Theo dấu Sài Gòn qua những bức tranh ký họa

26/11/2020 - 07:02

PNO - Vẽ không chỉ vì đam mê mà vẽ còn để lưu giữ những ký ức của đường phố. Đó cũng chính là lý do để triển lãm "Theo dấu Sài Gòn" của nhóm Việt Nam Du Họa Ký ra đời.

Bắt đầu vẽ lại trong vòng 2 năm trở lại đây, với anh Đức Trọng - trưởng nhóm Việt Nam Du Họa Ký, đó là một sự tình cờ.

“Lúc trước mình là sinh viên kiến trúc và cũng vẽ khá nhiều. Mình từng nghỉ vẽ một thời gian dài cho đến khi thấy những bức ký họa đường phố của một người anh. Mình bắt đầu vẽ lại. Mình tìm những người cùng sở thích đi đây đi đó để vẽ và từ đó, Việt Nam Du Họa Ký ra đời” - anh cho biết.

Anh Đức Trọng, trưởng nhóm Việt Nam Du Họa Ký
Anh Đức Trọng, trưởng nhóm Việt Nam Du Họa Ký

Được thành lập từ đầu năm nay, khác với các câu lạc bộ, đội nhóm vẽ chuyên nghiệp khác, Việt Nam Du Họa Ký chọn cách ký họa để lưu giữ những hình ảnh của đường phố. Ngoài ký họa bằng chì, một số tác phẩm còn được ký họa bằng màu nước. Theo anh Trọng, những phác thảo gọn lẹ trong quá trình di chuyển không chỉ thể hiện khả năng nắm bắt mà còn phô bày kỹ thuật của người vẽ.

Chính vì lẽ đó, thành viên của Việt Nam Du Họa Ký đa số là sinh viên thích tìm tòi và có khả năng tốc họa. Ngoài sinh viên trường Mỹ thuật, nhóm còn có các sinh viên đến từ Kiến trúc, Bách khoa. Từ con số khoảng 20 thành viên ban đầu, hiện tại Việt Nam Du Họa Ký có đến gần 100 thành viên từ Bắc chí Nam.

Hơn 70 bức tranh của Việt Nam Du Họa Ký tại triển lãm là hơn 70 câu chuyện. Đó là những góc phố mà ngày nào chúng ta cũng đi qua nhưng dường như chẳng ai để ý. Đó là những công trình vô cùng quen thuộc nhưng ngoài những góc nhìn cũ kỹ, nếu chịu khó tìm tòi, bạn sẽ phát hiện ra những điều mới lạ. Nhìn mọi thứ kỹ hơn để vẽ là cách mà Việt Nam Du Họa Ký lưu giữ những ký ức của phố Sài Gòn.

Ký họa Hồ con rùa, Nhà thờ Đức Bà, Tu viện nữ tu Bác Ái và Nhà thờ Ngã Sáu
Ký họa Hồ Con Rùa, Nhà thờ Đức Bà, Tu viện Nữ Tử Bác Ái và Nhà thờ Ngã Sáu

Kể về một buổi ký họa đáng nhớ, theo anh Trọng, có lẽ đó chính là buổi ký họa tại quận 1. “Họ là một nhóm người Ấn Độ từ Biên Hòa lên. Họ vẽ rất thoải mái và say mê. Được biết, tuần nào họ cũng tìm địa điểm để vẽ. Khi thì ở Sài Gòn, khi thì các tỉnh lân cận. Nó chính là động lực để mình và nhóm đi và vẽ nhiều hơn” – anh kể.

Triển lãm lần này với anh Trọng và nhóm được xem là một sự tổng kết. “Mình muốn có một cuộc gặp mặt dành cho nhóm. Đáng lẽ triển lãm này được tổ chức từ giữa năm nhưng vì tình hình dịch bệnh nên bây giờ mới thực hiện được. Tuy gấp nhưng anh em đều cố gắng góp tranh cho triển lãm” - anh chia sẻ.

Theo anh Trọng, anh cảm thấy tiếc vì nhiều công trình kiến trúc độc đáo đã không còn. Các dãy phố hoài niệm được thay bằng những tòa cao ốc chen chúc. Hay khu Ba Son lịch sử giờ cũng đã biến mất.

Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, Đình Phong Phú
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, đình Phong Phú
Một góc phố trên đường Pasteur, Chùa Pháp Hoa
Một góc phố trên đường Pasteur, chùa Pháp Hoa
Bờ sông Sài Gòn, Hội trường Thống Nhất
Bờ sông Sài Gòn, Hội trường Thống Nhất

Triển lãm diễn ra tại Thương Library (12T3 Nguyễn Thị Minh Khai, Đa Kao, quận 1) đến hết ngày 29/11. Trong thời gian sắp tới, ngoài việc tiếp tục vẽ, Việt Nam Du Họa Ký sẽ lên một danh sách các địa điểm độc đáo của Sài Gòn để tổ chức các buổi tham quan và ký họa. Hoạt động được diễn ra hàng tuần và miễn phí dành cho những ai đam mê ký họa đường phố.

Tấn Đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI