Đoàn làm phim Cơn giông (Hãng phim Giải Phóng sản xuất) vừa hoàn tất phần ghi hình tại rừng ngập mặn Cần Giờ (TP.HCM), hiện đang trong giai đoạn hậu kỳ.
Những thước phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của cố nhà văn Lê Văn Thảo, cuối cùng cũng đã được bấm máy, sau rất nhiều năm ấp ủ của đạo diễn Trần Ngọc Phong. Anh nói: “Khi anh Ba Thảo (cách xưng hô của đạo diễn Trần Ngọc Phong với nhà văn Lê Văn Thảo - PV) còn sống, tôi có nói với anh là khi nào có cơ hội, tôi sẽ làm phim điện ảnh Cơn giông. Nghe xong, anh cười bảo: “Ừ, được đó mậy!”. Giờ thì bộ phim đang rõ hình hài, nhưng nhà văn đã đi xa…
Những thân phận chắt lọc từ trang viết
Tiểu thuyết Cơn giông được Nhà xuất bản Trẻ in lần đầu vào năm 2002, được tái bản nhiều lần sau đó. Tác phẩm cũng được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2003 và giải thưởng Văn học ASEAN 2006. Đạo diễn Trần Ngọc Phong cho biết, kịch bản chuyển thể Cơn giông được nhà biên kịch Ngô Hoàng Giang chăm chút trong hơn năm năm. Khi đến tay, anh đã bổ sung vào câu chuyện một số nhân vật từ những truyện ngắn khác của nhà văn Lê Văn Thảo như Ông Cá Hô, Đi thăm chồng… để khắc họa rõ hơn thân phận người miền Tây sông nước.
|
Đạo diễn Trần Ngọc Phong tại phim trường Cơn giông |
Cũng rất lâu rồi, ngoài những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, màn ảnh rộng mới có một tác phẩm điện ảnh khai thác chất liệu từ văn học, với một câu chuyện rung động về đất và người. Tác phẩm viết về giai đoạn thập niên 1980 cùng những thân phận con người trôi dạt từ miền đất Mũi. Đó không chỉ là câu chuyện của các nhân vật, mà còn hàm chứa những giá trị văn hóa của một thời.
Dự án điện ảnh Cơn giông nhận được nhiều mong chờ, kỳ vọng, nhất là đối với những nhà văn, bạn đọc từng yêu thích tác phẩm Lê Văn Thảo. Không kể truyện vừa và các truyện ngắn khác, Cơn giông là một trong năm tiểu thuyết tạo dấu ấn để đời của cố nhà văn Lê Văn Thảo (bên cạnh các tiểu thuyết: Con đường xuyên rừng, Một ngày và một đời, Sông nước Vàm Nao…).
Nhân vật chính của Cơn giông là Bằng (diễn viên Trung Dũng thể hiện) - một người con đất Mũi mồ côi, lưu lạc, sau giải phóng đi tù vì tội kinh tế, rồi ra tù làm lại cuộc đời… Những cơn giông của thời cuộc, của số phận cứ xô đẩy cuộc đời Bằng trên mảnh đất gian khó nhưng cũng thấm đẫm tình người.
Trên màn ảnh, khán giả sẽ còn được thấy nhiều hơn những câu chuyện khác: người vợ quê băng đồng đi thăm chồng ở vùng giải phóng, “tay bồng con thơ tay xách lồng gà”; hoặc mối tình đẹp giữa cô đào hát và anh kép hát trong đoàn cải lương lưu diễn khắp miền Tây Nam bộ; gã giang hồ vì kiếm tiền mổ mắt cho con gái mà bị đâm chết… Với những hóa thân của các diễn viên: Thủy Phạm, Thạch Kim Long, Quách Tĩnh, Tấn Hoàng, Lê Huỳnh, Kim Lợi…
|
Diễn viên Trung Dũng và bé Cát Vi trong một cảnh quay xúc động |
Thời Trần Ngọc Phong làm phim Ba người đàn ông (chuyển thể từ tác phẩm Hai người lính của nhà văn Lê Văn Thảo, Hãng phim Giải phóng sản xuất năm 2000, phim được trao giải đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim Việt Nam 2001), lúc phim công chiếu, nhà văn chỉ nói với anh một câu: “Được đó mậy!”. Lời nhận xét ngắn gọn nhưng thân tình, thay cho mọi lời nói về sự hài lòng hay ngợi khen. Với Cơn giông lần này, anh bảo giá mà khi phim công chiếu, lại được nghe “anh Ba Thảo” nói một câu nói giản dị như vậy…
Vất vả ghi hình trong sình lầy
Bối cảnh trong tác phẩm của nhà văn ở đất Mũi Cà Mau, nhưng lựa chọn thay thế của đạo diễn là Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. “Đoàn làm phim đã đi tiền trạm, tìm kiếm bối cảnh suốt một tuần ở Cà Mau, nhưng quả thật, đất Mũi giờ đổi thay nhiều quá. Rất khó tìm được những bối cảnh còn nguyên sơ như mong muốn. Nếu quay ở rừng đước thuộc Khu di tích Vườn quốc gia Mũi Cà Mau thì lại gặp rất nhiều khó khăn về công tác vận chuyển thiết bị của đoàn phim. Chúng tôi quay về TP.HCM, đi thực địa Cần Giờ thì thấy nơi này có rừng đước cũng rất đẹp và phù hợp, hoàn toàn có thể làm bối cảnh chính cho phim” - đạo diễn Trần Ngọc Phong bày tỏ.
Đối với cảnh chợ, làng, sinh hoạt khu dân cư, các lán trại trồng rừng thì đoàn phim dựng bối cảnh. Cà Mau cũng sẽ lên hình nhưng chủ yếu trong những cảnh quay flycam.
Buổi sáng, chiếc ca nô đưa đoàn ra phía ngoài sông để ghi hình cảnh trồng rừng trên bãi bồi, khi quay xong thì nước rút. Ca nô bị mắc cạn, lội vào bờ thì bùn ngập đến thắt lưng. Những ngày tháng Tư nắng cháy da, đoàn làm phim Cơn giông đã có những ngày đúng nghĩa “làm phim trong sình lầy” từ rừng ngập mặn Cần Giờ. Diễn viên vào vai tội phạm trồng rừng lăn xả, ê-kíp thực hiện cũng không khác gì hơn. Hàng chục con người làm việc trên bãi sình lầy đến đầu gối, miệt mài từ sớm đến đêm thâu. Có những hôm cả đoàn đã làm việc liên tục hai ngày đêm cho kịp con nước.
Đạo diễn Trần Ngọc Phong từng thực hiện nhiều bộ phim về đề tài sông nước miền Tây Nam bộ: Những nẻo đường phù sa, Bình minh châu thổ, Sông phố nhà ghe… Anh đã quá quen với việc phải “chịu khó” chờ con nước. Thậm chí với phim Cơn giông, đạo diễn có lúc phải ngồi hàng giờ đồng hồ ngoài bãi bồi chờ nước lớn mới vào được bờ. Nhưng đổi lại cho những vất vả của đoàn phim ngoài hiện trường, điều khiến anh say mê và quên mọi mệt nhọc là những thước phim tâm đắc đang mỗi ngày một đầy lên, câu chuyện về những thân phận mỗi lúc một nhiều cảm xúc.
“Hôm trước, có một phân cảnh của Trung Dũng và bé Cát Vi khiến mọi người đều rơi nước mắt. Đó là cảnh nhân vật Bằng tìm thấy Nhi (vai diễn của bé Cát Vi), đứa con gái mù của người bạn tù từng trồng rừng cùng anh năm xưa và nhận bé làm con nuôi…” - đạo diễn Trần Ngọc Phong chia sẻ.
Một dự án phim mà phải mong chờ rất lâu mới có cơ duyên được thực hiện, phân cảnh nào cũng để lại trong lòng anh những rung động. Vì phim, vì cả cảm xúc của chính mình. Đạo diễn Trần Ngọc Phong bày tỏ rằng, anh đang cố gắng hết mức có thể, thực hiện bộ phim này bằng tất cả tình cảm, sự trân trọng. Bởi vì sau Cơn giông, có thể còn rất lâu nữa anh mới có cơ hội/hoặc không bao giờ làm thêm một bộ phim nào nữa từ những tác phẩm của cố nhà văn Lê Văn Thảo.
Tiểu Quyên