Thèm và nhớ những cuộc hẹn sau 5 giờ chiều

13/05/2024 - 06:40

PNO - Nếu bạn đang ở Sài Gòn và thấy những cuộc hẹn ngẫu hứng sau giờ làm chỉ là điều bình thường thì rất có thể do bạn chưa từng xa Sài Gòn.

1. Tôi đã có những ngày tuổi trẻ thật đầy ở Sài Gòn. “Đầy” ở đây vừa có nghĩa là nhiều hoạt động khác nhau ken đầy khoảng thời gian ít ỏi 24 giờ mỗi ngày, vừa có nghĩa là tròn đầy, nhiều cảm xúc.

5 - 6g chiều là thời điểm những cánh cửa văn phòng, công xưởng khép lại, nhưng là giờ mở ra cả một không gian phố thị về đêm sôi động, náo nhiệt, quyến rũ. Và quan trọng là trong không gian đó, có chỗ cho tất cả mọi người. À, thật ra, với nhiều người trẻ làm việc trong một số ngành đặc thù, ví dụ như marketing, có khi 5 - 6g chiều vẫn chưa hết việc. Nhưng không hề gì, họ vẫn có thể tạm đóng màn hình máy tính, í ới kéo nhau ra ngoài kiếm chút gì lót dạ, hít thở khí trời, lao xao vài câu chuyện thư giãn đầu óc trước khi quay vào chạy deadline.

Tôi đồ rằng với nhiều người, 5g chiều là lúc tin nhắn điện thoại, Zalo, Messenger, Viber đến rộn ràng. “Ê, chút làm xong, tạt ra phố đi bộ dạo chút không?” hay “Chạy qua quận 4 ăn ốc không?”, “Tự nhiên nay thèm chè Thái ở Nguyễn Tri Phương quá”… Rồi cứ thế mà gặp nhau, mà ăn uống, mà hàn huyên đủ chuyện không đầu không cuối. Nhưng đâu phải chỉ khi thèm một món gì đó người ta mới hẹn nhau (dù đúng là gặp nhau giữa Sài Gòn mà không thưởng thức một món gì đó thì có lỗi với nền ẩm thực đường phố cực kỳ phong phú của thành phố mình quá đỗi).

Ở Sài Gòn, đâu phải chỉ khi thèm một món gì đó người ta mới hẹn nhau, có khi gặp chỉ để  hàn huyên đủ chuyện - ảnh minh họa: Nguyễn Quang
Ở Sài Gòn, đâu phải chỉ khi thèm một món gì đó người ta mới hẹn nhau, có khi gặp chỉ để hàn huyên đủ chuyện - Ảnh minh họa: Nguyễn Quang

Chiều chiều, người ta có thể lập “kèo” chạy xe đạp cùng nhau. Thành phố mình có biết bao cung đường đẹp, bao nhiêu cây cầu rộng thênh thang để thách thức đôi chân. Ở bên nhau nhiều giờ đồng hồ, vậy mà lúc về, đường phố vẫn còn sáng choang và hàng quán 2 bên vẫn còn người mua kẻ bán.

2. Tôi từng xem tất cả điều đó là bình thường, cho đến khi tôi xa Sài Gòn.

25 tuổi, tôi rời Sài Gòn, lần đầu tiên, để đến Sydney (Úc) du học. Tôi còn nhớ như in những dòng thông tin trong tài liệu giới thiệu về Sydney thời bấy giờ: thành phố đa văn hóa và nhộn nhịp bậc nhất ở đất nước có nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới. Nghe giới thiệu như vậy, tôi tất nhiên thấy choáng ngợp.

Sau những hồ hởi, háo hức buổi đầu, tôi nhận ra có điều gì đó thiêu thiếu ở nơi này. Thiếu gia đình, thiếu bạn bè, thiếu món ngon đường phố Việt thì rõ rồi, nhưng còn gì nữa nhỉ? Cuối cùng, tôi mới phát hiện ra, ở đó, tôi ít khi có những cuộc hẹn ngẫu hứng sau 5g chiều. Những dịp gặp nhau với hội chị em cùng chỗ làm ở Úc thường phải được lên kế hoạch trước khoảng 1-2 tuần, ít nhất cũng phải vài ngày. Lý do cũng dễ hiểu thôi: ai nấy đều bận rộn. Bạn bè đồng trang lứa với tôi đứa nào cũng có thời khóa biểu vừa học vừa làm dày đặc.

Thêm nữa là trung tâm thương mại và nhiều hàng quán ở đây đóng cửa quá sớm. Nếu như ở TPHCM, tan làm, có thể ới nhỏ bạn cùng chạy xe ra cửa hàng nào đó lựa chiếc váy, đôi giày thì lúc tôi tan làm ở Sydney, hầu hết trung tâm mua sắm đều đã đóng cửa. Ở đó, trong tuần, chỉ có 1 ngày (thường là thứ Năm), trung tâm mua sắm mở cửa đến 9g tối, còn lại thì đến 5 - 6g chiều là đã không còn sắm sửa được gì, trừ những siêu thị chủ yếu bán thực phẩm như Woolworths hay Coles.

34 tuổi, tôi rời TPHCM lần thứ hai, sang Budapest (Hungary) để định cư. Dù ngày càng cảm thấy trân quý sự yên bình trong nhịp sống ở thành phố cổ kính và chỉ có 2 triệu dân này, tôi vẫn không thể nào nguôi nhớ Sài Gòn và những cuộc hẹn lúc cuối ngày. Đặc biệt, nỗi nhớ đó càng lớn hơn vào những tháng mùa đông, khi mặt trời lặn lúc 4g chiều và nhiệt độ thường xuyên xuống âm. Tôi nhớ da diết cái cảm giác ngồi sau một chiếc GrabBike dưới ánh nắng chiều vàng ruộm, anh tài xế nhanh nhảu len lỏi giữa đường phố đông ken vào lúc tan tầm, tôi vừa giữ thăng bằng, vừa cố nhắn tin cho nhỏ bạn: “Ê chờ xíu nha, kẹt xe…”.

Những cuộc hẹn ngẫu hứng mỗi chiều như một nét văn hóa đặc trưng của lối sống cởi mở, chia sẻ và kết nối của người Sài Gòn - ẢNH: NGUYỄN QUANG
Những cuộc hẹn ngẫu hứng mỗi chiều như một nét văn hóa đặc trưng của lối sống cởi mở, chia sẻ và kết nối của người Sài Gòn - Ảnh: Nguyễn Quang

3. Ở thành phố 13 triệu dân của tôi, muốn gặp thì nhắn nhau một tiếng, chẳng phải tính toán, lên kế hoạch chi xa xôi. Tôi đã nhiều lần tự hỏi, điều gì khiến người ở Sài Gòn có thể ngẫu hứng mà hẹn, mà gặp nhau như thế. Ban đầu, tôi nghĩ có lẽ lý do nằm ở văn hóa xe máy - nhanh gọn, tiện lợi, chủ động. Chừng 10-15 phút, xa lắm cũng tầm 30 phút chạy xe là đã có thể tới điểm hẹn, và cũng chỉ mất chừng ấy thời gian để về nhà. Còn ở những thành phố nơi mà người dân chủ yếu đi lại bằng phương tiện công cộng thì mỗi lần di chuyển mất 1 giờ (bao gồm cả thời gian đi bộ đến nhà ga) là chuyện bình thường, nên không dễ để muốn là đi.

Tôi nhớ lịch trình của mình những ngày đi làm ở Sydney như thế này: Sáng dậy lúc 6g30, chuẩn bị để 7g ra khỏi nhà, đi bộ 10 phút ra ga xe lửa, lên xe ngồi 1 giờ, đến trạm cần xuống, đi bộ thêm 15 phút nữa mới vào tới nơi làm việc. Nghĩa là mỗi ngày, tôi mất khoảng 3 giờ di chuyển từ nhà đến chỗ làm và ngược lại. Khoảng cách này là khá bình thường ở một thành phố rộng lớn như Sydney. Với cách di chuyển như thế, tôi không nghĩ người ta có nhiều năng lượng cho một cuộc hẹn hò sau giờ làm.

Nhưng có lẽ, phương tiện đi lại cũng chỉ là một phần. Tính cách con người mới là yếu tố quyết định. Đó là sự cởi mở, là lối sống tình cảm, là khát khao được chia sẻ và kết nối với nhau. Đi mua sắm một mình cũng được, nhưng người ta cứ thích rủ rê thêm nhỏ em hay đứa bạn. Đạp xe một mình cũng được, nhưng có người đồng hành thì cung đường dường như cũng đẹp hơn. À, sẽ thật thiếu sót nếu không kể đến sự linh hoạt thu xếp cuộc sống nhờ mọi người sẵn lòng san sẻ, đỡ đần công việc cho nhau. Chẳng hạn như, những bà mẹ có con nhỏ mà buổi tối có hẹn với đám bạn, cũng có thể “ới” một tiếng là ông bà hay các dì gần đó sẵn sàng ghé qua chơi với cháu.
Tôi không phải là một nhà nghiên cứu nên khó có thể trả lời một cách chính xác, đủ đầy vì sao thành phố mình có nhiều cuộc hẹn ngẫu hứng mỗi chiều như thế. Nhưng tôi biết rõ là nó đã ở đó, đang ở đó, và sẽ luôn ở đó, như một nét văn hóa đặc trưng của Sài Gòn để những người đi xa như tôi nhớ nhung, mong ngóng.

Cúc T. (Hungary)

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024.


Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI