Thí điểm đánh bắt cá ngừ đại dương theo kiểu Nhật

13/04/2014 - 20:07

PNO - PNO - Ngày 10/3, hai chiếc tàu BĐ 9625 TS của chủ tàu La Tình (44 tuổi) và BĐ 96776 TS của chủ tàu Nguyễn Huê (44 tuổi), cùng ở Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định) đã cập cảng Quy Nhơn sau hành trình 20 ngày (19/3 đến 10/4) thử nghiệm khai...

Chuyến biển thử nghiệm mang lại thành công bước đầu và mở ra hướng khai thác mới về nghề câu cá ngừ của ngư dân Bình Định.

Thi diem danh bat ca ngu dai duong theo kieu Nhat
Thu mua cá ngừ đại dương tại cảng cá Quy Nhơn (Bình Định)

Hai chiếc tàu được chọn đi chuyến biển thử nghiệm được UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ nâng cấp hầm đá, cung cấp dụng cụ đánh bắt, hướng dẫn kỹ thuật bảo quản cá trên biển. Chuyến biển kết thúc, hai con tàu thử nghiệm mang về sản lượng cá lớn và quan trọng là chất lượng cá được cải thiện hơn trước rất nhiều. Gần như cá ngừ đại dương mang vào bờ đợt này đạt chuẩn cao, được thu mua với giá cao hơn 20% so với thị trường.

“Chuyến ra khơi này, 2 tàu thử nghiệm được cải tạo, nâng cấp hầm bảo quản và hầm ướp đá. Chi cục Kiểm tra, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (TBVNLTS) Bình Định đã cung cấp 1 số thiết bị mới trong đánh bắt và xử lý cá sau khai thác. Hiệu quả trước mắt là sản phẩm đảm bảo chất lượng hơn”, ông Nguyễn Huê chủ tàu BĐ 96776 TS nói.

Các tàu còn được cung cấp một số dụng cụ giết cá theo kiểu Nhật như dao cắt vây cá, dao mổ nội tạng, dùi thông não, búa cao su, thẻ bài đánh dấu cá khi khai thác... Cá đánh bắt được đưa lên boong tàu, ngư dân sử dụng các dụng cụ để tiến hành sơ chế, bảo quản cá. Cá sơ chế xong cho vào hầm lạnh 4 -6 tiếng đồng hồ, sau đó cho mới cho vào hầm ướp bảo quản.

Thi diem danh bat ca ngu dai duong theo kieu Nhat

Công nghệ bảo quản mang lại thành công như mong đợi, tuy nhiên dụng cụ đánh bắt mới thử nghiệm chưa phát huy hết hiệu quả. Ngư dân Nguyễn Văn An nói: “Thiết bị đánh bắt được ngành chức năng cung cấp cho chuyến biển như chiếc rọ heo, bên trong gắn phao cao su. Khi bơm phồng lên, những chiếc phao có chức năng khống chế sự vùng vẫy của cá trong bộ khung ép có hình dáng giống như nơm chụp cá. Cá bị ép tại phần đuôi và vây lưng sẽ không thể vùng vẫy nên chất lượng cá sẽ tốt hơn”. Ông An khẳng định, thiết bị này vướng mắc ở chỗ nếu cá dính một lúc 4 -5 con, không thể xử lý được.

Thi diem danh bat ca ngu dai duong theo kieu Nhat
Cá ngừ gắn mác đánh bắt trong chuyến biển thử nghiệm

Ông Trần Văn Vinh, Phó chi cục trưởng Chi cục KTBVNLTS Bình Định, cho biết: “Dụng cụ trói cá bằng phao hơi không phù hợp khiến ngư dân khó sử dụng. Chúng tôi không dùng phao hơi nữa, mà sử dụng hệ thống cơ học trói vây lưng và vây đuôi cho cá bớt vùng vẫy. Những chuyến biển thử nghiệm tiếp theo, chúng tôi trang bị cho ngư dân bộ sốc điện làm cá ngất trước khi đưa lên mặt nước để giảm sự vùng vẫy của cá, tránh ảnh hưởng đến chất lượng của cá”.

Chủ tàu BĐ 96776 TS, ông Nguyễn Huê nói: “Chuyến này chúng tôi đi 20 ngày, so với trước đây rút ngắn thời gian hơn nhưng đánh bắt được gần 2 tấn cá ngừ đại dương. Trước đó, tàu của tôi được nâng cấp hầm lạnh và kỹ thuật mới nên cá đánh bắt được Công ty CP Thủy sản Bình Định thu mua cao hơn giá thị trường 20%”.

Được biết, Bình Định vừa cấp phép thí điểm mô hình đánh bắt cá ngừ đại dương cho 5 hộ ngư dân. Các hộ này được tạo điều kiện tham quan, thực hành cách đánh bắt, bảo quản hải sản của ngư dân Nhật Bản. Mỗi hộ ngoài phần hỗ trợ 200 triệu đồng mua sắm ngư lưới cụ còn được cấp thêm 50 triệu đồng tu sửa, nâng cấp hầm lạnh lưu trữ cá. Với các hộ được đầu tư thí điểm, Cty CP Thủy sản Bình Định sẽ thu mua cao cá cao hơn 20% so với giá thị trường.

THU DỊU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI