Thi hộ có thể bị phạt đến 10 triệu đồng

13/03/2013 - 19:56

PNO - Chiều 13/3, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, nghị định đã bổ sung nhiều quy định và mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh...

Điều 15, dự thảo nghị định quy định sẽ phạt tiền từ 3 - 10 triệu đối với các vi phạm về quy định thi như: Quản lý hồ sơ thi, bài thi không đúng quy định; làm mất hoặc làm hư hỏng bài thi đến mức không thể chấm được bài thi đó; Chấm bài thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp không đúng đáp án, thang điểm, không đúng quy trình; Lập bảng điểm sai lệch với kết quả chấm của bài thi; Không đảm bảo bí mật bài thi; Xử lý người vi phạm quy chế thi sai quy định; Thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến kỳ thi.

Tại điều này cũng quy định, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi gây rối, đe dọa dưới mọi hình thức hoặc dùng vũ lực ngăn cản người quản lý thi, coi thi, chấm thi, phục vụ thi thực hiện nhiệm vụ.

Đặc biệt, cũng sẽ phạt mức tiền nêu trên đối với hành vi thi thay người khác hoặc thi kèm để trợ giúp người khác; Chuyển tài liệu, thông tin, đồ dùng trái phép vào phòng thi cho thí sinh đang dự thi hoặc làm bài, trợ giúp thí sinh làm bài dưới mọi hình thức; Đánh tráo bài thi hoặc tiếp tay cho người khác đánh tráo bài thi của người dự thi hoặc làm lộ bí mật số phách bài thi; Viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi của thí sinh trái quy định; Mang các vật dụng không được phép vào khu vực thi, chấm thi.

Đối với hành vi làm lộ bí mật hoặc làm mất đề thi, nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Dự thảo nghị định cũng cho biết, phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Đào tạo, cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân vượt quá thẩm quyền được giao; Đào tạo các ngành, chuyên ngành ngoài thẩm quyền được giao.

Dự thảo nghị định cũng cho phép phạt tiền từ 3 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về dạy thêm theo các mức phạt cụ thể như sau: Từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, ép buộc học sinh học thêm; Từ 5 - 10 triệu đồng đối với đơn vị tổ chức dạy thêm tại địa điểm không đảm bảo quy định; Từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi quản lý thu, chi tiền dạy thêm học thêm không đúng quy định, hồ sơ không đầy đủ; Từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi cấp giấy phép dạy thêm, học thêm không đúng thẩm quyền...

Theo TNO

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI