Theo lời xin lỗi

19/08/2016 - 16:39

PNO - Người lãnh đạo, bằng lời nói, bằng việc làm, thường vẫn là người đặt nền móng tư tưởng, lan truyền cảm hứng, tạo động lực để thay đổi bộ máy, cải tổ hệ thống theo hướng tích cực hơn.

Tuần rồi bức ảnh chụp đoàn xe hơi dài dằng dặc chạy trong phố cổ Hội An được chia sẻ và bình luận nhiều trên mạng. Đó là đoàn xe tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Dù ông đã đi bộ vào phố cổ, nhưng sau ông, đoàn xe vẫn nối đuôi nhau chạy trên những con đường quy định cấm xe cơ giới, chỉ dành cho người đi bộ. Thủ tướng đã xin lỗi người dân, mong người dân thông cảm.

Không chỉ là lời xin lỗi đơn lẻ, sau đó hơn một tuần, từ diễn đàn hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính nhà nước hôm 17/8, Thủ tướng đã nhìn nhận lại sự việc này, một cách nghiêm túc. Nhiều ý kiến của ông liên quan đến công tác cán bộ, đến yêu cầu “gần dân, tôn trọng và nỗ lực phục vụ nhân dân”, đến sự chuyển mình của hệ thống cán bộ cấp dưới… đã được dư luận quan tâm liên kết một cách có hệ thống với lời xin lỗi của ông trước đó. Nó cho thấy, người lãnh đạo không phải không biết nhược điểm của hệ thống của mình, và dù lỗi do cấp dưới gây ra, bằng lời xin lỗi của cá nhân, ông nhận lấy trách nhiệm trong một mong mỏi toàn hệ thống sẽ cùng với ông thay đổi, trở nên ngày một tốt hơn.

Theo loi xin loi
Thủ tường Nguyễn Xuân Phúc tại phố cổ Hội An - Ảnh: Internet

Tiếp sau lời xin lỗi của Thủ tướng, tại TP.HCM, một lời xin lỗi khác cũng đã được nói ra một cách thành thực với những người dân đang khiếu nại về quy hoạch, đền bù giải tỏa đất đai thuộc dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Chủ tịch UBND thành phố đã xin lỗi khi không tiếp người dân kịp thời, do công việc liên tục. Nhận trách nhiệm vì “lý ra tôi phải gặp gỡ, tiếp xúc với mọi người sớm hơn”, xin lỗi bà con về “sự trễ nãi” này, và sau một ngày họp để lắng nghe nguyện vọng của dân, tháo gỡ những gút mắc, ông chủ tịch đã trực tiếp giao cho các bộ phận, sở, ngành giải quyết, cụ thể từng việc một.

Hai lời xin lỗi gần nhau về mặt thời điểm đã có tác động tốt đến dư luận xã hội. Một lời xin lỗi để chấn chỉnh kỷ cương, văn hóa hoạt động của hệ thống. Một lời xin lỗi để nhận trách nhiệm giải quyết những tồn đọng gây bức xúc trong dân. “Những người lãnh đạo có bản lĩnh và nghiêm túc”, như bình luận chia sẻ trên mạng, đang khơi dậy trong dân những hy vọng thay đổi.

Vấn đề trước mắt là nắm lấy, giữ lấy đường dây của những lời xin lỗi ấy, để quan sát, để chứng kiến sự thay đổi truyền đi trong hệ thống. Vì quan trọng vẫn là sự thực thi của hệ thống cán bộ từ trung ương đế n cấp cơ sở, hệ thống chuyên viên đông đảo của các bộ, các vụ, các sở, ban ngành. Các cán bộ nhà nước - “công bộc của dân”, sẽ thực hiện những gì, thực hiện như thế nào để lời xin lỗi không bị bỏ quên, để trách nhiệm của lãnh đạo cấp cao với dân được thực thi đầy đủ?

Nếu coi đây là một nét mới trong phong cách lãnh đạo, thì cũng vui. Nhưng thực sự, cũng không nên coi “văn hóa xin lỗi” là chuyện mới mẻ gì nữa. Có lẽ, kỳ vọng của xã hội đang gửi gắm vào chỗ không ai nhận về mình một cái lỗi không sửa được, một trách nhiệm mà thấy trước, thấy chắc chắn rằng sẽ không hoàn thành được. Đã bản lĩnh đứng ra nhận, chắc sẽ làm. Đã nhận bằng chính bản thân mình, ắt hẳn sẽ nỗ lực để thay đổi, kể cả khi có phải huy động đến cả những nỗ lực cá nhân. Cái đuôi dài dằng dặc của đoàn xe tháp tùng Thủ tướng là một hình ảnh mang tính biểu tượng thú vị. Ông Thủ tướng đã đi bộ cách cả cây số, đoàn xe có còn thực sự “hộ tống” ai nữa không?

Sự tụt hậu của “cái đuôi” này là rõ ràng, nhưng bất chấp đã tụt hậu, đã lạc hướng tháp tùng, nó vẫn chạy! Những ai ngồi trong xe ấy? Sao không chịu bước ra ngoài? Sao không chịu cùng đi bộ với người lãnh đạo đang nỗ lực đến gần dân, nói chuyện hỏi han thân tình với người dân trên phố? Và sao cũng không chịu sẻ chia lời xin lỗi của Thủ tướng, không nhận chút trách nhiệm nào về mình? Có phải đây cũng là một “lỗi hệ thống”, khi người đứng đầu muốn làm điều tốt, muốn cải tiến, nhưng hệ thống chưa được tổ chức nghiêm, chặt, chưa được quán xuyến tốt, thì điều tốt cũng không thể được thực hiện một cách chính xác, trọn vẹn như mong muốn. Đôi khi, còn là sự nấp bóng, lợi dụng chủ trương, lợi dụng sự cải tiến để thu lấy cái lợi cho riêng mình.

Việc xin lỗi có hai phần, xin lỗi và tha lỗi. Người nói lời xin lỗi thì đã nói rồi. Nhưng lời “xin” ấy có được chấp nhận không, “lỗi” ấy có được “bỏ qua” không, còn trông nhiều lắm vào việc làm thực tế. Thủ tướng đã khẳng định “công tác cán bộ vẫn là trên hết”, bởi đó là bề mặt tiếp xúc, là dây chuyền triển khai công việc cụ thể ở từng cấp, là sự đụng chạm đến từng người dân, từng hộ gia đình, từng niềm tin yêu mong mỏi hay sự thất vọng, bức xúc trong xã hội. Người lãnh đạo, bằng lời nói, bằng việc làm, thường vẫn là người đặt nền móng tư tưởng, lan truyền cảm hứng, tạo động lực để thay đổi bộ máy, cải tổ hệ thống theo hướng tích cực hơn. Những tín hiệu ban đầu đã có thể khởi lên niềm tin. Mong sao, niềm tin ấy sẽ được giữ gìn, trân quý.

Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI