|
Bình yên Bagan |
1. Chuyến xe đêm từ Yangon đến Bagan chạy đúng 8 tiếng. Chúng tôi chọn nhà xe JJ Express, giá có cao hơn so với các hãng xe khác nhưng uy tín và tiện nghi. Đêm sâu, chập chờn giấc ngủ gà gật vậy mà đến nơi, chúng tôi không về khách sạn ngay mà tranh thủ đi ngắm mặt trời mọc. Vé vào khu bảo tồn là 25.000 Kyats/người (hơn 400.000 đồng) nhưng rất xứng đáng.
Bước ra khỏi taxi ở điểm dừng mua vé, bất chợt tôi ngửi thấy một mùi hương trong gió. Thoáng chút ngỡ ngàng trước mùi hương quen mà lạ, nhìn quanh quất, tôi không phát hiện cây nào đang trổ hoa. Hương hoa hơi giống lài nhưng nhẹ, mềm, thoảng ngọt, quấn quýt trong gió sớm khiến tôi bâng khuâng. Rồi tôi quên mau khi vào lại xe và xuýt xoa với cảnh đẹp hai bên đường. Tháp cổ màu vàng sậm thấp thoáng trong màu cây xanh, đẹp đến nao lòng.
Vào Shwesandaw Pagoda (ngôi chùa Phật giáo cao nhất ở Bagan, là nơi nhiều du khách chọn để ngắm mặt trời), tôi cố trèo lên nơi cao nhất, mấy lần định bỏ cuộc vì bậc cấp quá cheo leo, lại thêm máy ảnh vướng víu.
Thế nhưng, lên đến nơi, tôi mới thấy công mình bỏ ra không uổng. Tứ bề, một “biển” tháp cổ đẹp kỳ vĩ, huyền ảo. Bấm máy lia lịa nhưng tôi biết không tấm ảnh nào miêu tả hết vẻ đẹp của Bagan - nơi tôi đang ngắm một bình minh có nắng rất vàng mà tôi không biết là màu tháp cổ phản chiếu hay nắng Bagan luôn vàng như thế.
|
Bên trong đền Ananda |
Từng là kinh đô của một đế chế hùng mạnh nhất Đông Nam Á, Vương quốc Bagan tồn tại từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIX. Thời hoàng kim, vương quốc này đã có tới 4.000 ngôi chùa, đền và tu viện. Hiện vẫn còn khoảng hơn 2.000 di tích, thu hút khách du lịch khắp nơi đổ về mỗi ngày.
Buổi sáng, chúng tôi “lướt” qua những ngôi chùa, ra bờ sông, vào một khu tháp, gặp một thanh niên bản xứ tên Ji. Chỉ một loạt tháp, Ji nói với chúng tôi, trong vùng bảo tồn không có nhà dân. Mỗi khu tháp có một gia đình giữ tháp sống trong những ngôi nhà nhỏ gần đó.
Buổi chiều, chúng tôi quyết định trở lại Shwesandaw để ngắm mặt trời lặn. Có hàng ngàn ngôi tháp có tên và không tên ở khắp nơi. Tham quan Ananda Temple, một ngôi đền rất đẹp, gây ấn tượng mạnh, tôi cảm thấy mình quá nhỏ bé giữa không gian trần cao chót vót với mấy ngàn tượng Phật trong từng hộc to, nhỏ kéo dài từ dưới lên đỉnh. Thời gian như ngừng lại..
Gần đến Shwesandaw, chúng tôi gặp một nhóm thanh niên đứng bên đường, bảo rằng ở Shwesandaw đang đông người lắm. Một người vui vẻ đề nghị đưa chúng tôi đến một nơi khác yên tĩnh, ít người, ngắm hoàng hôn sẽ đẹp hơn.
Tháp không có tên. Để lên được nơi cao nhất, chúng tôi phải chui qua lối đi hẹp, tối, ngoằn ngoèo, lởm chởm gạch, cát. Chân đất (ở Myanmar, khi vào bất cứ đền, chùa... du khách đều phải bỏ giày dép bên ngoài dù đó là một ngôi tháp đổ nát), có lúc giẫm phải một cục gạch nhỏ đau điếng, tôi giật mình, quên mất nỗi sợ. Thoát ra khỏi vùng bóng tối là bầu trời trong xanh và nắng như nhuộm vàng cỏ cây.
Trên bầu trời phía đông, dải mây đen chầm chậm kéo về hướng chúng tôi. Người dẫn đường vừa nói chắc là sẽ có mưa, tức thì mưa lác đác rồi nặng hạt. Chúng tôi chia nhau núp trong mấy cái chóp. Tôi ngồi bệt xuống nền ngắm mưa rồi bấm máy lia lịa, đẹp đến ngộp thở.
Mưa ngớt dần, bầu trời sáng từ từ và nắng rực một màu vàng tươi. Lúc đó là 7 giờ tối theo giờ Việt Nam nhưng Bagan vẫn còn một màu nắng rất vàng và mùi hương ngọt ngào, bí ẩn, lúc này đậm hơn mà vẫn dịu mềm, phảng phất liêu trai.
|
Các hộc tượng Phật bên trong đền Ananda từ dưới lên đến trần |
2. Có lẽ tôi sẽ quên luôn mùi hương kỳ lạ ở Bagan nếu không có buổi chiều cuối cùng ở Mandalay, tôi bắt xe ôm đi “vét” vài nơi. Một trong những nơi ấy là chùa Kuthodaw, còn gọi là The World’s Biggest Book, ngôi chùa đặc biệt gồm những đền, chùa và 729 tháp nhỏ bằng đá màu trắng. Bên trong mỗi tháp có một phiến đá khắc thủ công Tam Tạng kinh của đức Phật bằng tiếng Pali. Chùa xây dựng năm 1857, việc khắc chữ bắt đầu vào năm 1860 và mất 8 năm để hoàn thành. Giả định vui, nếu đọc miệt mài 8 tiếng mỗi ngày, du khách phải mất đến 450 ngày mới đọc hết các bia đá đó.
Lúc tôi đang thơ thẩn thì một cô bé đến bên và hỏi tôi có muốn ngửi một mùi hương đặc biệt. Tôi chưa trả lời thì cô bé ấy đã đến bên một cái cây, hái rồi thả vào lòng bàn tay tôi những bông hoa nhỏ xíu nhẹ tênh, màu trắng, chính giữa hoa có một cái búp, bao quanh là cánh làm thành vòng tròn răng cưa. Đúng là mùi hương tôi gặp ở Bagan. Tôi đặt những bông hoa xuống ghế đá và chụp hình lại.
Quay về Yangon, tôi đưa hình, hỏi tài xế taxi mới biết tên hoa là “star”. Anh ta bảo rằng hoa này có khắp nơi ở Myanmar.
Về nhà, tra Google, tôi phát hiện nhiều thú vị. Logo ASEAN năm 2014 tại Myanmar có hình vòng tròn hoa star quanh biểu tượng ASEAN, với ý nghĩa sự liên kết của các “bánh răng” sẽ là động lực cho hòa bình, thịnh vượng và phát triển của khu vực. Mùi hương của hoa gợi nhớ xa gần, cả khi nó đã héo. Vì vậy, giống như sự bền bỉ của mùi hương, khả năng phục hồi của người dân ASEAN vẫn mạnh mẽ ngay cả trong thời điểm khó khăn.
Tôi tra tên thực vật thì phát hiện đó là cây viết, còn gọi là sến xanh, sến cát - một loại cây đô thị lấy bóng mát, được trồng nhiều ở các thành phố Việt Nam.
Tôi “quần nát” Google về cây viết. Ấn tượng chỉ là những trái nhỏ màu cam rất quen, chắc chắn tôi đã thấy nhiều lần trong đời. Ở Sài Gòn, tôi mất buổi sáng Chủ nhật chạy xe vào quận 5 (TPHCM) để tìm cây viết. Sẵn dịp về Nha Trang, tôi tìm gặp một chuyên gia về cây xanh đô thị và được nghe giải thích đây là loại cây có dáng đẹp, tán rộng, lá ít rụng nhưng hay bị sâu đục thân nên thành phố đã thay một phần cây này, hiện còn rất ít.
|
Cô thợ may cài hoa star trên tóc. Hình chụp trong chợ Bagan |
Tôi đến những con đường có cây viết theo chỉ dẫn. Hôm ấy mưa nhỏ nên hoa rụng nhiều. Đúng là những cánh hoa mà cô bé ở chùa Kuthodaw đặt vào tay tôi và mùi hương của nó khó mà quên được. Khi chạy xe về gần đến nhà, tôi phát hiện cách nhà mình khoảng 50m có đến 3 cây viết. Tôi dừng xe lại lượm một nhúm bông đem về phòng, để trên bàn làm việc. Mùi hương ngọt dịu quấn quýt, nắng vàng Bagan và những con đường ở Mandalay như đang lướt qua rất chậm.
Trở lại Sài Gòn, tôi còn gặp cây viết trên đường Hồ Văn Huê. Hàng cây chạy dài ôm qua Hoàng Văn Thụ hướng Tân Sơn Nhất, xanh um, tươi tốt. Thậm chí, có một cây xòe tán thật to ngay đầu hẻm vào lăng Võ Tánh, nơi tôi đi bộ mỗi sáng. Nơi tôi thường đứng đón xe buýt cũng là dưới một tàng cây viết tỏa bóng sum suê.
Bây giờ thì tôi đã quá… rành về cây viết. Tôi “gặp” nó trên nhiều đường phố Sài Gòn: Phan Đăng Lưu, Phan Xích Long, Lê Văn Khương, làng đại học Thủ Đức… Vậy nhưng thật khó để cảm nhận sự hiện diện của một mùi hương khi đường phố lúc nào cũng ồn ã, bụi bặm, khói xe và dường như chẳng ai quan tâm đến sự tồn tại của những bông hoa nhỏ xíu đó.
Mở lại album, tôi thấy rất nhiều hình ảnh có loài cây này trong những thành phố tôi đã đi qua ở Myanmar. Tôi bật cười nghĩ về hành trình “giải mã một mùi hương”. Đôi khi, người ta phải đi một quãng đường thật dài mới phát hiện ra điều thú vị đã có từ lâu, ngay bên cạnh mình.
Bài và ảnh: Đào Thị Thanh Tuyền