Theo dõi sát để phát hiện thiếu hoóc môn tăng trưởng ở trẻ

14/10/2023 - 06:24

PNO - Sáng 12/10, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã diễn ra buổi sinh hoạt nhằm giúp phụ huynh nhận biết tình trạng chậm tăng trưởng chiều cao của con.

 

Với những trẻ từ 4 tuổi, chiều cao tăng dưới 6cm/năm thì cần đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời
Với những trẻ từ 4 tuổi, chiều cao tăng dưới 6cm/năm thì cần đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời

Theo bác sĩ Trịnh Thị Kim Huệ - Khoa Thận - Nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cứ 4.000 trẻ sẽ có 1 bé bị thiếu hoóc môn tăng trưởng. Cha mẹ phải theo dõi toàn diện sự phát triển của con thì mới nhận ra các dấu hiệu bất thường ở giai đoạn sớm. Nếu không được phát hiện và điều trị, khi trưởng thành, bé trai chỉ cao từ 1m34-1m46, còn bé gái chỉ cao từ 1m28-1m34. 

Bác sĩ Lương Thị Mỹ Tín - Khoa Thận - Nội tiết cho biết, hầu hết các phụ huynh đưa con tới khám chậm tăng trưởng chiều cao đều không trả lời được câu hỏi bệnh nhi tăng được mấy cm trong vòng 6 tháng hoặc 1 năm qua. Qua đó cho thấy phụ huynh chưa theo dõi toàn diện sự phát triển của con. Trẻ phát triển có bình thường hay không cần dựa trên cả chiều cao, cân nặng, trí tuệ… Với những trẻ từ 4 tuổi, chiều cao tăng dưới 6cm/năm thì cần đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Chị L.T.H., ngụ tại quận 8, thắc mắc rằng tại sao con trai 8 tuổi của mình vận động rất nhiều, dinh dưỡng đầy đủ mà vẫn chỉ cao có 4,5cm/năm. Một phụ huynh khác lại nói rằng cuối tuần đều bắt con tập thể thao đến 3 tiếng nhưng bé vẫn không cải thiện chiều cao. Bác sĩ Trịnh Thị Kim Huệ nhận định, trẻ muốn tăng chiều cao cần luyện tập tối ưu. Nếu chỉ vận động chạy nhảy, vui chơi, đi bộ thì chưa được tính là tập luyện. Muốn tăng chiều cao, phụ huynh cần cho trẻ tập các bài có sức bật, giúp phát triển cơ xương khớp như bơi lội, bóng chuyền, bóng ném, cầu lông, đu xà, bóng rổ, đạp xe… Sau khi tập luyện trẻ phải vã mồ hôi mới đạt yêu cầu. Mỗi ngày trẻ chỉ cần tập 30 phút nhưng đều đặn sẽ đem lại hiệu quả cao. 

Bác sĩ Trịnh Thị Kim Huệ cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng trưởng chiều cao như: yếu tố gia đình, chậm tăng trưởng thể trạng, dậy thì muộn, suy dinh dưỡng từ bào thai, mắc bệnh lý đường ruột mạn tính, các nguyên nhân di truyền, bị chấn động tâm lý trong thời gian dài, mắc bệnh lý toàn thân, suy giáp và thiếu hoóc môn tăng trưởng… Trong đó, trẻ bị thiếu hoóc môn tăng trưởng được Bệnh viện Nhi Đồng 2 ghi nhận không hề ít.  

Tùy nguyên nhân mà bác sĩ sẽ có hướng can thiệp phù hợp. Quan trọng nhất là cần can thiệp cho trẻ trước khi kết thúc giai đoạn dậy thì. Nếu là do bệnh lý toàn thân thì trẻ cần xử trí ổn định bệnh lý đó. Còn nếu xuất phát từ nguyên nhân thiếu hoóc môn tăng trưởng, trẻ sẽ cần bổ sung loại hoóc môn này. Một điều quan trọng hơn cả, phụ huynh cần phối hợp cả yếu tố dinh dưỡng và luyện tập tối ưu song song với tiêm hoóc môn tăng trưởng. Can thiệp đúng thời điểm và tuân thủ điều trị, trẻ được tiêm hoóc môn tăng trưởng sau 1 năm đầu có thể cao thêm được 10 - 12cm. 

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, hoóc môn tăng trưởng ở trẻ em tiết ra nhiều nhất từ 22 giờ đến 1 giờ sáng. Hoóc môn này sẽ bắt đầu tiết ra sau khi trẻ ngủ 1 tiếng. Chính vì vậy, phụ huynh không nên để trẻ thức khuya kẻo bỏ lỡ mất cơ hội tăng chiều cao.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI