Thi để… chạy dịch: Bỏ thi được không?

07/05/2021 - 07:31

PNO - Khi dịch bệnh ập đến ngay trong đợt thi thì trường học khẩn trương tính toán tình huống, thông báo đủ mọi kênh. Thầy cô đẩy nhanh tiến độ làm đề ngay trong đêm, học sinh bất đắc dĩ trổ tài ôn thi xuyên đêm… Một giải pháp tình thế nhưng có lẽ là duy nhất lúc này để kịp kết thúc một năm học đặc biệt nữa. Ở đó, không phải điểm số mà sự an toàn của thầy trò mới là mục tiêu cao nhất.

Hối hả thi, chủ động giảm tải kiến thức 

7g30 ngày 6/5, học sinh (HS) khối 11 Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) bắt đầu kỳ thi “đặc biệt” với môn toán và sử. Bước ra khỏi phòng thi, Băng Châu, HS lớp 11A15, khoe đã làm đúng hết môn toán, nội dung nằm trong trọng tâm ôn tập như thầy cô thông báo.

Còn Tài Nguyên, HS lớp 11A14, nhận định đề sử nhẹ nhàng, nội dung nằm trong chương trình đã học, cấu trúc đề thi cũng “quen mặt” ở các kỳ kiểm tra một tiết.

Hôm nay 7/5, HS tiếp tục thi hóa, giáo dục công dân, tiếng Anh. Ngày kế tiếp thi sinh, địa, lý. Trường đã thông báo bằng tin nhắn, fanpage đến học sinh, phụ huynh ngay khi nhận thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM. 

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) được giáo viên hỗ trợ tận tình trước buổi thi sáng 6/5 - Ảnh: Phúc Trần
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) được giáo viên hỗ trợ tận tình trước buổi thi sáng 6/5 - Ảnh: Phúc Trần

Trong mấy ngày này, ban giám hiệu gần như “bù đầu” khi vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch vừa đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ chuyên môn. Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Trên tinh thần chỉ đạo của sở, trường tiến hành điều chỉnh nội dung. Thầy cô điều chỉnh lại cấu trúc đề, giảm độ khó và thang điểm phù hợp để HS an tâm kiểm tra đạt kết quả tốt. Trong thời khắc khó khăn, rất mong quý phụ huynh đồng hành chia sẻ. Tôi tin rằng chỉ có sự đồng hành mới giúp nhà trường hoàn tất năm học một cách trọn vẹn”.

Trường THPT Marie Curie (Q.3) chủ động tình hình ngay khi HS trở lại sau nghỉ lễ, thông báo đẩy nhanh tiến độ kiểm tra cuối học kỳ II. Theo kế hoạch ban đầu, lẽ ra phải đến ngày 10/5, các khối lớp mới kiểm tra học kỳ xong. Nhưng với tình hình dịch bệnh, trường đã họp và quyết định kết thúc kiểm tra ngay, trễ nhất là ngày 8/5 và thông báo đến HS để chuẩn bị.

Chị Phương Lê, phụ huynh lớp Ba Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5), cho biết: Ban đầu, lịch kiểm tra từ ngày 17-18/5 nhưng tối 5/5 trường cấp tập thông báo lịch kiểm tra mới. Đến 21g30 mà các cô vẫn còn phải nhắn tin cập nhật cuối ngày cho phụ huynh, nhắc nhở sáng thứ Năm (ngày 6/5) lớp 3/1 thi tin học (từ 7g30 - 8g10). Nhờ phụ huynh cho HS vô lớp sớm để ôn… 

Ở Trường tiểu học Mê Linh (Q.3), lịch kiểm tra khối 1, 2, 3, 4 do trường tự sắp xếp nên có thể linh động. Trường cũng đã tính đến phương án tổ chức kiểm tra trong điều kiện dịch bệnh. Theo đó, mỗi ngày tổ chức kiểm tra một khối lớp, đảm bảo giãn cách chỗ ngồi, không cho HS tiếp xúc gần nhau. Nên ngay khi nhận lệnh đôn lịch kiểm tra, trường hầu như không gặp khó khăn.

Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Cố gắng đến hết tuần này, sau khi thi xong, các trường sẽ không phải lo lắng nữa. Mặc dù thi xong, HS vẫn còn nội dung phải học nhưng hoàn toàn có thể chuyển sang học online.

Bỏ thi, được không?

Trường tiểu học Nguyễn Văn Nở (TP.Thủ Đức) lẽ ra có lịch kiểm tra học kỳ II môn toán, tiếng Việt từ ngày 17-19/5 tùy theo khối lớp; còn các môn khoa học, sử - địa, tiếng Anh diễn ra ngày 5-7/5. Thế là trong tối 5/5, kế hoạch phải thay đổi. Phụ huynh liên tục nhận tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm thông báo đổi lịch thi, kèm theo đó là bài học phải giải quyết.

Chị Thanh Phượng, phụ huynh lớp Năm, kể: “Ngay ngày 6/5, HS kiểm tra môn khoa học, tiếng Việt (đọc thành tiếng); thứ Sáu kiểm tra lịch sử - địa lý, thứ Bảy học cả ngày. Lịch kiểm tra chi tiết toán, tiếng Việt sẽ thông báo sau. Lịch thi đôn lên và phải học liên tục không ra chơi, học cả thứ Bảy cho kịp… Thương con, thương cô, chỉ mong hết dịch. Với tôi, con thi bao nhiêu điểm cũng được nên không gây áp lực cho cả cô và trò. Học là một quá trình, không chỉ ngày một ngày hai”. 

Học sinh học bài hối hả trong đêm để thi...chạy dịch
Học sinh học bài hối hả trong đêm để thi...chạy dịch

Có nhiều ý kiến cho rằng, dịch ập đến sao vẫn phải kiểm tra học kỳ một cách cập rập, nên kết thúc năm học luôn. Theo các nhà quản lý giáo dục thì không thể bỏ hẳn kiểm tra kết thúc năm học bởi HS cần có đủ các tiêu chí đánh giá, xếp loại theo quy định. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hồ sơ của người học sau này. Không thể bỏ kiểm tra, thay vào đó ngành giáo dục tìm giải pháp ứng phó trong tình huống đặc thù. Việc đẩy lịch thi, người học khó một thì ngành khó mười.

Anh Nguyễn Tiến Đạt, phụ huynh ở TP.Thủ Đức đồng tình: “Ai đi học cũng phải trải qua thi cử. Các kỳ thi như cột mốc đối chứng để biết người học có tiến bộ hay không. Vậy học có nên thi hay không? Tôi nghĩ có, quan trọng là thi như thế nào cho hợp lý. Trong tình hình cấp bách, chỉ cần kiểm tra các môn toán, tiếng Việt (từ bậc THCS là ngữ văn), ngoại ngữ là đủ. Một ngày bắt HS phải thi năm môn thì không khoa học”. 

Thực tế, việc phải hoàn tất kiểm tra học kỳ II trước ngày 9/5 là đối với hình thức kiểm tra trực tiếp trên lớp, thường là các môn bắt buộc phải có điểm để làm căn cứ tuyển sinh vào các bậc học cao hơn. Những môn “phụ” vẫn được thay thế bằng các hình thức phù hợp trong điều kiện dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông điều chỉnh kế hoạch và kết thúc kiểm tra định kỳ học kỳ II với hình thức bài kiểm tra trực tiếp trên lớp, tại trường trước ngày 9/5. Song song đó, nhà trường cần căn cứ vào Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại HS THCS và THPT của Bộ GD-ĐT để áp dụng thêm các hình thức kiểm tra định kỳ như bài thực hành, dự án học tập (nếu có) để thay thế, giảm áp lực cho HS do điều chỉnh thời hạn hoàn thành kiểm tra đánh giá trước ngày 15/5. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI