Theo con một quãng đường đời cần thiết không phải là "úm con"

17/02/2022 - 13:30

PNO - Thay đổi môi trường sống với người lớn cũng là cả vấn đề, huống chi với các cô cậu thanh niên chưa từng va chạm khó khăn. Cái dắt tay của cha mẹ lúc này là cần thiết.

 

Theo dõi báo Phụ Nữ Online và các diễn đàn làm cha mẹ trên mạng xã hội sau những thông tin thời sự chấn động, tôi không đồng không ý với bà mẹ Vân Đặng trong bài viết Con đã lớn, có thể vào thành phố một mình.

Chị Vân Đặng cho rằng, 18 tuổi là con gái có thể xoay xở giữa thành phố lớn, giống như chị vào Sài Gòn thi đại học ngày trước. Tôi thì nghĩ, cô học trò 18 tuổi không gặp chuyện gì nguy hiểm ngoài việc kẹt xe trước giờ thi, đó là một may mắn, nhưng không phải ai cũng được như vậy. Về việc này, tôi đồng quan điểm với tác giả Thanh Tuyền: đừng vội "thả con" vào thành phố một mình. Theo con một quãng đường đời cần thiết không phải là "úm con".

Lúc con trai tôi vào đại học, trong lúc chờ thủ tục vào ký túc xá, con ở tạm nhà bác để đi học. Ở quê, tôi đã tập cho con chạy xe máy, nhưng đường xá Sài Gòn không dành cho chàng thanh niên lơ ngơ như con. Tôi thuê xe ôm đưa đón con đi học.

Con trai tôi học rất giỏi, nhưng không có nghĩa là ra đời cũng giải quyết giỏi mọi vấn đề. Con như con gà công nghiệp, quen mọi thứ có sẵn nên lúc thả vào rừng lập tức lộ điểm yếu.

Con tan học, không thấy bác xe ôm liền gọi về cho mẹ. Về nhà, bác khóa cửa đi chợ, con gọi mẹ. Ký túc xá gọi nhận phòng mà con bận học quân sự, gọi mẹ…

Tất tần tật chuyện lớn nhỏ con đều gọi mẹ khiến tôi vừa thương vừa tội nghiệp con. Mỗi lần thấy cuộc gọi của con, tim tôi giật thon thót, lo lắng không biết xảy ra chuyện gì. Mà dù con gặp bất cứ chuyện gì tôi cũng hướng dẫn con giải quyết. Tôi chưa bao giờ chê bai hay la mắng con “chuyện nhỏ xíu cũng phiền mẹ”. Tôi cũng chưa bao giờ từ chối, mặc kệ con với vấn đề của mình.

Ba mẹ đừng bao giờ để con bơ vơ một mình (Ảnh minh họa)
Đừng bao giờ để con bơ vơ một mình (Ảnh minh họa)

Chim non cần tập bay, không thể quăng con vào khoảng không rồi hy vọng phép màu sẽ giúp nó bay ngon lành.

Lúc vào ký túc xá nhận phòng, gọi cho tôi, con nói: “Phòng nhỏ xíu mà đầy nhóc người luôn mẹ, chắc… không đủ ô xi để thở luôn”.

Tôi bảo con, hồi xưa mẹ đi học cũng ở y vậy, có sao đâu. Ở chung với bạn bè con sẽ học cách giao tiếp, văn hóa vùng miền, học cách tồn tại trong môi trường tập thể… Con đang đi học, chưa làm ra tiền thì không nên đòi hỏi phòng ở tiện nghi. Ba mẹ chỉ là công chức, chỉ lo cho con được tới đó… May là con hiểu ra và chịu ở ký túc xá.

Chuyện đi lại của con cũng là cả vấn đề. Mấy tháng đầu con đi xe buýt đến trường, sau con quá giang xe máy của bạn. Thỉnh thoảng con tự mình cầm lái chở bạn. Thấy con lái quen tay, tôi mới mang xe máy lên cho con. Mọi thứ con phải học lại từ đầu và làm quen dần. Mọi bài học đều cần thiết và bổ ích.

Nhiều người nói rằng cứ thả con ra, trải vài lần va vấp, tất yếu con sẽ... khôn. Nhưng thả con không có nghĩa là buông tay con ngay lập tức. Cái dắt tay của ba mẹ khi con còn chập chững là cần thiết, để con biết mình không bị bỏ rơi, bơ vơ một mình. Thay đổi môi trường sống với người lớn cũng là cả vấn đề, huống chi với thanh niên chưa từng va chạm khó khăn.

Anh bạn tôi hiếm muộn, ngoài 40 tuổi vợ chồng anh mới sinh được con trai nên cưng như vàng. Con vào đại học, anh thuê nguyên căn nhà cho con ở, sắm cả máy lạnh, tivi… Mỗi tuần anh đều mang đồ ăn lên cho con, dọn dẹp phòng trọ. Được nửa năm, anh oải nên bảo con rủ một bạn về ở cùng để bạn bè bảo ban nhau. Được vài tháng, anh “bẻ kèo” vì bạn con cũng công tử bột y hệt con anh. Hai đứa bày cái nhà y hệt... ổ heo.

Tâm sự với tôi anh buồn rũ. Ai cũng nói anh chiều con quá đáng nhưng anh đã dạy dỗ, năn nỉ, thuyết phục đủ bài rồi. Con vẫn như cây kiểng còi, không chịu lớn, anh biết làm sao. Rồi một bữa con trai ra đường mua trà sữa, nó ngạc nhiên thấy anh ngồi bên vệ đường. Anh nói định lên xe về mà đuối quá, ngồi nghỉ một lát sẽ đi. Hình ảnh người cha bơ phờ trong buổi chiều muộn đó có lẽ đã đánh thức tình cha con trong cậu thanh niên. Con dặn anh đừng lên nữa, nó sẽ tự lo, tự dọn phòng…

Con cái là sản phẩm của ba mẹ, do ba mẹ nhào nặn nên. Ba mẹ tạo ra sản phẩm lỗi thì phải cùng con sửa chữa phần lỗi ấy, đừng thấy người khác thả con vào đời thì cũng hy vọng cuộc đời sẽ dạy dỗ con mình thành công.

Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Cha mẹ hiểu con đang đứng đâu trên đường đời để dắt con đi hoặc đi cùng con một quãng. Dạy con nhà mình chưa bao giờ dễ dàng như “con nhà người ta”.

                                                                                                                                                                                                                                                               Yến Phượng (Đồng Tháp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI