Là những người con xứ Huế nên nhà thiết kế (NTK) Vũ Ngọc Tú và Đinh Trường Tùng luôn dành tình cảm đặc biệt cho mảnh đất gần gũi và thân thương. Lần này, hai NTK sẽ giới thiệu đến những ai yêu Huế vài chỗ “trốn khỏi phố thị ồn ào” dễ chịu và đậm nét lịch sử. Phảng phất trong đó chút hoài niệm trước những phai tàn của vạn vật. Cùng theo chân hai NTK khám phá những địa điểm độc đáo qua những khung hình thời trang.
Công viên nước hồ Thủy Tiên
Tọa lạc trên đồi Thiên An, thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, công viên hồ Thủy Tiên nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km về phía tây nam.
Công viên nước được xây dựng từ năm 2000, tháng 6/2004 công trình chính thức được hoàn thành với diện tích 49,9ha. Tại đây có nhiều hạng mục công trình độc đáo như khu thủy cung, hệ sinh thái, khu nhạc nước… với sức chứa 2.500 chỗ ngồi. Tuy nhiên công việc kinh doanh không hiệu quả, công viên buộc phải đóng cửa. Lâu dần, nơi đây trở thành điểm du lịch ma mị bất đắc dĩ.
Ngỡ đã chìm vào quên lãng nhưng sau khi xuất hiện trên các trang báo nước ngoài, khu du lịch này trở thành điểm check-in Huế nổi tiếng và được nhiều người săn lùng.
Chưa có một công viên nào ở Việt Nam, dù đang hoạt động hay đã ngưng, lại được nhiều báo nước ngoài quan tâm như công viên nước bỏ hoang hồ Thủy Tiên. Tờ Huffington Post cho rằng nơi này không dành cho du khách yếu tim; Washington Post xếp hồ Thủy Tiên vào danh sách 11 công viên bỏ hoang hấp dẫn nhưng đáng sợ... Công viên cũng từng xuất hiện trong các MV ca nhạc quốc tế.
Bước vào khu vực của hồ Thủy Tiên, du khách cảm nhận ngay sự lặng lẽ và u ám. Các cấu trúc kiến trúc một thời đã bị thời gian và thời tiết làm mục nát, chất liệu xây dựng phai màu và nứt nẻ. Bức tượng rồng trên tòa nhà là điểm nhấn ấn tượng của công viên, đồng thời là khu vực xuất hiện trên ảnh check-in nhiều nhất.
Dự kiến, mô hình rồng khổng lồ tọa lạc tại công viên nước hồ Thủy Tiên sẽ được tháo dỡ trong năm 2024.
Theo kế hoạch mới nhất từ đơn vị tiếp quản, công viên sẽ được chỉnh trang thành công viên văn hóa phục vụ cộng đồng, cảnh quan được thiết kế, xây dựng thành không gian sáng tạo đương đại. Do vậy, nếu chưa đặt chân đến đây thì hãy du khách hãy nhanh chân lên.
Phía hai NTK khuyên du khách không nên leo trèo nguy hiểm.
Điện Kiến Trung
Sau gần 5 năm tu bổ, phục hồi và tôn tạo, vào dịp tết Giáp Thìn 2024, điện Kiến Trung đã hoàn thiện và chính thức đón du khách trở lại. Đây là công trình cung điện vừa mang nét uy nghi, bề thế chốn Hoàng cung triều Nguyễn, vừa mang hơi thở thời đại thế kỷ XX với nét chấm phá của kiến trúc Tây phương.
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, điện Kiến Trung, hay còn gọi là lầu Kiến Trung được xây dựng dưới thời vua Khải Định với chữ "Kiến" mang nghĩa dựng lên, thành lập, chữ "Trung" hàm ý ngay thẳng, không thiên lệch. Theo tư liệu cũ, nguyên tại vị trí công trình này trước đó đã từng xuất hiện 2 công trình kiến trúc khác, đó là Minh Viễn Lâu, hay còn gọi là lầu Minh Viễn (1827) và Du Cửu Lâu, hay còn gọi là lầu Du Cửu (1913).
Năm 1916, vua Khải Định lên ngôi, đổi tên lầu Du Cửu thành lầu Kiến Trung, là nơi sinh hoạt của vua trong hoàng cung. Đến năm 1921, nhà vua tham chước phong cách kiến trúc và nghệ thuật trang trí của châu Âu lẫn châu Á để đưa ra các kiểu thức theo thị hiếu thẩm mỹ thời bấy giờ, cùng với sự cố vấn của một số kiến trúc sư, kỹ sư người Pháp và Bộ Công, theo đó xây mới hoàn toàn điện Kiến Trung. Tòa điện được hoàn thành chỉ trong 2 năm, từ 1921 đến 1923.
Đến thời vua Bảo Đại, điện được tu sửa và tân trang các tiện nghi theo thể cách Tây phương và là nơi ở của cả gia đình vua Bảo Đại.
Theo dòng chảy lịch sử, tòa điện và nhiều công trình kiến trúc quan trọng trong Hoàng Thành và Tử Cấm Thành đã bị phá hủy gần như hoàn toàn. Điện chỉ còn tàn tích là phần nền và hàng lan can. Năm 2019, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã khởi động dự án phục dựng điện Kiến Trung, với tổng kinh phí hơn 123 tỉ đồng.
Tháp nước Dã Viên
Cồn Dã Viên là một hòn đảo nhỏ, nằm trên sông Hương, phía trước - bên phải Kinh thành Huế (theo hướng nhìn từ trong thành ra). Khi xây dựng Kinh thành Phú Xuân vào đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long và các nhà quy hoạch, phong thủy thời Nguyễn đã chọn cồn Dã Viên là yếu tố “Bạch Hổ” cho Kinh thành (cùng với cồn Hến là yếu tố “Thanh Long” - nằm bên trái) - theo thuật phong thủy. Cồn Dã Viên có hình thoi dài hướng đông - tây theo hướng dòng chảy sông Hương tại khu vực này, nằm lệch về phía bờ nam sông Hương, gần phường Đúc.
Cũng như cồn Hến, cồn Dã Viên được hình thành từ sự bồi lắng phù sa của sông Hương; cồn có chiều dài 890m, rộng 185m, với diện tích khoảng 107.970m2.
|
Nhìn từ phía sông Hương vào, tháp như một ngọn đèn |
Tháp nước được xây dựng năm 1955 khi nhà máy nước ra đời. Tháp sừng sững bên bờ sông Hương như một chứng nhân lịch sử của Huế, cùng người dân Huế đi qua bốn mùa mặn ngọt đục trong của dòng Hương. Thân tháp đồ sộ, soi bóng xuống dòng sông Hương tạo thành một góc rất riêng của Huế, một điểm nhấn của cầu đường sắt Bạch Hổ khi nhìn từ xa.
Hiện tại nhà máy nước cũng như tháp nước đã hoàn thành nhiệm vụ của nó.
Dự kiến, tháp máy nước Dã Viên sẽ được chỉnh trang thành tháp ngắm cảnh và bảo tàng kỹ thuật số về Huế, kỳ vọng trở thành điểm đến mới hút khách du lịch.
Nhã Ca