Thêm thành viên, Hội đồng Bắc Cực thêm nhiều thách thức

17/05/2013 - 14:12

PNO - PN - Ngày 15/5, Hội đồng Bắc Cực đã đồng ý thu nhận thêm sáu nước quan sát viên gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc. Việc đề cử Liên minh châu Âu (EU) trở thành quan sát viên thường trực chưa được thông qua...

Bên cạnh quyết định trên, Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 8 của Hội đồng Bắc Cực tổ chức ở Kiruna, Thụy Điển còn tập trung đến vai trò trọng tâm của kinh tế trong phát triển Bắc Cực.

Nga có ý định thuyết phục Hội đồng Bắc Cực ngăn cản các nước không trực tiếp giáp giới với Bắc Cực tham gia tổ chức này. Tại diễn đàn, Ngoại trưởng Nga đã có các cuộc gặp song phương với các đồng nghiệp Canada, Thụy Điển và Mỹ về vấn đề này.

Cuộc tranh luận đã khiến một số thành viên dọa, nếu Nga không đồng ý mở rộng Hội đồng, họ sẽ thành lập một tổ chức thứ hai tương tự để biến khu vực này thành tài sản chung của nhân loại, tương tự như Nam Cực.

Them thanh vien, Hoi dong Bac Cuc them nhieu thach thuc

Ngoại trưởng Nga S. Lavrov (trái) tại phiên họp Hội đồng Bắc Cực

Nhận định về việc kết nạp sáu thành viên mới, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: “Chúng ta quan tâm đến cả những hứa hẹn lẫn thách thức của việc tiếp cận vùng đất xa nhất về phía Bắc của trái đất”.

Cho tới trước hội nghị lần này, EU và Trung Quốc đã là quan sát viên lâm thời. Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan tích cực ủng hộ ý tưởng trao cho EU địa vị quan sát viên thường trực, còn các nước vùng Scandinavia và Iceland muốn Trung Quốc có vị trí này.

Được thành lập năm 1996, hiện Hội đồng Bắc Cực có tám thành viên thường trực là Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ. Cho đến nay, Hội đồng đã thông qua hai hiệp ước: Hiệp ước hợp tác tìm kiếm cứu nạn và Hiệp ước hợp tác ứng phó với các hoạt động thăm dò dầu khí trên vùng biển Bắc Cực.

Quá trình băng tan ở Bắc Cực gia tăng tuy mở ra cơ hội tiếp cận nguồn dầu khí thiên nhiên và khoáng sản được đánh giá là khổng lồ tại đây, đồng thời giúp rút ngắn các tuyến đường biển và tạo điều kiện khai thác thủy sản, nhưng nó cũng có thể dẫn tới cuộc cạnh tranh gay gắt về kinh tế và chính trị tại Bắc Cực.

Năm 2010, chỉ có bốn tàu chở 111.000 tấn hàng hóa đi theo tuyến đường qua Bắc Cực nhưng đến năm ngoái, đã có 46 tàu với 1,26 triệu tấn hàng vượt Bắc Cực. Trong khi Trung Quốc cử một tàu phá băng lần đầu tiên hoạt động dọc tuyến hàng hải Bắc, thì Nga cũng chế tạo tàu phá băng thế hệ mới, Na Uy lập mô hình di cư của cá để tăng cường đánh bắt. Canada thành lập căn cứ huấn luyện ở Bắc Cực và xây dựng hạm đội tàu tuần tra mới. Các công ty dầu lớn của Mỹ không ngừng khoan thăm dò các giếng dầu khí.

 Như Vũ (CNN, RIA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI