Thi 9,5 điểm: mẹ sầu, con khổ là sao?

16/01/2019 - 12:02

PNO - Cô bạn thân của tôi nhắn tin than 'buồn quá'. Tôi tưởng vợ chồng có chuyện gì nên gọi điện lại ngay. Nào ngờ lý do là: Cún thi học kỳ được 9 với 9,5 không hà. Con người ta toàn 10 điểm...

Mấy hôm nay, từ gặp đồng nghiệp ở cơ quan hay gặp bạn bè, hàng xóm, thậm chí xuống sân chung cư đi dạo, hay trên các group chat, tôi thấy mối bận tâm chung của mọi người là “con thi mấy điểm”. Mẹ nào cũng khoe, chụp hình điểm thi của con là những điểm 10 tròn trĩnh. Trong khi ai cũng điểm 10, thì điểm 9; 9,5 bỗng trở nên lạc lõng. Cô bạn thân của tôi nhắn tin than “buồn quá”. Tôi tưởng vợ chồng có chuyện gì nên gọi điện lại ngay. Nào ngờ lý do là: Cún thi học kỳ được 9 với 9,5 không hà. Con người ta toàn 10 điểm...

Thi 9,5 diem: me sau, con kho la sao?
Ảnh minh hoạ

Còn một phụ huynh trong nhóm bạn của con tôi rầu rĩ khi cả hội gặp nhau ở sân chơi chung cư: “Con mình chỉ được 9,5 điểm môn toán, trong khi lớp 95% đạt 10 điểm, thử hỏi có tức không?”. Khi đó, nhiều phụ huynh trợn mắt “ủa sao vậy?”, “sao có… 9,5 điểm vậy?”. Rồi các mẹ thi nhau an ủi: “thôi đừng buồn, cố gắng để học kỳ sau… phục thù”. Chị phụ huynh có con được 9,5 điểm xổ một tràng: “Em bực lắm, khả năng thằng bé thừa sức làm 10 điểm. Vì ở nhà em cho luyện mấy bài toán này nhuyễn hơn cháo, vậy mà vô thi, không tập trung, ẩu tả nên làm sai. Chị còn nói thêm, sẽ phạt con một tuần không chơi ipad, điện thoại. Kể cả thằng bé khóc lóc, xin lỗi cũng không cho, để chừa cái tật ẩu tả. Nhiều phụ huynh đưa ánh mắt ái ngại nhìn thằng bé. Một bà mẹ xoa đầu: “cố gắng lên nghen con, phải thi 10 điểm để không thua sút bạn nghen con”. Thằng bé có lẽ chưa hiểu hết câu chuyện, nhưng nó biết chủ đề là chuyện học hành chưa tốt của mình nên gương mặt rất đau khổ.

Thấy thằng bé tội quá, tôi kéo bé Ốc nhà mình đến và nói: “đây, bạn Ốc thi toán 8 điểm đây”. Tôi chưa nói hết, thì Ốc hồ hởi: “Mình thi 8 điểm luôn á”. Lúc này, cả hội quay sang nhìn mẹ con tôi như… người ngoài hành tinh. Tôi nói ngay: “Thời mình học, thi 8 điểm là mừng lắm rồi, nên chẳng có lý do gì buồn hay thất vọng với con”. Một phụ huynh lên tiếng: “Nhưng các bạn đều 10 điểm, bà không sợ Ốc buồn, mặc cảm với bạn sao?”. Về điểm này, tôi khẳng định, chỉ có người lớn chúng ta làm cho trẻ mặc cảm, xấu hổ vì điểm 8, 9 chứ trẻ nhỏ rất hồn nhiên và chúng còn vui vẻ, tự hào với những điểm số đó.

Tôi kể, trước khi con đi thi, tôi dặn dò bé: “Vào thi, chỉ cần con tập trung làm bài và tuyệt đối không được nhìn bài bạn, thì con 1 điểm hay 5 điểm, 10 điểm mẹ đều vui như nhau”. Khi cô giáo phát bài thi cho phụ huynh xem, thấy con 8 điểm vì sai hai phép tính cộng đơn giản mà cháu vốn rất rành rẽ khi ở nhà, tôi cảm thấy bình thường. Bởi bé mới sáu tuổi, thiếu tập trung hay sai sót là điều khó tránh khỏi. Hay bé 9 điểm môn tiếng Việt vì viết không kịp hai từ “ngày mai” - trong khi ở nhà, hay ở lớp bé viết vừa đẹp vừa nhanh. Nói thật, điểm số hai môn này không chỉ khiến tôi hài lòng, mà còn vui. Vì tôi hiểu thêm về con, biết hạn chế của con là lo lắng khi có sự thay đổi (cô giáo khác gác thi) và áp lực vô tình từ thi cử (có lẽ bé nghe người lớn hay nhắc từ “đi thi” nên đâm lo). Do vậy, tôi chẳng có lý do gì để buồn rầu với điểm số của con.

Thi 9,5 diem: me sau, con kho la sao?
Ảnh minh hoạ 

Nhớ hôm họp phụ huynh, lúc cô chủ nhiệm thông báo có một bé điểm 5 môn toán, một bé điểm 6 môn tiếng Việt, thì nhiều người ồ lên ngạc nhiên. Vài người xì xào “trời, thời buổi này còn 5, 6 điểm nữa hả” và quay qua, quay lại để tìm hai phụ huynh “cá biệt” ấy. Cũng may, cô không đọc tên nhưng tôi biết, tối ấy sẽ có những đứa trẻ bị phạt, bị ăn đòn vì bị điểm thấp nhất lớp.   

Tôi thấy cách phụ huynh đối diện điểm thi của con rất quan trọng với tâm lý trẻ. Ngay sau buổi họp phụ huynh, ra đón con, tôi ôm bé và reo lên: “Ốc ơi, con thi 8 điểm luôn”. Chẳng biết bé hiểu 8 là số lớn hay nhìn gương mặt đầy phấn khởi của tôi mà bé cười toe toét và đưa tay lên “yeah!”. Sau đó, tôi dẫn con đi ăn, thưởng kết quả thi tốt. Tôi nói cho bé hiểu: “Có nhiều bạn được 10 điểm, còn con làm sai hai phép tính nên cô cho 8 điểm. Lần sau, con tập trung hơn, làm phép tính kỹ, cẩn thận để mình không bị sai nữa nghen con”. 

Tôi nhấn mạnh “để không bị sai nữa”, chứ mục đích lớn nhất không phải là điểm 10. Vì tôi không muốn con đua với điểm số và đánh giá năng lực của mình, bạn bè bằng điểm số. Vì điều quan trọng nhất là sự cố gắng, nỗ lực hết mình của bản thân. Trong khi đó, nhiều phụ huynh buồn rầu, thất vọng với điểm 9; 9,5 vì… “con người ta” 10 điểm. Tôi tin rằng, nếu cả lớp hầu hết 7 điểm, chỉ một vài bạn có điểm 8 thì chắc chắn phụ huynh có con được điểm 8 sẽ rất vui, tự hào. Bệnh thành tích không chỉ có ở thầy cô, nhà trường, mà còn ăn sâu vào tâm thức của nhiều phụ huynh. 

Khánh Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI