Thí điểm xe hay thí phận người?

31/07/2019 - 07:02

PNO - Thí điểm xe, chứ nào phải thí điểm... người, huống hồ cả mấy ngàn con người đang cần được trả lại cái cần câu...

- Nước mắt đàn ông trên những chiếc ô tô '50TĐ' ở Sài Gòn
- Xe '50TĐ' khiến hàng ngàn người nghèo rơi vào vòng luẩn quẩn

Mục đích thay thế xe thô sơ, xe ba gác sang một loại phương tiện khác là hoàn toàn chính đáng. Nhưng 10 năm nhìn lại, đằng sau cuộc chuyển đổi của các loại phương tiện thô sơ ấy, mà thực chất là chuyển đổi cách thức mưu sinh của một bộ phận thuộc tầng lớp lao động nghèo, họ đã nghèo nay lại nghèo thêm. Bế tắc.

Trước khi bắt tay thí điểm dòng xe này, Chính phủ có quy định kiểm định chất lượng xe, có đưa ra lộ trình thí điểm, có ấn định thời gian nghiệm thu đề án xe thí điểm? Tôi đồ rằng là không.

Bởi nếu có, đã không bất nhất ngay từ đầu, khi vừa vận hành thì cho miễn kiểm định, nhưng một thời gian lại bắt buộc phải kiểm định. Khi đưa đi kiểm định thì các thông số kỹ thuật của xe lại quá yếu, hầu hết đều không đạt chất lượng. Dẫn tới, khi lưu thông không kiểm định là đã vi phạm.

Thi diem xe hay thi phan nguoi?
Vào những đợt cảnh sát giao thông kiểm tra gắt gao, nhiều tài xế xe thí điểm không dám nhận chở hàng vì sợ không có tiền đóng phạt - Ảnh: Hoàng Nhiên

Những tài xế ba gác, xe lôi, từng là đối tượng của đề án “nhân văn” này, sau bao năm họ trở thành nạn nhân. Chỉ cần nhấc bánh trên đường là bị phạt. Mà bỏ xó ở nhà thì treo cả miếng ăn gia đình.

Không một ai lên tiếng nhận trách nhiệm về sự thất bại của đề án. Chẳng một đơn vị nào ngồi lại để tháo gỡ cái mác “thí điểm” cho những chiếc xe, để ít nhất cũng truy cho ra đầu mối đã cung cấp dòng xe “chuồng gà di động” ấy là ai.

Khi không thể vượt qua chuẩn kiểm định, tại sao không lập tức ban hành lệnh dừng để thay thế bằng một giải pháp - phương tiện khác? Để ít nhất cũng có một tiếng nói sòng phẳng cho những tấm áo đẫm mồ hôi kia tiếp tục còng lưng an tâm kiếm sống, hơn là buộc họ cứ “thí điểm” canh me, trốn tránh để lưu thông nơi từng ngõ ngách, cung đường.

Trên địa bàn TP.HCM hiện còn gần 3.000 chiếc xe thí điểm nằm trong diện quản lý của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường thủy TP.HCM. Cũng là chừng ấy con người đang vạ vật trong cuộc thí điểm mịt mù này. Họ từng tự nguyện, chấp thuận chuyển đổi thay thế phương tiện thô sơ theo mục tiêu của đề án. Nay, khi đề án phá sản, có ai đó tự giác mà nhận trách nhiệm để tháo gỡ, thậm chí là tuyên bố kết thúc 10 năm thí điểm.

Thí điểm xe, chứ nào phải thí điểm... người, huống hồ cả mấy ngàn con người đang cần được trả lại cái cần câu...

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI