Một trong những điểm đến ấn tượng thường xuyên xuất hiện trong cuộc tán gẫu giữa chúng tôi với bạn bè là Y Tý - xã vùng cao thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Do vị trí địa lý nằm ở độ cao 2.000m so với mực nước biển và địa hình phức tạp bị chia cắt bởi các dãy núi cao, khung cảnh Y Tý mang vẻ đẹp nguyên sơ hiếm thấy.
Cuối xuân là thời điểm đỗ quyên nở bừng tạo thành những tấm thảm hoa rực rỡ. Sang hè, núi đồi biến thành những tấm gương lớn khi nước ngập các thửa ruộng bậc thang. Mùa thu, lúa chín vàng óng ả. Mùa đông, nếu may mắn, du khách sẽ gặp tuyết rơi.
|
Người Hà Nhì bán thực phẩm tại chợ phiên Y Tý |
Cảnh sắc Y Tý không chỉ chuyển động theo mùa mà còn thay đổi mỗi ngày theo từng bước chân. Dân nhiếp ảnh truyền tai nhau rằng đây là địa điểm săn mây lý tưởng cũng đúng bởi không ít lần chúng tôi dừng chân dọc đường, cảm tưởng như đang trôi bồng bềnh giữa những tầng mây.
Y Tý tập trung nhiều dân tộc (H’mông, Dao, Giáy…) nên văn hóa không kém phần đặc sắc. Chúng tôi đã tiếp xúc với rất nhiều người H’mông, Dao, Giáy nhưng với người Hà Nhì - một nhóm người dân tộc thiểu số có nguồn gốc từ Trung Quốc - thì đó là lần đầu tiên nên không tránh khỏi tò mò. Chưa kể, ở họ có nét gì đó cực kỳ cuốn hút.
Có lẽ từ trang phục màu sắc nhã nhặn với đường may tinh tế, gương mặt thanh tú, tác phong chỉnh tề, đến cách chuyện trò nhẹ nhàng, ý nhị, duyên dáng cho thấy truyền thống văn hóa của dân tộc Hà Nhì đã được lưu giữ rất tốt. Chúng tôi say mê đến mức đi theo dấu chân họ từ chợ phiên Y Tý đến làng bản nằm khuất sâu trong các hẻm núi nơi họ sinh sống, cùng ăn, cùng uống, cùng ca hát, cùng chia sẻ khoảng lặng dưới một mái nhà…
Chạy theo các phiên chợ là một dạng niềm vui nếu bạn có thời gian thong dong rong ruổi ở vùng núi phía Bắc. Chợ phiên là nơi tụ họp nhiều bà con dân tộc thiểu số sinh sống quanh đó, bày bán các loại thực phẩm họ tự nuôi trồng, các vật dụng họ tự làm ra.
Chợ phiên Y Tý diễn ra mỗi cuối tuần. Lối vào chật kín bởi 2 hàng xe máy xếp dọc 2 bên lề, thấp thoáng những bộ trang phục sặc sỡ.
Tiến sâu vào lòng chợ, một bức tranh chi chít chi tiết đầy màu sắc hiện ra. Một số người ở rất xa phải gùi nặng hàng hóa trên lưng, trèo đèo lội suối từ khi đêm còn chưa tan để kịp phiên chợ. Người Hà Nhì ngồi thành nhiều cụm rải rác trong chợ, đội trên đầu chiếc khăn xanh dương dịu mắt, mặc trang phục màu xanh dương sẫm giản dị. Họ bày những thứ cần bán trên một tấm bạt cũ. Mỗi người chỉ có vài loại thực phẩm để bán.
Lẽo đẽo theo chân chúng tôi là một cậu bé nhỏ thó người Hà Nhì. Cậu theo mẹ đến chợ chơi. Mẹ bán hàng, còn cậu bé đi lòng vòng làm… phiên dịch viên. Lúc đi chợ mua đồ xong, chúng tôi mua tặng cậu một món đồ chơi rồi rủ cậu ăn đồ nướng và thắng cố, nhờ đó mới biết thêm thông tin về nơi người Hà Nhì sinh sống.
Bản Choản Thèn
|
Trẻ con tụm năm tụm bảy quanh chiếc xích đu mỗi năm được treo lên một lần ở bản Choản Thèn |
Bản Choản Thèn thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nằm không quá sâu trong núi là nơi tập trung sinh sống của người Hà Nhì. Người dân nói được một chút tiếng Kinh nhưng không thạo. Đa số người giao tiếp với chúng tôi là bọn trẻ đang tuổi đến trường và một số thanh niên thường ra khỏi bản để làm ăn, buôn bán.
Gặp 1 phụ nữ trung niên đeo gùi rau vừa hái từ dưới ruộng lên, chúng tôi hỏi mua rau, được biết cô có cả khoai lang nên chúng tôi theo cô vào nhà để cân khoai. Nhà cô và các ngôi nhà khác trong bản Choản Thèn đều là dạng nhà trình tường đơn sơ, mộc mạc với vách đất, cửa ra vào nhỏ xíu mà muốn bước qua phải khom người, bên trong gần như kín bưng.
Mấy đứa trẻ đến chơi đùa, ca hát với chúng tôi. Bài Con chim hay hót của mấy cô bé miền núi sẽ làm trái tim bạn lay động nếu bạn cũng có mặt ở đây vào khoảnh khắc đất trời như hòa làm một. Những nốt nhạc cao vút, giai điệu réo rắt hệt như những cung đường ngoằn ngoèo ở miền núi xa xôi này.
Ở cuối bản có một cái cây lớn. Hằng năm, cả làng thường treo một cái xích đu ở đây trong một dịp lễ của làng. Dây treo xích đu là dây rừng. Vì thế, dây chỉ dùng được trong khoảng 10 đến 12 ngày. Bọn trẻ vẫn thường kéo nhau ra đây chơi. Buổi chiều hôm ấy ở bản Choản Thèn là một buổi chiều khó quên bởi những khoảnh khắc nhẹ nhàng, thư thái chúng tôi có được giữa mênh mông đất trời và tiếng nói cười của những đứa trẻ vùng cao.
Bản San
Bản San nằm cách trung tâm Y Tý 16,5km. Đường vào bản uốn lượn với vô vàn khung cảnh nên thơ. Vì nằm sâu trong hẻm núi, bản San dường như tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của thế giới. Từ xa, những ngôi nhà nhỏ xinh vuông vức với phần mái nhô cao dần hiện ra.
Thời điểm chúng tôi ghé thăm, trong bản còn lại vỏn vẹn 4 ngôi nhà vẫn giữ mái nhà truyền thống được làm từ tre, sau đó phủ rơm và để mặc gió mưa cho rêu mọc đầy trên mái. Cùng là nhà trình tường nhưng điểm khác biệt của những ngôi nhà nơi đây nằm ở dáng vẻ đáng yêu như những chiếc nấm. Không thể tin ở Việt Nam lại có những ngôi nhà đẹp đến thế. Chúng tôi sững sờ như lạc vào thế giới cổ tích.
|
Người Hà Nhì bán thực phẩm tại chợ phiên Y Tý |
Trẻ con trong bản thấy người lạ liền kéo nhau chạy ra, vây quanh chúng tôi. Đứa lớn cõng đứa nhỏ trông thật dễ thương. Chúng tôi được đám trẻ dẫn đi chơi loanh quanh trong bản rồi dừng chân trước 1 ngôi nhà đang vắng chủ. Theo lời hướng dẫn bằng tiếng Kinh không thành thạo của người dân bản, chúng tôi hiểu rằng "cứ tự nhiên". Vậy là cả nhóm lấy nguyên liệu mua được ở chợ Y Tý nấu bữa cơm chiều.
Vì chủ nhà đi vắng nên chúng tôi bày nguyên liệu và dụng cụ ngay trước cửa nhà. Người già, trẻ con tụm lại hỏi han. Dù không hiểu ngôn ngữ của nhau, phải dùng rất nhiều ngôn ngữ hình thể nhưng câu chuyện giữa chúng tôi rất rôm rả, ngập tiếng cười. Người dân ở đây hiền lành và thân thiện, giúp đỡ chúng tôi nhiệt tình. Cơm nấu gần chín kịp lúc bác chủ nhà về. Mọi người ý nhị ai nấy đều trở về nhà, chỉ còn vài đứa trẻ ở lại chơi, cùng ăn tối.
Bác chủ nhà mời chúng tôi vào nhà bác làm chén rượu. Bên trong nhà leo lét ánh đèn. Ánh sáng không tỏa đều mà chỉ tập trung ở sập chính giữa nhà nên không gian tối om. Giữa chúng tôi và người dân nơi đây không có mấy điểm chung nhưng thật dễ chịu khi có thể ngồi xuống bên nhau như thế này.
Ăn tối xong, cả nhóm chào tạm biệt mọi người trong bản. Lẽ ra về ngay nhưng tôi bất chợt nhìn lên trời và phát hiện ra khung cảnh đẹp ngỡ ngàng. Hóa ra ánh sáng soi rọi từ lúc trời ngả tối chính là những vì sao. Bản San nằm sâu trong núi, đường rất gồ ghề, khó đi, điện đã vào tới nhưng chưa mạnh nên không có đèn đường. Nhờ vậy, mọi người được hưởng trọn một bầu trời sao tuyệt đẹp. Trong khoảnh khắc, chúng tôi quyết định trèo lên nóc xe ngồi ngắm sao suốt đêm để được trở lại thời tuổi thơ lần nữa.
Lê Ngọc
Ảnh: Ngọc Ánh, Nhật Tân