợp can thiệp y khoa.

Năm 2016, thí sinh Nguyễn Thị Thành gây ồn ào với 8 chiếc răng sứ khi dự thi hoa hậu. Sau khi bị BTC phát hiện trồng răng sứ, Nguyễn Thị Thành cho biết cô làm răng không phải vì mục đích thẩm mỹ mà do ngã cầu thang, bị gãy 3 chiếc răng, rạn nứt và lung lay 5 chiếc khác. Người đẹp cũng trình hồ sơ đến BTC để lý giải về nguyên nhân làm răng.

Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của cơ quan công an đã tìm ra sự thật Nguyễn Thị Thành trồng răng sứ có mục đích, chứ không phải vì tai nạn. 

Thi hoa hau: Tranh cai ve 'phau thuat y khoa' va 'phau thuat tham my'
Nguyễn Thị Thành từng gây ồn ào với 8 chiếc răng sứ khi tham gia Hoa hậu Việt Nam 2016

Năm 2017, hàng loạt thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam bị soi đã dán sứ, trồng răng sứ. Ông Trần Ngọc Nhật - Trưởng BTC cuộc thi -  khẳng định: “Răng sứ không phải là trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ. Phẫu thuật thẩm mỹ là sử dụng ngực giả, mũi giả…, còn làm răng vì sâu răng, hư răng thì đó đâu phải là tác động dao kéo”.

BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam ​cũng cho biết sẽ có đợt kiểm tra nhân trắc học lần nữa trước chung kết để đảm bảo đúng quy định hiện hành. Và, hàng loạt thí sinh sở hữu hàm răng sứ trắng tinh đã có mặt trong đêm chung kết. BTC cũng không có bất kỳ lời giải thích nào xác đáng, hoặc chứng minh xuất phát từ lý do y khoa nên thí sinh đã làm răng.

Hay vào năm 2018, BTC Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2018 cho biết chấp nhận thí sinh qua phẫu thuật y khoa, nhưng lại không ủng hộ việc thí sinh đã làm răng, can thiệp nha khoa. 

Có thể thấy, khái niệm "phẫu thuật y khoa" và "phẫu thuật thẩm mỹ" chưa thực sự có những phân định rạch ròi. Hai khái niệm này dễ bị chính thí sinh đánh tráo - nếu không có sự kiểm tra kỹ lưỡng (như trường hợp Nguyễn Thị Thành) - để qua mặt BTC. Hoặc chính BTC cũng có thể dùng kẽ hở này để đưa thí sinh không đủ chuẩn vượt rào quy định hiện hành.

T.S

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI