Theo chân những người “nghe nước thở”

06/06/2024 - 07:51

PNO - Địa bàn quản lý của Công ty cổ phần cấp nước Gia Định có tổng chiều dài mạng lưới ống khoảng 654 km, nhưng ít ai biết để mạng lưới này hoạt động xuyên suốt luôn có những con người ngày đêm thầm lặng đi nghe từng “nhịp thở” của nước.

Khi những con đường thành phố ngập trong ánh đèn cao áp và thưa bóng người thì cũng là lúc những người công nhân dò bể ngầm của Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định bắt tay vào công việc thường nhật của mình, đó là dò tìm và phát hiện những điểm rò rỉ trên mạng lưới cấp nước. Công việc của các anh bắt đầu từ 22g và kết thúc vào 4g sáng ngày hôm sau - cái giờ mà mọi người đang chìm trong giấc ngủ.

Các công nhân đang dò tìm rò rỉ nước sạch trong đêm khuya tại quận 3 - ẢNH: BÍCH ĐINH.
Các công nhân đang dò tìm rò rỉ nước sạch trong đêm khuya tại quận 3 - Ảnh: Bích Đinh

Công việc của các anh luôn phải đeo máy trên tai nên thường được mọi người gọi vui là những “bác sĩ” chuyên khám và trị bệnh cho hệ thống cấp nước, đảm bảo nguồn nước cho người dân thành phố. Ngoài ra, các anh còn được người trong ngành tặng cho sáu chữ “Ăn cơm trời - làm việc đất” vì lúc nào cũng phải cúi mặt xuống để lắng nghe từng âm thanh nhỏ phát ra từ lòng đất.

Để phát hiện những điểm bể ngầm, các anh phải sử dụng máy dò bể loại khuếch đại âm thanh gồm: tai nghe, bộ đế cảm biến rà trên mặt đất và bộ thiết bị khuếch đại âm thanh có hiển thị tần sóng âm. Để phát hiện được một điểm rò rỉ đòi hỏi người công nhân dò bể phân biệt hàng trăm âm thanh xuất phát từ lòng đất như: tiếng nước chảy trong cống, tiếng máy bơm nước, tiếng máy điều hoà nhiệt độ… tạo thành một mớ âm thanh hỗn độn. Nhiều lúc các anh phải mò mẫm, nghe đi nghe lại nhiều lần và phải hết sức tập trung mới phát hiện chính xác điểm rò rỉ. Bên cạnh đó, người công nhân còn dựa vào thang sóng âm thanh để xác định vị trí có nguồn nước chảy lan truyền trong lòng đất.

Ảnh 2: Công nhân ngụp lặn dưới nước khắc phục điểm bể - ẢNH: PHÚC KHANG
Công nhân ngụp lặn dưới nước khắc phục điểm bể - Ảnh: Phúc Khang

Theo chân các anh, tôi mới thấy được những khó khăn và nguy hiểm mà các anh phải đối diện hàng ngày như: xe cộ trên đường, đôi khi người dân còn hiểu lầm các anh là những đối tượng chuyên dán rao vặt trên đường…

Anh Nguyễn Trung Hiếu, người có kinh nghiệm gần 20 năm trong nghề dò bể kể: “Cách đây 3 năm, khi thành phố bị đại dịch COVID-19 hoành hành. Trong khi tại hẻm 48 Hồ Biểu Chánh, phường 11, quận Phú nhuận đã 2 ngày người dân không có nước máy sử dụng. Anh cùng 2 đồng nghiệp đã quyết định mặc đồ bảo hộ phòng chống dịch vào khu vực bị cách ly dò tìm từng con hẻm, đến từng nhà dân để tìm khắc phục cho được sự cố”.

Ban giám đốc và tổ chức công đoàn thăm và tặng quà cho công nhân dò bể - ẢNH: PHÚC KHANG
Ban giám đốc và tổ chức công đoàn thăm và tặng quà cho công nhân dò bể - Ảnh: Phúc Khang

“Dù biết nguy hiểm nhưng trước nhu cầu cấp bách của người dân, chúng tôi bằng mọi giá phải đảm bảo nguồn nước cho người dân” - anh Hiếu nói.

Công việc của các anh lấy đêm làm ngày nhưng không thể lấy ngày để bù đủ cho đêm vì khi người dân cần thì dù bất cứ nơi đâu, giờ nào các anh cũng phải có mặt giải quyết sớm nhất sự cố. Dù khó khăn, vất vả nhưng không vì thế mà các anh bỏ nghề, vì trong mỗi các anh luôn tự hào cái nghề của mình đã góp phần mang đến sự bình yên cho người dân thành phố.

Tác phẩm dự thi cuộc thi viết với chủ đề “Vẻ đẹp của nước” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, số 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM ; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Vẻ đẹp của nước” hoặc gửi qua Email toasoan@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Vẻ đẹp của nước”.
Cơ cấu giải thưởng

- 1 giải Nhất: trị giá 10 triệu đồng.

- 1 giải Nhì: trị giá 6 triệu đồng.

- 2 giải Ba: mỗi giải trị giá 4 triệu đồng.

- 8 giải Khuyến khích: mỗi giải trị giá 2 triệu đồng.

Lưu ý: Người nhận giải sẽ chịu các loại thuế, phí liên quan theo quy định hiện hành.

Phúc Khang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI