Thi giáo viên giỏi các cấp vốn là một trong những hoạt động tích cực trong việc phát triển các phong trào thi đua, là "sân chơi" cho giáo viên giao lưu học hỏi, phát triển khả năng sáng tạo của mình áp dụng vào những bài giảng.
Thế nhưng, hiện tại, ở một số đơn vị, hoạt động này vẫn còn quá coi trọng hình thức, cách thức tổ chức chưa đánh giá được chính xác về trình độ giáo viên.
Tâm sự của người trong cuộc
Trước câu chuyện này, trao đổi với PV báo Phụ nữ TP.HCM, thầy giáo Thịnh Nam (Giáo viên trường Đoàn Kết, Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) - người đã từng trải qua các đợt thi giáo viên giỏi các cấp, tâm sự:
"Lại một kỳ thi giáo viên giỏi lại sắp sửa diễn ra. Tôi có trao đổi với những giáo viên đang chuẩn bị dự thi, họ có chia sẻ chưa đi thi đã cảm thấy mỏi mệt về tâm lý rồi".
|
Thi giáo viên giỏi (Ảnh minh họa). |
Thừa nhận tính chất của một kỳ thi giáo viên giỏi là tốt, song thầy Nam cũng cho rằng còn quá nhiều bất cập: "Tôi làm việc trong ngành giáo dục đã hơn chục năm nay rồi, cũng đã từng trải qua các cuộc thi giáo viên giỏi, và sắp tới có thể tiếp tục sẽ tham dự tiếp. Từ nhìn nhận, sự từng trải rút ra từ chính bản thân mình thì tôi nhận thấy, kỳ thi giáo viên giỏi này còn quá nhiều điều chưa được, từ cách tổ chức, triển khai đều không đem lại hiệu quả cao.
Kỳ thi này diễn ra theo kiểu mỗi trường cử một giáo viên nào đó đi dự thi và kết quả thi gần như chỉ dùng để đánh giá kết quả thi đua của giáo viên đó thôi, còn giá trị của bài thi sau đó như cách triển khai 1 bài giảng, truyền đạt phương pháp giảng dạy thì thường không được mang quay trở lại áp dụng cho cơ sở giáo dục đó.
Một loạt những thứ tiêu cực có thể thấy rõ ngay như: Đối với những trường "không may" mắc phải bệnh thành tích nặng quá thì đôi khi người giáo viên được cử đi sẽ vô cùng áp lực. Bởi lẽ, nếu thi tốt thì không sao, nhưng nếu thi không tốt thì đôi khi về lại trường, người giáo viên đó lại bị kỳ thị ở trong trường.
Để đầu tư một bài giảng để đi thi vô cùng tốn kém cả công sức lẫn vật chất, giáo viên phải tập dượt, giảng mẫu... Có rất nhiều trường giáo viên còn phải hi sinh giờ giảng trên lớp để cho thầy cô giáo tập dượt trước. Điều đó không hề tốt và có khi còn ảnh hưởng xấu đến chất lượng, chương trình học.
Cùng với đó, mỗi lần đi thi đâu phải chỉ có một giáo viên ấy đi thi đâu mà còn là cả một hệ thống hỗ trợ, phục vụ đi kèm. Về cả kinh tế lẫn nguồn nhân lực con người bị tiêu tốn rất nhiều.
Trong khi hiệu quả của nó trong việc ứng dụng ngược trở lại trong việc phát triển chuyên môn, mình cho rằng chưa làm được đến đích mà chỉ chú tâm đến có giải hay không có giải, ở khắp các trường trên cả nước này".
Đồng quan điểm với thầy Thịnh Nam, cô Nguyễn H. (một giáo viên THCS tại Ninh Bình) than thở: "Nếu kỳ thi làm tốt, nó sẽ đánh giá được những giáo viên giỏi thực sự. Thế nhưng, nghe nói nhiều đợt thi vẫn còn tiêu cực như: cố gắng làm vừa lòng giám khảo bằng cách giảng như cách mà họ muốn, nói là không bắt buộc thi nhưng khi nhà trường chỉ định thì vẫn phải đi thi...
Mới chỉ nghe thôi đã cảm thấy mỏi mệt rồi. Giữ lại cũng được nhưng hãy để cho kỳ thi đúng với giá trị thực sự của nó, thay vì áp đặt và ngột ngạt như vậy".
Hãy loại bỏ căng thẳng, áp lực, giả tạo của kỳ thi
Nhìn nhận câu chuyện thi cử của giáo viên một cách khách quan, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (Nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT) cho rằng:
"Quan điểm của tôi rằng, bất cứ một lĩnh vực nào, người ta cũng muốn tìm ra một người xuất sắc. Ta cũng muốn có những học sinh giỏi, thầy cô giáo giỏi, người thợ giỏi, tay nghề giỏi.
|
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (Nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT). |
Đối với giáo viên, đâu phải ai cũng dạy như nhau được đâu, có những người họ có phương pháp hay, dạy hấp dẫn thì việc tổ chức tìm ra những người giỏi đó cũng cần thiết chứ. Tìm ra người giỏi trong một lĩnh vực, phạm vi nào đó mặt tích cực của nó là tạo ra động lực để thúc đẩy mọi người phấn đấu, cố gắng, thể hiện mình.
Một khi đã có thi thì không tránh khỏi việc có người được giải, người không được giải. Những người không đạt danh hiệu thì cần phải phấn đấu để năm sau được, đó là chuyện hết sức bình thường. Việc nỗ lực có bài giảng tốt hơn cũng là việc làm hàng ngày của các thầy cô giáo, đó là chuyện hết sức bình thường. Chính trong cái bình thường đó, anh nổi lên, anh xuất chúng thì mới là chuyện đáng quý.
Còn chuyện căng thẳng, áp lực, giả dối, giả tạo... trong khi thi thì ta cố gắng loại bỏ đi thôi".
Cùng bàn về giải pháp, thầy Thịnh Nam (Giáo viên trường Đoàn Kết, Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho rằng, cần phát động phong trào thi đua ngay trong từng bộ môn trong nhà trường. Tổ chức thi, những buổi hội thảo chính ngay trong nhà trường. Không đặt nặng quá vấn đề đó là phải ép buộc trường phải cử giáo viên đi thi, áp việc thi theo hình thức nào.
Hai là, không nặng nề việc áp thành tích để đánh giá thông qua kết quả. Sau khi đầu tư rất nhiều, đạt được kết quả thi thì kết quả ấy lại bị lãng quên rất đáng tiếc. "Theo tôi, cần phải ghi nhận và triển khai được thì rất tốt", thầy Thịnh Nam nói.
Lam Thanh