Theo chân công nhân Trung Quốc rong ruổi về quê ăn tết

04/02/2019 - 06:00

PNO - Đường xa mấy cũng phải về nhà ăn tết là tâm niệm của nhiều người dân có tết âm lịch. Mỗi năm vào dịp tết Nguyên đán, Trung Quốc lại phải đối mặt với cuộc di dân quy mô lớn nhất lịch sử mang tên "xuân vận".

Nhiều người không thể mua nổi vé tàu xe về quê, và vì vậy họ phải tìm vô vàn cách để về nhà. Những năm gần đây, xe máy trở thành phương tiện phổ biến của các công nhân ít tiền làm xa nhà, dù quãng đường về có khi lên tới cả nghìn cây số.

Con đường về quê ở khắp Quảng Đông, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Quý Châu đều chật kín xe máy của các gia đình về nhà ăn tết. Đường giao thông liên tỉnh phía Quảng Đông còn tắc đường vào giờ cao điểm vì đoàn xe xuân vận này.

Theo chan cong nhan Trung Quoc rong ruoi ve que an tet
Lễ xe máy xuất phát về quê của khu công nghiệp nơi Tô Hoành Kiệt làm việc

Tô Hoành Kiệt, 40 tuổi, một công nhân ở Quảng Đông đã 3 năm nay chọn xe máy là phương tiện để về nhà. Anh làm việc theo thời vụ cho một công ty ở Quảng Đông. Từ đây về nhà anh ở huyện Mã Sơn (Nam Ninh, Quảng Tây) khoảng 700 cây số.    

Năm nay, Tô Hoành Kiệt khởi hành về nhà từ 3g sáng ngày 26/1. Anh đi cùng cháu ruột và một người đồng hương – đều là công nhân cùng nhà máy với anh. Tiểu Lương, cháu của Tô đi làm thuê 8 năm, đồng hành cùng Tô về quê ăn tết suốt 3 năm nay.

Chiếc xe máy là phương tiện Tô dùng đi làm hàng ngày. Trước khi xuất phát 2 ngày anh đã mua sắm chuẩn bị đồ đạc đầy đủ, mua quà cho con trai, sửa chữa gia cố lại xe. Trước khi lên đường, Tô đã dành cả ngày để nghỉ ngơi lấy sức. Tô dùng điện thoại để định vị đường đi. Anh ước tính sẽ lái xe hết 15-18 tiếng.

Theo chan cong nhan Trung Quoc rong ruoi ve que an tet
Một cặp vợ chồng chở con từ Quảng Đông về Quảng Tây, theo lời người chồng thì họ phải đi quãng đường hơn 1000 cây số.

Tô đã đi làm thuê suốt 24 năm. Ở khu công nghiệp này các công nhân đa phần đến từ Quảng Tây, Hồ Nam. Nhiều người trong số họ chọn lái xe máy về quê. Thậm chí công xưởng nơi Tô làm việc từ ngày 23/1 đã tổ chức ngày xuất phát cho các công nhân lái xe máy về quê.

Những người chọn lái xe máy về quê đều có mặt tạm biệt nhau, nhận câu đối, phong bao chúc may mắn và lần lượt lên đường. Đi xe máy không tốn kém, tiện lợi, lại dễ dàng mua được đồ ăn ven đường. Trên cả quãng đường, Tô cũng 2 người đồng hành nghỉ 5 lần để hút thuốc, ăn trưa, đổ xăng, nghỉ qua đêm…

Một người bạn làm cùng Tô đã mua một chiếc ô tô để lái xe về quê. Tô không có nhiều tiền như thế: “Tôi ít tiền, chẳng có học thức cao, thi lấy bằng chưa chắc đỗ”. Tô nhẩm tính một vé tàu cao tốc về quê Tô hết 148,5 Nhân dân tệ (khoảng 500 ngàn đồng), lái xe về chỉ mất tầm 80 Nhân dân tệ (khoảng 270 ngàn đồng) tiền xăng, rõ ràng là tiện lợi và kinh tế hơn.

Theo chan cong nhan Trung Quoc rong ruoi ve que an tet
Gặp chướng ngại vật là điều thường thấy trên đường đi của Tô Hoành Kiệt

Quãng đường 700 cây số cũng không ít nguy hiểm. Khi lái vào buổi tối, Tô cũng hay gặp các loại động vật lao qua đường, khiến anh hốt hoảng. Tuy nhiên đến nay anh chưa gặp tai nạn nào lớn vì anh đi khá cẩn thận.

Quê anh ở vùng hẻo lánh, từ đường cao tốc đi vào phải thêm 30km đường núi. Thế nên đi xe máy càng tiện hơn đi tàu. Dọc đường anh thường xuyên gọi điện về báo tình hình cho gia đình. Sau 17 tiếng đồng hồ, anh cũng về tới nhà. “Rất mệt, nhưng mệt mấy cũng phải về nhà”, Tô nói.

Căn nhà 3 tầng của gia đình anh xây chính nhờ tiền anh kiếm được từ 20 năm làm thuê. Họ vẫn còn nợ 7 vạn Nhân dân tệ tiền xây nhà, anh sẽ còn phải tiếp tục đi làm kiếm tiền trả nợ. Những thanh niên trong làng anh đi làm xa ngày càng nhiều.

Anh dự tính, tầm trước ngày 15 sẽ phải trở về tiếp tục tìm việc làm thuê. Anh còn phải tiếp tục hoàn thiện ngôi nhà.

Tất nhiên, anh vẫn chọn xe máy là phương tiện chính.

Mai Nguyên (Theo The Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI