PNO - Từ năm học 2023-2024, TPHCM dự kiến thí điểm giảng dạy STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) trong các trường tiểu học. Theo các chuyên gia, việc giảng dạy STEM từ lứa tuổi nhỏ là cần thiết nhưng phải có cách làm bài bản để đạt hiệu quả.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, từ học kỳ I năm học 2023-2024, TPHCM sẽ triển khai thí điểm tổ chức hoạt động giáo dục STEM trong các trường tiểu học ở 5 quận, huyện gồm: quận 1, 3, Phú Nhuận, Tân Bình và huyện Hóc Môn. Mỗi quận, huyện sẽ lựa chọn ít nhất 5 trường tiểu học tham gia thí điểm. Sau đó, sở sẽ có đánh giá và tiến tới triển khai đại trà ở các trường tiểu học trên địa bàn thành phố.
Học sinh Trường tiểu học Trương Quyền (quận 3) hào hứng với tiết học STEM - Ảnh: P.T.
Thực tế, việc giảng dạy STEM ở các trường tiểu học của TPHCM không mới mà đã có nhiều trường chủ động tổ chức dạy STEM ngay từ lớp Một. Tại Trường tiểu học Trương Quyền (quận 3), đây đã là năm thứ ba nhà trường triển khai giáo dục STEM cho học sinh các lớp. Tại một tiết STEM của học sinh lớp 5B, các học sinh hào hứng thực hiện thiết kế đèn theo nhu cầu. Ở tiết học trước, các em đã được học về nguyên lý và trực tiếp thực hành cách đấu nối mạch điện để đèn phát sáng. Ở tiết học này, các em bước vào công đoạn thiết kế hình dạng đèn theo nhu cầu, có thể là đèn ngủ, đèn pin, đèn để bàn… với đủ các hình dạng tùy theo khả năng sáng tạo. Lớp học chia thành nhiều nhóm, ở mỗi nhóm, học sinh sôi nổi bàn luận, tập trung hoàn thiện bản thiết kế trước khi dùng các vật liệu cần thiết để bắt tay vào làm 1 chiếc đèn chiếu sáng.
Cô Nguyễn Thị Vân Anh - giảng viên STEM của Trung tâm KDI Education, phụ trách giảng dạy lớp học - cho hay học sinh rất hào hứng với các tiết học STEM, nơi các em được thực hành và phát huy tính sáng tạo để làm ra các sản phẩm phù hợp độ tuổi. Sau mỗi tiết học, các em đều có sản phẩm do tự tay mình làm để mang về nhà. Theo cô, nhiều người hình dung STEM rất… cao siêu, song thực tế STEM có nhiều cấp độ phù hợp với từng độ tuổi. Chẳng hạn, ở lớp Một các em có thể làm những mô hình nhỏ như chong chóng, khung tranh gia đình… để tập làm quen với cách phác thảo ý tưởng, lên kế hoạch. Lên đến lứa tuổi lớn hơn, học sinh có thể thiết kế được nhiều vật dụng thiết thực như đèn chiếu sáng, mô hình ô tô, máy bay…
Bà Phạm Nguyễn Thanh Lan - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Trương Quyền - cho biết, hiện nay trường có 1 phòng chuyên môn để giảng dạy STEM, có 22/28 lớp tham gia học STEM với thời lượng 2 tiết/tuần. Lớp học đạt hiệu quả cao vì học sinh được thực hành, học tập qua các dự án sáng chế, làm việc nhóm… Không chỉ vậy, nhà trường chú trọng tích hợp giảng dạy STEM trong các môn học, cụ thể là môn tự nhiên xã hội ở lớp Một, Hai, Ba và môn khoa học ở lớp Bốn, Năm.
Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận 12) cũng triển khai dạy STEM cho học sinh từ lớp Một đến lớp Năm trong 2 năm học vừa qua. Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường - ban đầu khi tổ chức giảng dạy STEM cho lứa tuổi tiểu học, nhà trường khá lo lắng. Tuy vậy, qua một thời gian thấy học sinh hứng thú, lớp học sôi động và hiệu quả cao. Đến lớp Năm có em đã tiếp cận được với lập trình điều khiển robot. Thay vì chỉ học lý thuyết trừu tượng và dễ nhàm chán, việc áp dụng mô hình STEM - học thông qua thực hành - giúp các em được học một cách trực quan và ứng dụng ngay kiến thức để tạo ra sản phẩm.
Hiểu đúng về STEM
Theo bà Phạm Nguyễn Thanh Lan, từ năm học 2023-2024, cùng với việc đưa STEM vào như một môn học, có kiểm tra, đánh giá thì việc tổ chức giảng dạy sẽ phải bài bản hơn. Nhà trường dự kiến đầu tư thêm 1 phòng STEM mới, hiện đại, đồng thời xây dựng các chủ đề giảng dạy khoa học, phù hợp từng độ tuổi. Chẳng hạn, học sinh lớp Một sẽ bắt đầu bằng các mô hình đơn giản như chế tạo khung ảnh gia đình, mô hình quả bóng, ngôi nhà. Lên các lớp trên các em có thể làm lồng đèn trung thu, mô hình lá phổi, mô hình hệ tuần hoàn, chế tạo nước súc miệng, chế tạo khẩu trang, điều chế xà phòng…
Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa - Trưởng phòng GD-ĐT quận 3 - cho hay từ năm học tới, quận sẽ tổ chức dạy STEM ở tất cả trường tiểu học. Từ thực tế triển khai thời gian qua, ông cho rằng để việc giảng dạy STEM thực sự hiệu quả, ở mỗi trường tiểu học cần thành lập ban giáo dục STEM có vai trò tham mưu cho ban giám hiệu. Giáo viên phải được tiếp cận về giáo dục STEM và tập huấn cách lên kế hoạch bài dạy. Hiệu trưởng cần “truyền lửa” cho giáo viên thường xuyên, liên tục. Giáo viên dạy theo chương trình của Bộ GD-ĐT nhưng các thầy cô được phát huy tinh thần sáng tạo tùy vào trình độ và kỹ năng của từng khối lớp. Học sinh sẽ được kiểm tra, đánh giá thông qua sản phẩm STEM, đánh giá cả quá trình học. “Để lan tỏa rộng hơn thì các trường duy trì câu lạc bộ STEM, cử học sinh tham gia các liên hoan khoa học kỹ thuật, ngày hội STEM. Huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nhà trường để hỗ trợ giáo dục STEM, cả về kinh nghiệm, ý tưởng, kiến thức của phụ huynh, các tổ chức bên ngoài nhà trường và cả cộng đồng” - ông Phạm Đăng Khoa góp ý.
Một vấn đề quan trọng là nâng cao năng lực thực hành của giáo viên. Thực tế, nhiều giáo viên dạy khoa học không biết cách sử dụng các dụng cụ thực hành như đồng hồ đo điện, cân đo chính xác… Trong khi đây là những yêu cầu tối thiểu, căn bản để có thể hướng dẫn học sinh thực nghiệm giáo dục STEM.
Là người triển khai giáo dục STEM trong trường phổ thông ở nhiều tỉnh, thành, tiến sĩ Đặng Văn Sơn - nhà sáng lập Học viện Sáng tạo S3 - nhìn nhận việc giáo dục STEM từ lứa tuổi nhỏ, thậm chí từ cấp mầm non, là cần thiết để hình thành kỹ năng, tư duy cho học sinh. Theo ông, STEM không phải là môn học mới mà là một định hướng giáo dục, đó là giáo dục mang tính ứng dụng, thực hành và giảng dạy thông qua các hoạt động trải nghiệm. Học sinh học STEM là phải hình dung các môn này ứng dụng thế nào trong cuộc sống. Tránh hiểu giáo dục STEM là phải đầu tư những phòng thí nghiệm, thiết bị đắt tiền. Thực tế, thầy cô có thể dạy STEM từ những phương tiện và nguyên vật liệu sẵn có, thậm chí vật liệu tái sử dụng từ rác thải.
Trường dự kiến 3 phương thức tuyển sinh: tuyển thẳng và ưu tiên; tuyển theo đề án tuyển sinh của trường; dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Triển khai đồng bộ chương trình giáo dục phổ thông 2018, chuyển đổi số, chung tay khắc phục bão Yagi... là những sự kiện lớn của ngành giáo dục trong năm 2024.
Thí sinh tham dự thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực; người có khuyết tật nặng, người nước ngoài có chứng chỉ tiếng Việt... sẽ được miễn thi một số môn.
Tiếp tục hành trình hiện thực hóa hàng triệu ước mơ, FE CREDIT phối hợp tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin-Vượt khó đến trường” của Báo Sài Gòn Giải Phóng.