Thêm những dấu hiệu cho thấy coronavirus ít gây hại cho trẻ em

15/03/2020 - 09:07

PNO - Hai nghiên cứu quy mô nhỏ của các nhà khoa học Trung Quốc mới đây cho thấy, trẻ em bị nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) hầu hết có các triệu chứng bệnh nhẹ và thường mau khỏi bệnh.

Theo báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), các nghiên cứu mới công bố dường như củng cố thêm kết quả của nghiên cứu trước đó rằng COVID-19 gây thiệt hại về thể chất đối với trẻ em ít hơn so với người lớn tuổi.

Các nhà nghiên cứu tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã xem xét 10 ca trẻ em nhiễm virus SARS-CoV-2 - Ảnh: EPA-EFE
Các nhà nghiên cứu tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã xem xét mười ca trẻ em nhiễm virus SARS-CoV-2 - Ảnh: EPA-EFE

Nhưng một chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo rằng các nghiên cứu quy mô nhỏ và các triệu chứng nhẹ có thể dẫn đến việc ít trẻ em được xét nghiệm. Giáo sư Ben Cowling, chuyên gia y tế công cộng Đại học Hồng Kông, nói rằng ông không hiểu tại sao “có quá ít trẻ em trong số các trường hợp nhiễm virus corona chủng mới được xác nhận trên toàn thế giới”. Ông cũng đặt câu hỏi, “mức độ nhiễm phổ biến thế nào ở trẻ em và liệu trẻ em có lây lan bệnh hay không”.  

Trước đó, trong một bài báo đăng trên tạp chí Y học Tự nhiên ngày 13/3, các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Y tế Phụ nữ và Trẻ em Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, đã khảo sát mười trường hợp trẻ em nhiễm COVID-19, trong đó có sáu bé trai và bốn bé gái, tất cả trong độ tuổi từ 2 tháng đến 15 tuổi. Mười trường hợp này nằm trong số 745 trẻ em được xét nghiệm virus trong khoảng thời gian từ 22/1 đến 20/2.

Những đứa trẻ này được xét nghiệm vì các em có liên hệ chặt chẽ với các bệnh nhân đã được chẩn đoán hoặc là thành viên của gia đình có người nhiễm virus trong vòng hai tuần trước.

Năm trong số mười trẻ có triệu chứng ho, bốn trẻ đau họng, ba em bị tiêu chảy và hai em bị nghẹt mũi và sổ mũi - các triệu chứng tương tự như cảm lạnh hoặc cúm. Báo cáo cho biết, chụp X-quang lồng ngực các em không thấy dấu hiệu viêm phổi rõ ràng, một đặc điểm xác định nhiễm bệnh trong trường hợp của người lớn.

Tất cả các em đã hồi phục mà không cần hỗ trợ hô hấp hoặc điều trị trong một đơn vị chăm sóc tích cực nào, nhưng một nghiên cứu cho thấy, virus tiếp tục xuất hiện khá lâu trong các mẫu phân sau khi mẫu dịch mũi họng không còn cho thấy bằng chứng nhiễm trùng. Từ đó, các nhà nghiên cứu cho biết xét nghiệm gạc trực tràng có thể là một cách hiệu quả hơn để xác định thời gian cách ly trẻ.

Trong khi đó, một nghiên cứu khác của Trung Quốc xem xét trường hợp sáu trẻ em có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và nhập viện ở Vũ Hán, tâm dịch ở tỉnh Hồ Bắc.

Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England hôm 12/3, sáu trẻ này nằm trong số 365 trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp nhập viện tại Bệnh viện Tongji từ ngày 7/1 đến 15/1.

Các em trong độ tuổi từ 1-7 tuổi, tất cả đều đã hồi phục trong khoảng thời gian trung bình 7 ngày rưỡi sau khi nhập viện, trong đó em bị bệnh nặng nhất mất 13 ngày để hồi phục và phải nhập viện vào khoa chăm sóc đặc biệt. Bốn trong số sáu bệnh nhân bị viêm phổi, chụp X-quang và quét CAT cho thấy các em bị viêm phổi virus điển hình ở trẻ em.

Trong một báo cáo được công bố ngày 28/2, nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được phái đến Trung Quốc cho biết, từ dữ liệu có sẵn, “không thể xác định mức độ lây nhiễm ở trẻ em, trẻ em đóng vai trò gì trong việc lây truyền, liệu trẻ em có dễ mắc bệnh hơn hay các em thể hiện lâm sàng khác với người trưởng thành, nói chung là nhẹ hơn”.

Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng số ca mắc bệnh ở trẻ em tương đối hiếm và nhẹ, chỉ chiếm khoảng 2,4% trong tổng số các trường hợp được báo cáo ở những người dưới 19 tuổi và chỉ 2,5% có thể phát triển các triệu chứng nghiêm trọng, trong khi chỉ 0,2% ghi nhận tình trạng bệnh nguy kịch.

Tô Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI