Theo chân những người dùng “mồi người” bắt muỗi

30/03/2025 - 06:45

PNO - Đến ngày, các nhân viên ở Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) lại lên đường thực hiện nhiệm vụ đặc biệt: bắt muỗi!

Trắng đêm

Công việc bắt muỗi diễn ra theo định kỳ 2 lần mỗi tháng. Địa điểm bắt muỗi được lựa chọn dựa trên các yếu tố dịch tễ, trong đó, huyện Cần Giờ và Nhà Bè - 2 khu vực từng có lịch sử lưu hành bệnh sốt rét - phải giám sát thường xuyên.

16g, từ trung tâm thành phố, các nhân viên lên đường về xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ. Dụng cụ họ mang theo là đèn pin, ống nhốt thủy tinh, bông gòn... 18g họ đến nơi và nghỉ chân tại Trạm Y tế xã. Anh Trần Đăng Khoa - thành viên của nhóm - kiểm tra lại dụng cụ và giải thích: “Muỗi sốt rét hoạt động mạnh từ 19 - 22g, nên mình phải đi sớm để kịp chuẩn bị”.

Công việc thầm lặng giữa đêm của những người “săn muỗi”
Công việc thầm lặng giữa đêm của những người “săn muỗi”

Chị Trần Thúy Loan - 25 tuổi, thành viên nữ của nhóm - hào hứng chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học tại Trường đại học Mở TPHCM. Lúc tôi mới vào nghề, ba mẹ tôi rất lo con gái làm nghề nguy hiểm. Nhưng càng làm, mình càng yêu công việc này. Nó không chỉ giúp mình có cơ hội làm việc đúng chuyên môn mà còn có ích cho cộng đồng”.

Tương tự, chị Nguyễn Khánh Linh - 31 tuổi - sau khi tốt nghiệp ngành vi sinh, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM), đã bén duyên với nghề một cách tình cờ. “Mình thấy HCDC tuyển dụng vị trí này nên thử sức. Công việc rất cực, nhưng cứ nghĩ đến làm việc có ích thì mình lại có thêm động lực. Gia đình ủng hộ nhưng cũng lo lắng vì nguy cơ lây bệnh luôn hiện hữu”.

18g30, nhóm bắt đầu di chuyển đến chuồng bò của một nhà dân để “săn” muỗi. Mùi ngai ngái xộc vào mũi. Các nhân viên y tế đi quanh chuồng gia súc để tìm những ngóc ngách tối tăm, nơi muỗi trú ngụ. Trời có gió lớn nên sau gần 1 tiếng họ vẫn chưa bắt được con muỗi nào. Với hơn 10 năm kinh nghiệm, anh Khoa cho biết, khu vực này rất nhiều muỗi, có hôm “trúng mánh”, bắt được 50-60 con, nhưng cũng có hôm không có.

Hơn 1 tiếng đồng hồ tìm kiếm không bắt được con muỗi nào, 3 nhân viên y tế chia nhau mỗi người ngồi một góc, xắn ống quần đến đầu gối chờ muỗi đến. Trời yên gió được lúc thì có tiếng muỗi vo ve. Cả chục con muỗi bám vào chân nhưng anh Khoa vẫn không nhúc nhích.

Phát hiện có con muỗi truyền bệnh sốt rét đang “say” mồi, anh Khoa cầm ống nghiệm chụp gọn rồi dùng bông gòn nút lại. Mỗi ống nghiệm nhốt từ 3-5 con muỗi. “Muỗi bắt được phải còn sống, không gãy chân, gãy cánh để định loại và phân tích mẫu khi cần” - anh Khoa giải thích. Gần 23g, cả nhóm “thu hoạch” được 20 con muỗi.

Nhiều rủi ro

Các cán bộ y tế trực tiếp tham gia bắt muỗi phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, sốt xuất huyết. Để giảm thiểu rủi ro, họ được yêu cầu uống thuốc dự phòng sốt rét trước khi thực hiện nhiệm vụ. May mắn là đến nay nhóm chưa ghi nhận trường hợp nào bị sốt rét trong quá trình “làm mồi” cho muỗi.

Ngoài phương pháp “mồi người”, săn muỗi còn có nhiều cách khác như soi đèn, mắc màn... Nhưng theo ông Mai Xuân Phán - Phó trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính, HCDC - cả 2 phương pháp này đều có hạn chế. Soi đèn sẽ mất nhiều công sàng lọc, muỗi dễ bị chết hoặc gãy cánh, ảnh hưởng đến việc phân tích mẫu.

Trong khi đó, phương pháp mắc màn đòi hỏi không gian rộng, khó triển khai ở nhiều khu vực. Vì vậy, phương pháp dùng người làm mồi vẫn được đánh giá là hiệu quả nhất, nhất là trong những không gian hẹp và cần thao tác nhanh chóng. “Để thực hiện công việc này, nhân viên y tế phải có kinh nghiệm, luôn tỉnh táo và tập trung cao độ. Quan trọng nhất là canh đúng thời điểm để bắt muỗi, tránh để chúng đốt quá sâu có thể gây lây nhiễm bệnh” - ông Mai Xuân Phán nói.

Không chỉ đối mặt với rủi ro về sức khỏe, nhóm bắt muỗi còn gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười trong quá trình tác nghiệp. Có khi đang chăm chú bắt muỗi thì bò đi vệ sinh ngay bên cạnh khiến ai cũng phải bịt mũi. Có nhân viên quá tập trung soi đèn bắt muỗi nên vô tình dẫm trúng hố phân.

Gắn bó với công việc đã hơn 10 năm, anh Khoa chia sẻ: “Không chỉ có muỗi sốt rét mà còn có vô số loại muỗi khác cắn rất đau. Nhiều lần, vừa đến nơi, chưa kịp bắt muỗi thì đã bị bao nhiêu muỗi vây quanh. Khi tác nghiệp ở bìa rừng thì phải hết sức cẩn thận với rắn, rết. Đi vào nhà dân, có khi bị chó cắn”.

Cần được nhìn nhận đúng

Sốt rét là một bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, lây truyền chủ yếu qua đường máu thông qua muỗi Anopheles. Hiện nay, vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh sốt rét, vì vậy, biện pháp phòng ngừa chủ yếu vẫn là kiểm soát loại muỗi truyền bệnh.

Ông Mai Xuân Phán nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát muỗi trong công tác phòng, chống dịch bệnh: “Giám sát muỗi thường xuyên giúp chúng ta có thể dự báo nguy cơ, kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó khi có tình huống phát sinh. Nếu không có những đợt bắt muỗi định kỳ, chúng ta sẽ khó kiểm soát được sự biến động của loài côn trùng này”.

Dù đóng vai trò quan trọng trong công tác y tế dự phòng, nhưng những người đi bắt muỗi lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Trước đây, những nhân viên làm nhiệm vụ bắt muỗi được hỗ trợ 130.000 đồng/người/đêm theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 26/2018. Nhưng khi thông tư này hết hiệu lực thì khoản hỗ trợ cũng không còn.

Để đảm bảo chế độ cho đội ngũ này, tại kỳ họp lần thứ 11, HĐND TPHCM khóa X (tháng 9/2023), nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ người làm mồi và đi bắt muỗi đêm đã được thông qua, tiếp tục duy trì mức 130.000 đồng/người/đêm.

Nhưng nghị quyết chỉ áp dụng cho những người có hợp đồng dịch vụ, còn nhân viên chính thức của HCDC, những người thường xuyên đi bắt muỗi, lại không được hưởng chế độ này, vì bắt muỗi được xem là nhiệm vụ của họ.

Anh Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Dù có thức trắng đêm săn muỗi thì sáng hôm sau chúng tôi vẫn phải đi làm như thường lệ. Đối với chúng tôi, đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm với cộng đồng”.

Theo HCDC, từ năm 2020 TPHCM đã được công nhận loại trừ sốt rét. Đến năm 2023, thành phố vẫn duy trì thành tích này, trở thành 1 trong 46 tỉnh, thành được công nhận loại trừ sốt rét. Thành công đó không chỉ nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành và cộng đồng, mà còn có sự đóng góp thầm lặng của những nhân viên bắt muỗi đêm.

Với những người gắn bó với công việc này, họ không mong chờ sự vinh danh mà chỉ hy vọng có sự quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn, để có thể tiếp tục sứ mệnh bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Hoàng Yến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI