Thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm: Thiếu người, yếu chuyên môn

15/04/2016 - 08:01

PNO - Sau năm tháng, việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP theo Quyết định 38/2015/QĐ-TTg (có hiệu lực từ ngày 15/11/2015) đã bộc lộ nhiều bất cập.

Khó có thể nhân rộng mô hình này, bởi quy trình thực hiện phức tạp, nhân sự kiêm nhiệm, năng lực chuyên môn yếu, thiếu công cụ kiểm tra thực phẩm...

Cán bộ thanh tra an toàn thực phẩm (ATTP) đều kiểm nghiệm

Chiều 14/4, chúng tôi dạo một vòng quanh một số chợ, điểm bán hàng rong tại H.Bình Chánh và Q.Bình Tân (TP.HCM). Trong khi các chợ lớn như An Lạc, Tân Túc, Bình Chánh có một số ít sạp hàng thực phẩm, thì ở những chợ tự phát, thực phẩm bày bán tràn lan chen lẫn áo quần, mỹ phẩm.

Trên con đường số 54, đoạn trước Bệnh viện Quốc Ánh, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, các nữ công nhân vừa tan ca chiều, tranh thủ tấp vào các sạp hàng thịt, cá, rau củ… Hàng hóa ở đây rẻ đến bất ngờ. Tại một sạp thịt, chúng tôi mua hai lạng thịt heo ba rọi giá chỉ 15.000đ (75.000đ/kg), trong khi tại nhiều siêu thị giá đến 110.000đ/kg. Khi được hỏi về nguồn nhập rau, thịt, chị bán hàng cười tươi: “Đừng lo! Hàng lấy từ chợ đầu mối mà”.

Thi diem thanh tra an toan thuc pham: Thieu nguoi, yeu chuyen mon
Việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP theo Quyết định 38/2015/QĐ-TTg  đã bộc lộ nhiều bất cập

Thấy tôi trả lại hai cái trứng vịt trong vỉ 10 trứng, chị bán hàng ở đường Nguyễn Thị Tú - đoạn trước Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh cười bẽn lẽn: “Chắc tại nắng quá, nó hư”. Tôi hỏi trứng có kiểm dịch không, chị đáp gọn:“Trứng này chị mua tận ruộng mà lo gì kiểm dịch”. Chị Nguyễn Thu Ba, một tiểu thương của chợ Vĩnh Lộc ngao ngán nói: “Tôi bán rau củ, ngồi ở sạp vầy làm sao thu hút khách bằng mấy chị bán hàng bằng xe đẩy ngoài kia. Điều nghịch lý là các đoàn kiểm tra thực phẩm toàn vào chợ kiểm, chứ làm gì kiểm được mấy người bán dạo”

Không riêng gì vùng ven, tình trạng buôn bán hàng rong tại TP.HCM diễn ra khắp các ngõ hẻm. Nguồn gốc các loại thực phẩm này ra sao, chất lượng thế nào… khó có thể nhận biết. Trong khi đó, việc kiểm tra loại hình buôn bán này chưa được quan tâm chấn chỉnh, một số nơi chỉ “làm cho có”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Đình Thiện, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân cho biết, quận đang triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP, gồm bảy thành viên cấp quận; sáu thành viên ở phường Bình Trị Đông B và năm thành viên ở phường An Lạc A. Thành viên đoàn thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận gồm chuyên viên phòng y tế, phòng kinh tế, trạm thú y, đội quản lý thị trường và trung tâm y tế dự phòng quận. Thành viên đoàn thanh tra chuyên ngành ATTP cấp phường gồm các công chức và viên chức trạm y tế phường.

Theo ông Thiện, khó khăn của đoàn thanh tra chuyên ngành ATTP gặp phải hiện nay là số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn phường nhiều, trong khi đó, trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra rất phức tạp, đồng thời thành viên các đoàn thanh tra phải kiêm nhiệm nhiều công tác khác. Vì vậy, số lượng cơ sở được thanh tra trên địa bàn vẫn còn quá ít.

Thi diem thanh tra an toan thuc pham: Thieu nguoi, yeu chuyen mon

Không nắm vững chuyên môn, chưa mạnh dạn xử lý

Bà Trần Thị Thu Vân, Phó chủ tịch UBND P.6, Q.3, cho biết, từ khi triển khai Quyết định 38, tình hình vệ sinh ATTP đối với các cơ sở bán hàng rong cố định trên địa bàn phường có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, quá trình thực hiện không dễ, phường chỉ có một người phụ trách về ATTP, lại kiêm nhiệm nên không có nhiều thời gian kiểm tra; thủ tục hành chính quá rườm rà dẫn đến việc thanh tra một cơ sở rất nhỏ nhưng tốn quá nhiều thời gian…

Trên địa bàn phường có tổng cộng hơn 100 điểm buôn bán hàng rong cố định. Trước đây, người bán hàng rong cố định chủ yếu chỉ bị kiểm tra, nhắc nhở. Từ khi triển khai thực hiện Quyết định 38 đến nay, phường đã xử phạt vi phạm hành chính 13 cơ sở với tổng số tiền hơn 7,7 triệu đồng.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng Y tế kiêm Phó trưởng ban chỉ đạo an toà n vệ sinh thực phẩm H.Hóc Môn, cho biết, sau gần sáu tháng triển khai thực hiện Quyết định 38, vấn đề bộc lộ rõ nét là thiếu nhân sự có chuyên môn, thiếu công cụ lấy mẫu; công cụ kiểm tra, test nhanh các mẫu thực phẩm không đủ chủng loại… Ngoài ra, việc thiếu công cụ bảo quản hàng hóa đã khiến đoàn kiểm tra “ngại” lấy mẫu các nhóm rau củ quả, thực phẩm tươi sống. “Chính vì chưa nắm vững chuyên môn nên thanh tra ATTP chưa mạnh dạn xử lý các cơ sở vi phạm”, ông Trường nhận định.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI