Theo chân những người bán máu

26/08/2015 - 09:40

PNO - Túng quẫn, có người đã phải bán máu để lo cho gia đình, các con ngày tựu trường, có người bán máu gom góp tiển đưa mẹ già nhập viện...

Bán máu trang trải cho con

Cứ đầu mỗi buổi sáng và chiều, khoa Truyền máu-huyết học Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (Q.5) và Trung tâm Truyền máu - huyết học TP.HCM (Q.5) có rất đông người đến bán máu.

Gọi là “bán máu” nhưng thực sự thứ mà họ bán là tiểu cầu (TC) - một thành phần của máu. Người đến bán TC đa dạng từ sinh viên, công nhân, đến người không có công ăn việc làm...

Sáng 7/8, một người đàn bà tất tả đi ra từ khoa Truyền máu của Trung tâm Truyền máu - huyết học TP, chị ngồi phệt trên ghế đá, ăn vội cái bánh bao của bệnh viện mà chẳng buồn lau những giọt máu còn rỉ trên cánh tay.

Kêu ly cà phê, chị khoe: “Chờ ổng đến rước về, có tiền mai tôi ghé thăm thằng con, cho nó một ít để đóng tiền dự thi”. Ánh mắt sáng lên, chị nói tiếp: “Nó đậu tốt nghiệp, vừa nộp đơn vào Cao đẳng Cao Thắng, nghe đâu cũng đậu”. Vừa lúc, chồng chị đến, họ đèo nhau trên chiếc xe Wave cũ chạy thẳng về cầu Chợ Đệm.

Tôi theo chân họ, băng qua Quốc lộ 1, rẽ vào đường Nguyễn Hữu Trí rồi dừng lại ở quán tạp hóa nhỏ ven đường. Chị lại tất tả bước xuống mua 5kg gạo, một chai nước mắm nhỏ, một chai dầu ăn và ba cái trứng. Mua xong, họ lên xe chạy thêm một đoạn rồi rẽ vào con hẻm nhỏ, dừng lại trước dãy nhà trọ.

Căn phòng hẹp, ngang 2,5m dài 3,5m, mùi cống rãnh xộc lên nồng nặc, bên trong trống trơn, trần nhà căng tấm bạt rách bươm, đó là nơi gia đình chị sống hơn bốn năm nay.

Chị là L.T.T. (SN 1976) tạm trú ấp 5, thị trấn Tân Túc, H.Bình Chánh, TP.HCM - có thâm niên bán máu hơn 10 năm. Chồng chị, anh P.V.L. (SN 1970) dán giấy thủ công cho lò heo quay ở Q.5. Hàng hết, gần một tháng nay anh thất nghiệp và chuyển sang sửa quạt máy, nồi cơm điện.

Chị quần quật với việc bưng bê, dọn rửa cho quán cơm, thu nhập hai vợ chồng cộng lại chừng sáu triệu đồng/tháng, trang trải chi phí thuê nhà trọ, gạo mắm, tiền ăn học cho hai đứa con, vì vậy cứ thiếu hụt triền miên.

Khi đứa lớn chuẩn bị nhập học cao đẳng, đứa nhỏ vào lớp 8, học phí đầu tháng dội về cộng thêm tiền nhà đến hẹn khiến anh chị rối bời. Chị chép miệng: “Nếu cho tụi nhỏ nghỉ học thì mình không đau đầu đến vậy, nhưng vợ chồng tôi quyết cho tụi nhỏ ăn học đàng hoàng nên phải ráng”.

Cách mà chị T. "ráng" nhiều năm nay là bán TC đều đặn hai lần/tháng, mỗi lần 250ml được 400.000đ. Thương vợ, anh L. cũng thử bán TC nhưng do sức khỏe yếu nên không đáp ứng được yêu cầu.

Theo chan nhung nguoi ban mau
Căn nhà trọ tồi tàn mà gia đình chị L.T.T. sống nhiều năm nay

Chiều 18/8, tại khoa Truyền máu - huyết học, BV Chợ Rẫy, rẽ đám đông, một người đàn bà đen nhẻm lựng khựng bước ra. Bị choáng, hơi thở mệt nhọc, chị nhờ tôi dìu ra vỉa hè ăn đĩa cơm đỡ đói.

Chị là N.P.L. (45 tuổi), làm mẹ đơn thân, bán vé số nuôi con, tạm trú xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM. Chị quê ở Đà Nẵng, vào Sài Gòn từ nhỏ, lấy chồng, sinh con. Năm 2005, con gái tròn ba tuổi, chị ôm con bỏ đi vì người chồng không nghề nghiệp, suốt ngày ăn nhậu.

Thu nhập bằng nghề mát-xa, chị tạm đủ trang trải nuôi con. Con ngày một lớn cũng là lúc nhu cầu ăn uống, học phí, tiền nhà trọ tăng thêm, chị bắt đầu bán máu đều đặn hai lần/tháng. Ba năm nay, sức khỏe giảm sút, xương khớp đau nhức, chị bỏ nghề mát-xa, chuyển sang bán vé số.

Chị nói: “Khổ lắm, 45 tuổi mà xương khớp rệu rã rồi. Mỗi lần đi bán máu, tôi giấu con vì sợ con lo lắng, nó mà biết thì không an tâm ăn học”

Cũng tại BV Chợ Rẫy, tôi gặp anh M.B.Th. (50 tuổi, tạm trú P.4, Q.8, TP.HCM). Anh nói: “Đến hạn đóng học phí cho con gái nên…”. Câu nói bỏ lửng khiến tôi tò mò tìm hiểu hoàn cảnh người đàn ông gà trống nuôi con này.

Năm 2008, hôn nhân thất bại cũng là lúc tài sản, nhà cửa, công việc làm ăn của anh xuống dốc. Chở hàng thuê mỗi ngày được hơn 100.000đ, anh chật vật nuôi con. Nay con vào lớp 10, chi phí học tập tăng, tiền trọ cũng tăng, hơn một năm nay anh bắt đầu bán TC.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI