Tọa đàm Dòng thơ giữa phố (do Hội Nhà văn TPHCM tổ chức) có sự tham gia của các nhà thơ nhiều thế hệ, cùng chia sẻ những góc nhìn về thi ca - đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.
Nhà văn Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM nói rằng, tọa đàm được tổ chức nhằm lắng nghe những ý kiến tâm huyết của các nhà thơ nhiều thế hệ với nhiều bút pháp sáng tác khác nhau, để có sự thấu hiểu và chia sẻ lẫn nhau trên hành trình sáng tạo.
“Lực lượng sáng tác thơ tại TPHCM được bổ sung và tiếp nối thường xuyên, tạo ra một dòng chảy văn hóa và tạo ra nhiều khuynh hướng thẩm mỹ. Từ năm 1975 đến nay, TPHCM có nhiều thế hệ nhà thơ xuất thân khác nhau. Thế nhưng, điều đáng tiếc là thành tựu thơ TPHCM vẫn chưa được nhận diện đầy đủ và đánh giá đúng mức, bằng các công trình nghiên cứu công phu của những nhà phê bình đích thực”- nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM nhận định.
|
Poster nhà thơ Minh Đan và Ngô Thúy Nga tại không gian Đường thơ năm nay |
“Với đặc trưng một thành phố dẫn đầu cả nước về kinh tế, thì thi ca có vị trí như thế nào?” cũng chính là câu hỏi quan trọng mà tọa đàm đặt ra cho các thi nhân, các nhà phê bình.
Nhà thơ Ngô Thị Hạnh gọi tên các cây bút thơ nổi bật của thành phố: Thảo Phương, Phạm Thị Ngọc Liên, Ý Nhi, Lê Thị Kim, Thanh Nguyên, P.N Thường Đoan, Nguyễn Bính Hồng Cầu, Lê Hoàng Anh, Tôn Nữ Thu Thủy... Các cây bút thơ nam có Lương Duy Cán, Hoàng Hưng, Bùi Phan Thảo, Trần Lê Khánh, Nguyễn Phong Việt, Trần Võ Thành Văn, Trần Đức Tín…
Mỗi thế hệ đều có những dấu ấn, phong cách riêng và để lại cho văn đàn nhiều tác phẩm thi ca có giá trị.
“Không kể đến thế hệ nhà thơ đi trước, theo tôi, cái gạch nối giữa 2 thế hệ thơ 7X và 8X là đã cùng chọn thể thơ tự do làm chủ đạo, để miêu tả các cung bậc cảm xúc và hình ảnh đa dạng trong thơ. Với các cây bút nữ, nhịp điệu thơ nữ giai đoạn này đã rất trẻ trung, ngôn ngữ trau chuốt, miêu tả vẻ đẹp của tâm hồn, đi vào đời sống nội tâm của cá nhân nhà thơ. Nhịp điệu thơ tự do và miêu tả cảm xúc trực tiếp bằng ngôn từ chắt lọc là điều mà thế hệ 7X và 8X ảnh hưởng và tiếp nối” – nhà thơ Ngô Thị Hạnh nhìn nhận.
|
Tọa đàm chủ đề Dòng thơ giữa phố, diễn ra vào sáng ngày 4/2 |
Ở góc nhìn của một cây bút trẻ, nhà thơ Trần Đức Tín – Giải thưởng Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TPHCM 2021 – cho rằng thơ trẻ thành phố có nhiều cơ hội phát triển với đặc tính dung nạp và cởi mở.
“Tính cởi mở của văn chương thành phố còn nằm ở sự tương trợ của nó. Các khuynh hướng sáng tác không đối kháng, mà dung nạp và bổ trợ cho nhau, tạo nên một tổng thể đầy tiềm năng. Sự dung nạp của văn chương thành phố còn nằm ở sự đón nhận nguồn gốc của thơ trẻ: Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Phong Việt mang hồn cốt văn hóa Phú Yên; Phạm Phương Lan, Ngô Thúy Nga với ví dặm Nghệ Tĩnh; Trần Võ Thành Văn với lịch sử Bình Định… Tất cả đều quy tụ lại trong thơ trẻ TPHCM. Chính sự dung nạp này cho chúng ta một vườn hoa thơ đa sắc, phong phú và rạng rỡ" - nhà thơ Trần Đức Tín nhìn nhận.
Từng có những dấu ấn đậm nét cho thi ca với những tên tuổi nhà thơ nổi tiếng cùng các tác phẩm được đánh giá cao trên văn đàn. Trong số đó, có thể kể đến các nhà thơ: Song Phạm với Tôi uống bầu trời trong ly nước nhỏ; Trần Lê Sơn Ý với Cơn ngạt thở tình cờ; Trương Gia Hòa với Sóng sánh mẹ và anh… Hoặc những cây bút từng góp phần ghi dấu ấn trên văn đàn thi ca: Nguyệt Phạm, Sâm Cầm, Lê Thùy Vân, Nguyễn Thiên Ngân…
Tuy nhiên, có những tác giả vẫn tiếp tục cần mẫn cùng thơ như Ngô Thị Hạnh, Minh Đan, Phạm Phương Lan, Trần Mai Hường, Huệ Triệu…; thì cũng có những cây bút đã “bỏ thơ mà đi”.
Ta có một vườn đầy hoa của thơ trẻ, phong phú đấy nhưng ngát hương thì chưa! Tôi muốn một sự phát triển tột bật của vườn thơ trẻ. Chúng ta đang có lợi thế là trẻ: công sức, quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám thể nghiệm và dám chịu thất bại. Hay nói cách khác, chúng ta có và còn thời gian cho sự thất bại. Và ta đều biết, không có sự thành công nào tự nhiên đến, vậy sao chúng ta còn chưa bước? nhà thơ Trần Đức Tín |
“Tôi cứ thản nhiên viết và in thơ như chính mình đã bước đi thì phải tới, không nhận ra việc này với người khác có thể nhọc nhằn: công việc mưu sinh, con cái và dư luận xã hội… Cứ đi rồi sẽ đến, ban đầu là bản năng sau đó là chiêm nghiệm và sống” – nhà thơ Ngô Thị Hạnh bày tỏ, như nói thay nỗi lòng của những tâm hồn thơ nữ, dù còn ở lại hay đã rời đi với thi ca.
|
Poster nhà thơ Tô Minh Yến và nhà thơ Trần Đức Tín tại không gian Đường thơ năm nay |
Thơ vẫn chảy mạch ngầm trong lòng đô thị và có vị trí riêng, với những tâm hồn yêu thơ và nặng nợ với văn chương. Thơ thoát thai từ trái tim, tâm cảm của người cầm bút, nhưng cất cánh, tạo dấu ấn hay không vẫn còn cần đến sự quan tâm, tiếp nhận của bạn đọc cũng như sự trân trọng, tôn vinh giá trị xứng đáng của hội nghề nghiệp. Giao lưu thơ - nhạc, giới thiệu tác giả - tác phẩm là hoạt động không thể thiếu trên con đường quảng bá tác phẩm đến rộng rãi hơn với công chúng.
“Thơ thiếu nhi đang ở đâu?” Một trong những vấn đề được tọa đàm quan tâm là thơ thiếu nhi. “Thơ thiếu nhi đang ở đâu trong dòng thơ đang chảy giữa phố?” – câu hỏi của nhà thơ Nguyệt Thu cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Có thể nói, thơ thiếu nhi rất hiếm hoi trong dòng chảy của thi ca đô thị. Cũng là một người có sáng tác thơ cho thiếu nhi, nhà thơ Nguyệt Thu chia sẻ góc nhìn: “Khi sáng tác thơ cho trẻ nhỏ nên chọn đề tài hết sức gần gũi với các em, càng gần gũi các em dễ bộc lộ tình cảm của mình. Tình cảm đẹp đẽ và chân thành đối với những người xung quanh, đối với những con vật hay cỏ cây hoa lá. Thơ giàu hình ảnh, màu sắc và âm thanh và giàu cả nhịp điệu. Thơ phải là người bạn đồng hành, theo các em đến lớn, và thơ sẽ ở lại trong nỗi nhớ của nhiều người khi các em trưởng thành”. |
Cầm Thi