Thi hành án hành chính: UBND, chủ tịch UBND các cấp chưa gương mẫu

25/12/2019 - 08:48

PNO - Không phải người dân hay doanh nghiệp mà chính UBND các cấp, chủ tịch UBND các cấp mới là đối tượng không thực thi các yêu cầu và bản án của tòa trong lĩnh vực hành chính.

Đó là nội dung được nêu trong hội nghị toàn quốc triển khai hoạt động ngành tư pháp năm 2020, diễn ra sáng 24/12.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã chỉ ra rằng, tỷ lệ thi hành án hành chính trong năm 2019 đạt thấp, lại kéo dài qua rất nhiều năm; đặc biệt, đối tượng phải thi hành án là UBND các cấp (bao gồm các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý), chủ tịch UBND các cấp.

Cụ thể, kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho thấy, năm 2017, có 85 quyết định của tòa án không được các “đối tượng” này chấp hành; năm 2018, tăng lên 244 bản án và cho đến hết ngày 31/10/2019, tăng lên 339 bản án. Trong số này, có hàng loạt bản án tồn đọng từ rất lâu.

Là cơ quan nhà nước, theo Luật Tố tụng hành chính, UBND các cấp, chủ tịch UBND các cấp khi bị khởi kiện tại tòa án phải có nghĩa vụ, trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu vụ việc bị khởi kiện cho tòa, đối thoại cùng người khởi kiện, tham gia phiên tòa và phải chấp hành bản án của tòa. Thế nhưng, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, không chỉ trì hoãn, không chấp hành bản án do tòa tuyên, việc chấp hành tố tụng của UBND các cấp, chủ tịch UBND các cấp ở rất nhiều địa phương vẫn chưa nghiêm túc: không cung cấp tài liệu, hồ sơ cho tòa án, không tham gia đối thoại với đương sự và thậm chí không tham gia các phiên xử dù được tòa triệu tập.

Thi hanh an hanh chinh: UBND, chu tich UBND cac cap chua guong mau
Hội nghị toàn quốc triển khai hoạt động ngành tư pháp năm 2020 sáng 24/12

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, nếu không sớm cải thiện tình trạng này, sẽ dẫn đến nhiều hậu quả phức tạp như uy tín của chính quyền bị ảnh hưởng, mức tín nhiệm của người dân và doanh nghiệp giảm dần, an ninh chính trị, trật tự xã hội có nguy cơ bất ổn. Nguyên do là người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài, gửi đơn cho đến khi nào các đối tượng nói trên chịu chấp hành bản án.

Trong số hàng trăm vụ việc mà UBND các cấp, chủ tịch UBND các cấp bị kiện, nổi bật là những vụ liên quan đến đất đai, như các quyết định, văn bản lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư bị sai sót, vi phạm khiến người dân, doanh nghiệp bức xúc, khởi kiện. 

Trước thực trạng không thực thi pháp luật của các cơ quan hành chính nói trên, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, đã phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao cùng với các bộ, ngành liên quan tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành về việc chấp hành tố tụng lẫn thi hành án của UBND, chủ tịch UBND các cấp ở một số địa phương có số lượng vụ việc khiếu kiện hành chính và quyết định thi hành án hành chính lớn, như Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Đắk Lắk, Cà Mau.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra đó, bộ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26 ngày 15/11/2019 về tăng cường công tác chấp hành Luật Tố tụng hành chính và thi hành án hành chính để đưa bộ máy hành chính nhà nước đi vào nền nếp, hiệu quả, trở thành cơ quan gương mẫu tuân thủ pháp luật. Song song đó, Quốc hội cũng đã tiếp tục giao cho Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành bản án hành chính có hiệu lực thi hành, xử lý nghiêm trách nhiệm của những chủ tịch UBND, UBND các cấp không chấp hành án nhằm đảm bảo kỷ cương.

Chủ trì hội nghị, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, thi hành án là khâu cuối cùng của thực thi công lý; bản án chưa thi hành xong đồng nghĩa với việc công lý vẫn chưa được thực thi.

Ông nói: “Chính lực lượng thực thi pháp luật cũng là lực lượng bảo vệ công lý, thể hiện đạo đức, phẩm chất, tinh thần và ý chí, trách nhiệm đối với công lý”. Phó thủ tướng còn nêu lên một thực trạng, khi người dân hoặc doanh nghiệp đi kiện, tức nguyên đơn cậy nhờ vào pháp luật, chính quyền để đòi lại những quyền lợi chính đáng của mình, nên bị đơn là UBND các cấp, chủ tịch UBND các cấp cần phải đặt mình trong hoàn cảnh người dân, doanh nghiệp để thấu hiểu, trả lại quyền lợi chính đáng cho người ta, mà việc thực thi phán quyết của tòa là trách nhiệm sau cùng. 

“Mình phải có lương tâm, mình làm không đúng đã gây khổ cho người ta rồi” - Phó thủ tướng nói và đề nghị Bộ Tư pháp cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án mà trước hết là tăng cường xử lý những trường hợp không chấp hành bản án. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI