Thí điểm xóa bỏ chính quyền cấp huyện: Chính quyền sẽ gần dân hơn

06/04/2025 - 19:43

PNO - Chính quyền cấp xã được trao quyền mạnh mẽ hơn, gánh vác thêm phần việc trước đây của cấp huyện nhằm giảm nấc trung gian, nâng cao hiệu quả phục vụ.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà thông tin về mô hình quản lý khi xóa bỏ chính quyền địa phương cấp huyện
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà thông tin về mô hình quản lý khi xóa bỏ chính quyền địa phương cấp huyện - Ảnh: Nhật Bắc

Thông tin trên được công bố tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Ba. Theo đại diện Bộ Nội vụ, việc bỏ cấp huyện là bước đi cụ thể hóa chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, hướng đến nền hành chính công khai - minh bạch - hiệu lực.

Chính quyền cấp xã sẽ kiêm luôn phần việc của huyện

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà cho biết, sau khi bỏ cấp huyện, chính quyền cấp xã sẽ không chỉ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn hiện nay mà còn đảm nhiệm luôn một phần công việc của cấp huyện. Mô hình mới yêu cầu xã phải được tăng quyền, tăng trách nhiệm, đồng thời đổi mới tổ chức bộ máy, nhân sự phù hợp với khối lượng công việc gia tăng.

“Tất cả thủ tục hành chính trước đây thuộc cấp huyện sẽ được chuyển về cho cấp xã trực tiếp thực hiện. Điều này đòi hỏi ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian, và phải đảm bảo không bị gián đoạn hoạt động hành chính - xã hội” - bà Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Theo bà Hà, mô hình này sẽ đi kèm với một trung tâm phục vụ hành chính công tại cấp xã, có ứng dụng CNTT, có cán bộ đầu mối để giải quyết các thủ tục vốn từng cần lên huyện.

Bộ Nội vụ cho biết, đề án xây dựng mô hình chính quyền 2 cấp hiện đang được hoàn thiện, sẽ trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương trong thời gian tới. Song song, dự thảo Luật sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng đang được xây dựng để có cơ sở pháp lý cho mô hình mới.

Về chính sách đối với người dân và cán bộ bị ảnh hưởng do sắp xếp đơn vị hành chính, Bộ Nội vụ khẳng định sẽ có cơ chế bảo đảm không làm gián đoạn chế độ đặc thù, đồng thời thực hiện chính sách nhân sự một cách có lộ trình.

“Chúng tôi sẽ bảo lưu lương và phụ cấp cho các cán bộ được điều chuyển, bố trí lại. Với người không đáp ứng yêu cầu mới hoặc tự nguyện tinh giản, sẽ được hưởng chính sách ưu đãi theo các nghị định hiện hành” - bà Hà nói.

Tăng phân quyền, cải cách mạnh, song vẫn cần thận trọng

Dù chưa triển khai rộng, song mô hình xóa bỏ cấp huyện đã được đánh giá là có thể giúp tinh gọn bộ máy, cắt giảm tầng trung gian và chính quyền gần dân - sát dân hơn. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, mô hình này chỉ phát huy hiệu quả nếu cấp xã đủ năng lực, có hạ tầng công nghệ, và đội ngũ cán bộ đủ trình độ chuyên môn để "kiêm vai" cấp huyện.

“Không thể giảm cấp trung gian mà hạ tầng xã vẫn yếu, cán bộ chưa được đào tạo bài bản thì sẽ phản tác dụng. Tinh giản mà không có đầu tư đồng bộ thì chỉ làm méo mó bộ máy” - một chuyên gia quản trị công nhận định.

Việc sắp xếp lại bộ máy chính quyền địa phương là cần thiết, nhưng phải đảm bảo quyền lợi của người dân không bị ảnh hưởng, và các thủ tục không trở nên rối rắm hơn do thay đổi cơ cấu. Trong giai đoạn đầu, nhiều ý kiến đề xuất chỉ nên thí điểm tại các địa phương đã có sẵn nền tảng công nghệ thông tin, dân cư ổn định, rồi từ đó đánh giá, nhân rộng.

Bảo Khang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI