Thi hành án tắc tị, mẹ tự tìm được con sau 4 năm

01/11/2023 - 11:29

PNO - Giữa tháng 9/2023, chị Lê Thị Cẩm H. (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) báo tin cho phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM: chị đã đón được con trai tên Trương Bảo K. (sinh năm 2016) về nhà nuôi dưỡng, chăm sóc.

Tìm thấy bé K. trong bộ đồ đồng phục của một trường tiểu học ở quận 6 (TPHCM), chị H. và người nhà đoán là anh Trương Phú K. (ba bé K.) đang đưa bé đi học. Đó là kết quả mừng rơi nước mắt của chị H. và đại gia đình sau hành trình 4 năm ròng rã tìm con khắp các ngõ ngách ở TPHCM.

Mẹ của chị H. và mẹ anh K. là bạn từ thời trẻ, đã tác hợp cho 2 con. Nhưng sau thời gian ngắn chung sống không hạnh phúc, cuối năm 2018, anh chị ly hôn. Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận 6 giao bé K. cho chị H. chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. 

Suốt mấy năm xa con, đêm nào chị Cẩm H. cũng dỗ giấc bằng hình ảnh con ngây thơ, tung tăng chơi đùa (ảnh lưu trong điện thoại di động)
Suốt mấy năm xa con, đêm nào chị Cẩm H. cũng dỗ giấc bằng hình ảnh con ngây thơ, tung tăng chơi đùa (ảnh lưu trong điện thoại di động)

Anh K. kháng cáo, đòi quyền nuôi con, nhưng rồi lại rút toàn bộ kháng cáo, bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, hết thời hạn tự nguyện thi hành án (THA), anh K. vẫn không giao bé K. Anh K. khởi kiện, yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm vào năm 2020 đều không chấp nhận yêu cầu này.

Chị H. nộp đơn yêu cầu THA tại Chi cục THA dân sự quận 6. Chấp hành viên tổ chức THA, xác minh được kết quả: “Anh K. và cháu K. có đăng ký hộ khẩu thường trú và hiện thực tế cư trú tại phường 12, quận 6. Anh K. có đủ điều kiện THA nhưng đã không THA”. 

Cuối năm 2021, quyết định cưỡng chế được tống đạt trực tiếp cho anh K. Sau đó, Chi cục THA dân sự quận 6, Viện Kiểm sát nhân dân quận 6… cùng địa phương phường 12, quận 6 tổ chức thuyết phục anh K. tự nguyện THA. Anh K. vắng mặt; ba của anh K. nói ông cùng gia đình không đồng ý giao bé K., cho rằng chị H. không nuôi tốt bằng gia đình mình.

Việc thuyết phục anh K. tự nguyện THA không thành nên thông báo về việc giao người chưa thành niên cho người được nuôi dưỡng đã được ban hành và niêm yết. Thông báo này không thể tống đạt trực tiếp cho anh K., vì nhà khóa cửa, gọi không ai mở. Cũng vì lý do này, việc cưỡng chế THA sau đó tắc tị.

Biên bản vi phạm hành chính vì “không thực hiện công việc làm theo bản án quyết định” đối với anh K. cũng không tống đạt được mà đã phải niêm yết sau đó. Ngày 5/4/2022, Viện Kiểm sát nhân dân quận 6 thống nhất với Chi cục THA dân sự quận 6 “đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Trương Phú K. về tội không chấp hành án”. 

Mỏi mòn chờ đợi ngày gặp được con và bức xúc khi chưa thấy người xem thường pháp luật bị xử lý, chị Cẩm H. gõ cửa nhiều cơ quan, trong đó có Báo Phụ nữ TPHCM.

Trao đổi với phóng viên vào đầu tháng 3/2023, bà Nguyễn Thị Thanh Loan - Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận 6 - cho biết, các cơ quan, đơn vị của quận 6 đang phối hợp liên ngành để bàn thảo, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn, chuyển hồ sơ cho tòa án để ghi nhận ý kiến và đi đến thống nhất theo quy chế phối hợp.

Chị Cẩm H. dành nhiều thời gian gần gũi, quan tâm, chăm sóc con, bù đắp lại những tháng năm xa cách
Chị Cẩm H. dành nhiều thời gian gần gũi, quan tâm, chăm sóc con, bù đắp lại những tháng năm xa cách

Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã liên hệ, yêu cầu cung cấp thông tin về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh K. và việc anh K. trình báo chuyện bị chị H. giành lấy con đem đi vào giữa tháng 9/2023, nhưng đến thời điểm cuối tháng 10/2023, chúng tôi vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi từ phía Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 6. 

TPHCM hiện có không ít vụ THA giao con bị giải quyết chậm trễ, có cả vụ đi vào bế tắc. Vụ Ôn Cẩm L. (thời điểm đầu, Chi cục THA dân sự Thủ Đức giải quyết) mới đây cũng khép lại không phải nhờ công tác THA hiệu quả (vì không biết nơi ở hiện tại của ba bé và bé để THA) mà do chính người mẹ trẻ đã chủ động tìm con. Sau 2 năm ròng, chị Cẩm L. đã tìm được con (sinh năm 2019) ở tận tỉnh Hà Nam. Bé sống trong cảnh không được gần mẹ mà cũng chẳng gần ba; các ông bà cụ già của nhà nội phải chăm sóc bé cùng với em của bé (con của ba bé và người phụ nữ khác). 

Trên thực tế ở Việt Nam, hành vi không chấp hành án giao con bị truy cứu trách nhiệm hình sự tuy ít nhưng không phải không có. Đơn cử, vào giữa tháng 5/2023, đã có một người cha ở Bắc Ninh bị khởi tố bị can.

Việc THA giao con nên được thuyết phục, vận động kiên trì để các ông bố bà mẹ hiểu và tôn trọng quyền chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái của chồng/vợ cũ và cần xử lý mạnh tay hơn để có tính răn đe; tránh những kịch bản xấu như đem con đi giấu, giam nhốt trong nhà, không cho đi học, đi chơi hay ba/mẹ giành giật nhau, gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

Ly hôn có văn hóa và tôn trọng pháp luật sẽ giúp chồng/vợ cũ duy trì được mối quan hệ tốt (hoặc không quá độc hại) để đồng hành nhịp nhàng với nhau, cùng nuôi dạy con khôn lớn. 

Không lời nào đủ để tả niềm sướng vui khi gặp lại con

Cuối năm 2019, con còn rất nhỏ, chưa biết gì, nhưng bị ba giữ và giấu không cho tôi gặp. Tôi đã cố kiếm tìm con và nộp đơn kêu cứu rất nhiều nơi, ngày đêm trông chờ sự can thiệp, giúp đỡ của các cơ quan chức năng. Đó là khoảng thời gian tôi đau khổ, rất nhớ con.

Sau 4 năm, tình cờ tôi đã tìm và gặp lại được con. Tôi vô cùng sung sướng khi được tận hưởng tình mẫu tử, được ôm con vào lòng. Không lời nào có thể tả hết cảm giác hạnh phúc và ấm áp của người mẹ gặp lại con thơ sau mấy năm đằng đẵng bặt tăm.

Lúc mới gặp lại, tôi nói: “Mẹ H. nè con”. Bé nhìn tôi, nói: “Dạ mẹ, mẹ của Bi (tên thân mật của bé K. - PV) mà. Bi nhớ mẹ”. Sau ngần ấy năm, 1 đứa trẻ vẫn nhớ ra mẹ là ai và trong bé vẫn luôn luôn còn mẹ, nhưng bé lại không dám nói ra vì sợ bị la. Theo lời bé kể, nhiều lần con cũng hỏi ba rằng “mẹ đâu”, banói mẹ đi không về thăm con; cũng có khi ba nói “nội lượm con trong một trung tâm thương mại”.

Nghe lời bé trong trẻo hồn nhiên mà tôi vỡ òa trong cảm xúc hỗn độn. Tôi mong đó chỉ là một sự hiểu lầm ở bé thôi chứ một đứa nhỏ đâu có tội gì mà người lớn lại gieo vào tâm trí bé những điều tiêu cực như vậy. Bây giờ con đã về bên tôi và con sống rất vui vẻ.

Hiện bé đã được vào lớp Hai. Bé đang đi học ngoan và hòa đồng. Bé hay kể cho mẹ nghe chuyện làm quen bạn mới trong lớp, tâm sự chuyện ở trường. Với bạn, con khoe rằng con có mẹ đưa rước. Con bây giờ là niềm an ủi cũng như chỗ dựa tinh thần trong cuộc đời tôi. Ngày ngày, tôi cố gắng vươn lên, lo cho con một cuộc sống tốt nhất.

Lê Thị Cẩm H.

Tô Diệu Hiền

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Dolphinnguyen 03-11-2023 09:37:08

    Đàn ô VN thường cư xử kém văn minh khi ly hôn. Họ muốn dùng con để trả thù người phụ nữ dám rời bỏ họ. Mà pháp luật VN lại lỏng lẻo về vấn đề này, không có biện pháp chế tài đúng mức. Cha không trở cấp nuôi con cũng chẳng bị chế tài, chồng quấy rối hành hung vợ cũ cũng chậm bị xử lý , dẫn đến nhiều cái chết thương tâm cho vợ cũ...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI