Thi công làm nhà hàng xóm nguy cơ sập, chủ công trình vẫn được tạo điều kiện xây tiếp

27/10/2018 - 10:40

PNO - Tháo dỡ công trình làm nứt nhà hàng xóm nhưng chủ công trình vẫn được cấp phép và xây dựng dù không khắc phục hậu quả. Chuyện xảy ra tại Q.6, TP.HCM.

Theo luật định, một trong những điều kiện để được cấp phép xây dựng là phải bảo đảm an toàn cho công trình và công trình lân cận. Thế nhưng, ở Q.6, TP.HCM lại có chuyện một công trình khi thi công tháo dỡ làm nứt nhà hàng xóm, sau đó được cấp phép xây dựng và được xây dựng lại khi chưa khắc phục hậu quả.

Không bảo đảm an toàn, vẫn được cấp phép xây dựng

Gần 4 tháng nay, gia đình bà Từ Thiếu Ngọc (421/25/28 Bến Phú Lâm, P.9, Q.6, TP.HCM) đứng ngồi không yên khi căn nhà của bà xuất hiện gần 40 vết nứt lớn, nhỏ; tường nhà như một chiếc áo rách, sàn nhà và cột có hiện tượng bị nghiêng, căn nhà có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào. 

Thi cong lam nha hang xom nguy co sap, chu cong trinh van duoc tao dieu kien xay tiep
Gây ra 40 vết nứt lớn, nhỏ cho căn nhà bà Từ Thiếu Ngọc nhưng công trình số 421/25/29 Bến Phú Lâm kề bên vẫn được cấp phép xây dựng

Nhà bà Từ Thiếu Ngọc nằm sát bên căn nhà số 421/25/29 Bến Phú Lâm do bà Mã Hòa Ngọc làm chủ. Tháng 6/2018, bà Mã Hòa Ngọc cho tháo dỡ căn nhà để xây dựng lại khiến nhà bà Từ Thiếu Ngọc bị nứt nhiều chỗ.

Ngày 22/6, bà Từ Thiếu Ngọc gửi đến cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết vụ việc và đến ngày 29/6, UBND P.9, Q.6 lập biên bản làm việc đầu tiên với các bên liên quan. Trong biên bản này, bà Mã Hòa Ngọc đồng ý với yêu cầu đền bù và đề nghị các bên khảo sát hư hỏng để có thỏa thuận khắc phục. Nhưng đến nay, hai bên vẫn chưa thỏa thuận được mức đền bù.

Trong lúc vụ việc còn chưa được giải quyết thì ngày 4/7/2018, UBND Q.6 lại cấp giấy phép xây dựng số 475/GPXD cho bà Mã Hòa Ngọc với quy mô xây dựng kiên cố gồm trệt, 2 lầu, mái che thang, trong khi theo luật, một trong những điều kiện để cấp phép xây dựng là phải bảo đảm an toàn cho công trình và công trình lân cận. 

Chính quyền địa phương nhận tiền sai quy định

Sau nhiều lần làm việc với UBND P.9 và Đội Thanh tra địa bàn Q.6, phía bà Từ Thiếu Ngọc đã đồng ý để Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng xác định mức hư hại và chi phí đền bù. Trung tâm này dự toán kinh phí sửa chữa nhà bà Từ Thiếu Ngọc là 16.340.000 đồng, quá thấp so với mức độ hư hại căn nhà.

Bà Thiếu Ngọc cho rằng, để sửa chữa lại căn nhà bị hư hỏng do công trình xây dựng kế bên gây ra, phải mất hàng trăm triệu đồng. Đó là chưa kể khoản thu nhập mà gia đình bà Từ Thiếu Ngọc bị mất do nhà hư hỏng và chi phí thuê nhà ở trong suốt thời gian qua, nên bà không đồng ý với mức đền bù nói trên. 

Ngày 11/9, bà Từ Thiếu Ngọc đã làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân Q.6. Ngày 10/10, tòa đã có thông báo về việc thụ lý vụ án này. Cùng ngày 10/10, UBND P.9 và Đội Thanh tra xây dựng địa bàn Q.6 thông tin: “Nhà 421/25/29 Bến Phú Lâm tiến hành khởi công xây dựng sau khi đã cung cấp giấy nộp tiền vào tài khoản bảo lãnh do UBND P.9 làm chủ tài khoản; công trình nhà bà Mã Hòa Ngọc đã thực hiện đầy đủ hồ sơ để thi công, vì vậy UBND P.9 và Đội Thanh tra xây dựng địa bàn Q.6 sẽ thực hiện kiểm tra, theo dõi theo đúng định kỳ”.

Thông tin này cho thấy công trình nhà bà Hòa Ngọc được thi công trở lại. Điều này là hết sức bất thường, vì nó có thể gây sập nhà và đe dọa tính mạng những người trong gia đình bà Từ Thiếu Ngọc.

Cơ sở cho công trình thi công trở lại là vì chủ công trình này đã nộp số tiền 16.340.000 đồng vào tài khoản của UBND P.9. Bà Phan Thị Bích Hường - Chủ tịch UBND P.9 - cho biết: “Việc chủ công trình chuyển tiền bảo lãnh cho UBND P.9 là theo Thông tư 03/2018/TT-BXD ngày 14/4/2018 của Bộ Xây dựng”.

Về việc bà Từ Thiếu Ngọc không đồng ý mức bồi thường nhưng UBND P.9 vẫn nhận tiền bảo lãnh của chủ công trình, bà Hường giải thích: “Theo Thông tư 03/2018/TT-BXD thì đồng ý hay không đồng ý gì cũng chuyển tiền vì đơn vị kiểm định là do hai bên thỏa thuận. Sau khi họ kiểm định thì đưa ra mức tiền khắc phục luôn”.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, Thông tư 03 nói trên quy định: “Tại buổi thỏa thuận lần hai mà hai bên không thống nhất được mức đền bù thiệt hại thì hai bên thống nhất thuê một tổ chức tư vấn có tư cách pháp nhân để tư vấn mức bồi thường thiệt hại. Trường hợp hai bên không thống nhất về tổ chức tư vấn được thuê hoặc mức bồi thường do tổ chức tư vấn được thuê xác định thì chủ tịch UBND cấp xã thuê một tổ chức tư vấn xác định mức bồi thường thiệt hại. Chi phí thuê do chủ đầu tư chi trả. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm yêu cầu chủ đầu tư chuyển tiền vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng do UBND cấp xã làm chủ tài khoản...”.

Theo luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình, trong trường hợp bà Từ Thiếu Ngọc không đồng ý mức giá bồi thường do tổ chức tư vấn xác định, lẽ ra Chủ tịch UBND P.9 phải thuê một tổ chức tư vấn xác định mức bồi thường thiệt hại, nhưng UBND P.9 lại bỏ qua công đoạn này và yêu cầu chuyển tiền bảo lãnh vào tài khoản của UBND P.9 là chưa phù hợp”.

Theo đơn khởi kiện, bà Từ Thiếu Ngọc yêu cầu chủ công trình số 421/25/29 Bến Phú Lâm phải bồi thường thiệt hại với số tiền 275 triệu đồng. 

Hoàng Lâm 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI