Hoa hậu nhí: danh hiệu rộn ràng từ trong đến ngoài nước
Ngày 31/8, chung kết cuộc thi Hoa hậu nhí Việt Nam 2018 diễn ra tại Hà Nội. Ngôi vị hoa hậu được trao cho Nguyễn Thủy Tiên (5 tuổi, Hà Nội). Ngôi vị Á hậu 1 và Á hậu 2 lần lượt thuộc về Dương Ngọc Ngọc Hà (5 tuổi, TP.HCM) và Trịnh Gia Linh. Ngoài ra, ban tổ chức còn trao 9 giải phụ.
Trước đêm chung kết, 21 thí sinh còn tham gia một số hoạt động như tham quan Văn Miếu, bốc thăm câu hỏi ứng xử, thi tài năng, thể thao... Theo thông tin quảng bá, cuộc thi Hoa hậu Nhí Việt Nam 2018 do Tạp chí Thời trang Trẻ em - Kids Model Vietnam tổ chức.
|
Nguyễn Thủy Tiên (5 tuổi) đăng quang Hoa hậu nhí Việt Nam |
Video clip đơn vị tổ chức quảng bá cuộc thi Hoa hậu nhí Việt Nam 2018:
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên khẳng định, Bộ không cấp phép cho cuộc thi Hoa hậu nhí Việt Nam - Miss Baby Việt Nam 2018.
|
Trước cuộc thi này, hàng loạt trẻ nhỏ được đưa ra nước ngoài để tham gia các cuộc thi nhan sắc dành cho trẻ em.
Cuối tháng 7/2018, Nguyễn Ngọc Trang Anh đăng quang Hoa hậu nhí châu Á - Thái Bình Dương, nằm trong khuôn khổ cuộc thi Hoàng tử và Công chúa quốc tế - Prince & Princess International 2018. Tháng 9/2017, em gái của Trang Anh, bé Bảo Anh cũng đoạt giải Công chúa châu Á tại cuộc thi Siêu mẫu nhí quốc tế 2017.
|
Nguyễn Ngọc Trang Anh (giữa) đăng quang Hoa hậu nhí châu Á - Thái Bình Dương, nằm trong khuôn khổ cuộc thi Hoàng tử và Công chúa quốc tế - Prince & Princess International 2018. |
Tháng 6/2018, Nguyễn Ngọc Lan Vy đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ nhí 2018 tại Georgia. Trước danh hiệu này, Ngọc Lan Vy cũng từng đoạt giải Hoa hậu Á - Âu - Little Miss Eurasia 2017. Cô bé cũng từng dự thi một cuộc thi về người mẫu và giành được giải phụ. So với những người đẹp ở tuổi trưởng thành, Ngọc Lan Vy cũng không hề thua kém trong khoản miệt mài đi tìm danh hiệu.
|
Ngọc Lan Vy đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ nhí 2018 |
Khánh Linh, Anna Hoàng cũng là những bé gái từng được đưa ra nước ngoài để tham dự các cuộc thi nhan sắc dành cho trẻ em. Không chỉ bé gái, các bé trai cũng liên tục được gửi đến những cuộc thi nhan sắc.
Chiếc vương miện, danh hiệu đưa cuộc sống của các bé bước sang trang mới. Nhưng hào quang có đi liền với hạnh phúc đúng lứa tuổi của chúng hay không? Chiếc vương miện có làm đẹp thêm cho tuổi thơ của chúng, hay vốn chỉ là cuộc đua ngầm của những bậc cha mẹ?
Hào quang đánh cắp tuổi thơ
Để dự thi các đấu trường nhan sắc dành cho trẻ nhỏ, các bé thường phải làm quen sớm với những kỹ năng: catwalk, trang điểm… Tại các trung tâm đào tạo hoa hậu ở Venezuela, những bé gái chỉ mới 5 tuổi, sau giờ học tại trường, thay vì nghỉ ngơi, giải trí như bạn bè cùng trang lứa, lại phải “bầu bạn” cùng giày cao gót để có được những bước đi chuẩn hoa hậu.
Ngoài kỹ năng trang điểm, chúng phải học cách đi đứng, giao lưu, ứng xử theo những khuôn phép để sẵn sàng trở thành hoa hậu. Để có được vóc dáng chuẩn, chúng cũng phải theo chế độ ăn kiêng. Sự hồn nhiên của trẻ thơ chết dần khi xung quanh là những điều vốn dĩ chỉ gắn liền với người lớn.
Năm 2014, tờ People đã thâm nhập vào hậu trường một số cuộc thi hoa hậu nhí để có cái nhìn toàn cảnh về những sân chơi này. Một cô bé 6 tuổi người Mỹ tên Eden Wood đã được phóng viên dùng cụm từ “về hưu” khi đã quá già dặn so với các thí sinh khác trong cùng cuộc thi.
Trong khi đó, những đứa trẻ trong các trung tâm đào tạo hoa hậu tại Venezuela có diện mạo luôn “dừ” hơn tuổi thật bởi những lớp phấn son, trang phục bao bọc bên ngoài. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là chúng đối diện với những điều này như một thói quen. Một chuyên gia xã hội học cho rằng sự tác động này dễ hình thành nơi trẻ nhỏ tư duy đánh giá, định đoán giá trị con người chỉ thông qua diện mạo bên ngoài, thậm chí là sự ảo tưởng về bản thân.
|
Các thí sinh trong cuộc thi hoa hậu nhí tại Venezuela trông dừ hơn tuổi thật bởi lớp trang điểm dày cộm |
Dù khác biệt về đối tượng, các cuộc thi nhan sắc đều có sự cạnh tranh khốc liệt, bởi người chiến thắng chỉ có một. Điều này ít nhiều tác động đến tâm lý, suy nghĩ của trẻ, hình thành nên tư duy không tích cực. Trong khi đó, điều cần cho trẻ nhỏ là những không gian vui chơi thoải mái, không áp lực, không toan tính.
Ở độ tuổi này, các bé vẫn chưa trưởng thành trong nhận thức. Vì thế, chiếc vương miện, danh hiệu lại khiến chúng gánh trên vai những áp lực vô hình mà bản thân không thể tưởng tượng, thậm chí phụ huynh cũng không lường trước được. Trong đó, sự đánh giá, khen, chê của dư luận luôn dễ làm tổn thương.
|
Những cuộc thi hoa hậu nhí chứa nhiều nguy cơ, rủi ro trong quá trình hình thành, phát triển nhân cách của trẻ |
Ngoài những vấn đề trên, trẻ còn dễ bị lạm dụng tình dục khi sớm xuất hiện ở các cuộc thi nhan sắc bởi vẻ ngoài được tô điểm son phấn, quần áo gợi cảm. Đây là vấn đề gây nhức nhối suốt thời gian qua, không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn với nhiều quốc gia trên thế giới.
Tháng 12/1996, Hoa hậu nhí nước Mỹ JonBenet bị giết chết. Hung thủ yêu cầu gia đình phải nộp 118.000 USD nếu muốn cô bé trở về. Tuy nhiên, cô bé đã bị giết, giấu xác ở hầm rượu. JonBenet còn bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên đến nay, vụ án này vẫn còn là dấu chấm hỏi lớn, bởi chưa tìm ra hung thủ. Sau hơn 20 năm, sự việc đã tạm lắng, nhưng chắc chắn đây vẫn là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh bởi sự nổi tiếng quá sớm của con trẻ.
Chiếc vương miện, danh hiệu hoa hậu nhí có thực sự mở sang trang mới đầy hy vọng cho trẻ hay là những nguy cơ khiến thiên thần sớm gãy cánh khi bước vào đời?
|
Cái chết của hoa hậu nhí JonBenet cách đây hơn 20 năm vẫn còn là hồi chuông cảnh báo hữu hiệu với các bậc phụ huynh |
Với kinh nghiệm đào tạo trẻ nhỏ, siêu mẫu Xuân Lan cho rằng, ở độ tuổi này, trẻ nên được tham gia những sân chơi về kỹ năng sống để phát triển toàn diện, an toàn, chứ không phải những cuộc đua hơn thua, một mất một còn. Võ Hoàng Yến từ chối nhận đào tạo học trò từ 4 đến 9 tuổi, tránh việc các bé tiếp xúc sớm với hào quang, sự nổi tiếng, dễ hình thành những quan điểm, suy nghĩ lệch lạc cũng như đối diện nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng cuộc sống.
Đạo diễn Nguyễn Hưng Phúc - người đào tạo và từng tổ chức nhiều sự kiện thời trang, giao lưu văn hoá dành cho trẻ em - chia sẻ: “Trẻ con chỉ thực sự vui khi cuộc chơi đó mang lại những trải nghiệm phù hợp, dễ chịu cho chúng. Việc một đứa trẻ đầu đội vương miện, ăn mặc gợi cảm là hình ảnh không hề hợp lý. Các cuộc chơi của trẻ con, quan trọng nhất, bố mẹ phải hiểu được có giá trị gì cho chúng, cho sự phát triển chung chứ không đơn thuần là nơi để hơn thua nhau”.
Trước Việt Nam, đã có nhiều quốc gia có những cuộc thi hoa hậu dành cho trẻ nhỏ như: Anh, Pháp, Mỹ, Bolivia, Venezuela… Tuy nhiên, tháng Tư năm nay, Bolivia đã ra sắc lệnh cấm trẻ em thi nhan sắc, cấm tổ chức các cuộc thi hoa hậu dành cho thiếu nhi. Cách đây 5 năm, Pháp còn có động thái cứng rắn hơn ngoài lệnh cấm như trên. Nếu bố mẹ cố ý gửi con cái đến các cuộc thi nhan sắc sẽ bị phạt tiền 30.000 Euro, thậm chí bị phạt tù đến 2 năm. Trong khi đó, Venezuela liên tục đưa ra các cảnh báo về việc sớm để trẻ em tiếp xúc với các đấu trường nhan sắc.
|
Bolivia cấm trẻ em thi nhan sắc, tổ chức cuộc thi nhan sắc dành cho thiếu nhi từ tháng 4/2018 |
Những quyết định này đều xuất phát từ những mặt trái của các cuộc thi hoa hậu nhí. Tại Việt Nam, luật hiện hành về việc thi nhan sắc chưa có quy định cụ thể về đối tượng đặc biệt này. Tuy nhiên, với thực trạng hiện tại về việc thi nhan sắc của trẻ em trong và ngoài nước, đã đến lúc cần có những quy định cụ thể để điều chỉnh, định hướng các hoạt động này. Tạo môi trường để phát triển tiềm năng của trẻ là cần thiết, nhưng phải phù hợp.
Hoa hậu nhí: Tham vọng của người lớn
Khi để con cái bước vào những cuộc đua tranh, không mấy ông bố bà mẹ giữ được mình trước những cám dỗ của sự được mất, hào quang của danh vọng. Năm 2011, một bài viết về nỗi đau của hoa hậu nhí ra đời, thu hút sự quan tâm của dư luận. Cô bé Annie, dù gào thét vì đau đớn khi phải xỏ chân vào giày cao gót, vẫn phải cố mang để giành ngôi vị cao nhất trong cuộc thi UK Cinderella Beauty Pageant.
Bé Britney Campbell, để có được diện mạo như mẹ mong muốn, phải tiêm botox hàng tuần lên mặt. Dẫu bà mẹ biết đây là việc nguy hiểm với trẻ nhỏ, bà tin rằng, đó là điều bắt buộc phải làm để nhận số điểm cao từ giám khảo. Tờ People cho biết, nhiều phụ huynh còn đưa con em đến gặp bác sĩ để điều chỉnh xương trước khi tham gia các cuộc thi nhan sắc cho trẻ em. Một số đứa trẻ khác phải đến phòng tập thể hình để tăng chiều cao, dưỡng eo, hay tắm nắng, dùng mỹ phẩm để có được làn da như mong muốn.
Những ông bố, bà mẹ không ngần ngại đầu tư từ hàng chục đến hàng trăm ngàn USD để đưa con cái đến các cuộc thi nhan sắc. Tại Venezuela, các bậc phụ huynh dù khó khăn về kinh tế vẫn cố dồn sức để con gái đến các trung tâm đào tạo hoa hậu nhí với chi phí khá đắt. Tất cả đều có mong muốn tìm hào quang, danh vọng và cơ hội đổi đời sau chiếc vương miện của con trẻ. Từ cuộc chơi được mang danh trẻ nhỏ, người lớn ngầm áp đặt tham vọng của bản thân.
|
Thành Lâm