Trải nghiệm trồng rừng
Đoàn khách Nhật gồm 30 người với đủ độ tuổi từ 20 đến 50 háo hức tham gia tour trồng rừng, nghỉ dưỡng trong ba ngày với chi phí trọn gói đến... 1.000-1.100 USD/người. Sau khi nghe Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ (TP.HCM) hướng dẫn cách trồng mầm đước, cả đoàn đi tới điểm trồng rừng.
11 giờ, trời nắng như đổ lửa, đoàn khách men theo con đường đất đỏ dài 4km, tiến sâu vào Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ thuộc xã An Thới Đông, H.Cần Giờ cùng các dụng cụ lỉnh kỉnh chuẩn bị trồng 750 cây mầm xuống rừng phòng hộ. Mỗi người tự trang bị nón lá, khăn rằng, chai nước, ủng và không quên cầm theo 25 cây mầm trên tay. Mồ hôi đẫm trên mặt, đôi má ửng hồng, chị Akina (25 tuổi) thở phào nói: “Rất mệt nhưng vui. Chắc chắn vài năm nữa, tôi sẽ quay lại đây để thăm những cây mầm mình đã tự tay trồng”.
|
Du khách Nhật đổ mồ hôi, lội bùn trồng mầm đước ở Cần Giờ |
Rành rẽ hơn chị Akina, bởi đã hai lần tham gia hoạt động trồng rừng, anh Michio (28 tuổi) nhanh chóng chỉnh lại ủng, tháo bao mầm đước, mang dụng cụ đào đất và bước đến vị trí mà nhân viên rừng phòng hộ đã hướng dẫn. Mỗi mầm đước được ghim xuống bùn chỉ từ 3-4cm, phần gốc to hơn được cắm xuống dưới để ngọn hướng lên trên, mỗi người trồng 25 mầm, mất khoảng 30 phút. Một vài khách nữ chưa quen lội bùn nên chệnh choạng, suýt ngã khiến cả đoàn nhiều phen cười ồ. Xong việc, cả đoàn lại lội sình quay trở lại điểm tập kết, mặc cho quần áo lấm lem, mồ hôi nhễ nhại, nhiều người vẫn tươi cười bước lên xe trong trật tự.
Đây là đoàn khách Nhật làm việc tại công ty Fujifilm Nhật Bản. Công ty đã đặt yêu cầu về tour du lịch này thông qua một công ty du lịch của Nhật kết hợp với Công ty Fiditour tổ chức tour trồng rừng. Anh Suzuki Iohei - Phó chủ tịch Công đoàn công ty Fujifilm cho biết: đây là tour du lịch vì cộng đồng được công ty tổ chức thường xuyên cho nhân viên.
Trước đó, công ty cũng có đoàn đến trồng rừng tại Trung Quốc và dự kiến sẽ tổ chức hai đoàn đến Việt Nam, tham gia phủ xanh rừng phòng hộ Cần Giờ. Theo anh Iohei, những năm gần đây, nhiều công ty Nhật có xu hướng tổ chức các tour tham quan kết hợp làm thiện nguyện, vì môi trường, vì cộng đồng và Fujifilm cũng không ngoại lệ. Điều vui nhất là hầu hết nhân viên hưởng ứng tích cực vì “chuyến đi rất có ích”.
Một ngách nhỏ mở ra xu hướng nhân văn
Trực tiếp hướng dẫn các đoàn khách quốc tế đến tham quan và trồng rừng tại rừng phòng hộ, anh Trần Trọng Hưng - Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục môi trường và Du lịch sinh thái rừng phòng hộ Cần Giờ chia sẻ: “Những năm gần đây, các đoàn học sinh các cấp từ tiểu học, THPT và sinh viên đến từ các nước Mỹ, Úc, Singapore… cũng chọn nơi đây làm điểm đến, ngoài trồng cây gây rừng, được giáo dục hệ sinh thái, giao lưu tìm hiểu đời sống sinh hoạt của hộ dân trong rừng, họ còn được thưởng thức đặc sản rừng như gỏi lá lìm kìm, cá kèo, khô cá dứa…
|
Một tour du lịch trồng dừa nước |
Theo anh Hưng, trung bình mỗi năm, rừng phòng hộ đón từ 5.000-6.000 lượt khách quốc tế và có xu hướng tăng từng năm. Đây là tour khá đặc biệt bởi đòi hỏi khách phải bỏ thời gian và công sức nhưng hầu hết khách tham gia đều hài lòng với ý nghĩa công việc mình đã làm.
Nhận định về thị trường tour này, đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho rằng, các công ty du lịch chưa xem đây là thế mạnh nên nhiều du khách khi được hỏi vẫn thiếu thông tin về các tour như thế. Thông thường, khách phải thông qua một công ty du lịch ở nước sở tại kết hợp với công ty du lịch Việt Nam để mở tour.
Mỗi năm đón từ 30-40 đoàn khách quốc tế đến Việt Nam tham gia tour du lịch vì cộng đồng, ông Trần Thế Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty Fiditour nhận định: “Đây là tour khai thác thị trường ngách, dành cho những khách và nhóm khách có chung tấm lòng, sở thích. Do đó khâu quảng bá, tiếp cận nguồn khách không thể đại trà như các tour thông thường. Tuy vậy, vài năm gần đây, du khách tham gia các tour có tăng hơn trước”.
Nói về chiều hướng phát triển của loại tour kén khách này, đại diện Công ty Du lịch Vietravel cho rằng: “Tour phải tổ chức đúng chỗ, đúng lúc, đúng người mới mang lại hiệu quả, tạo niềm tin cho người làm và giúp đúng đối tượng cần giúp, đặc biệt các hãng lữ hành phải khảo sát kỹ càng và chuẩn bị đầy đủ thủ tục từ địa phương đến cách tiếp cận người dân”.
Thu Hồng