Thêm nhiều “vùng báo động đỏ” trong bản đồ đại dịch COVID-19 toàn cầu

25/04/2021 - 17:38

PNO - Từ những điểm “nóng” là các quốc gia nghèo khó, đại dịch COVID-9 nay lại đang có dấu hiệu bùng phát trở lại ở những nước phát triển. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở sự chủ quan của các chính phủ khi nới lỏng các hạn chế quá sớm, sự xuất hiện liên tục của nhiều biến thể mới và tình trạng thiếu vắc-xin cũng như quá tải của hệ thống y tế ở nhiều nước.

Tại Ấn Độ, thi thể của các nạn nhân COVID-19 được chất thành đống nhanh đến mức người nhà phải hỏa táng họ trong các bãi đậu xe.

Chỉ hai tháng trước đây, khi Ấn Độ có vẻ như đã kiểm soát được dịch bệnh này, các thành phố bắt đầu cho phép người dân tụ tập trở lại để tổ chức đám cưới, xem các trận đấu bóng chày và tham gia một số lễ hội tôn giáo, trong đó có lễ hội Kumbh Mela - một dịp mà hàng triệu người hành hương đã đổ xô về sông Hằng và sông Yamuna linh thiêng.

Một bệnh nhân COVID-19 thở oxy bên ngoài một bệnh viện ở Delhi, Ấn Độ
Một bệnh nhân COVID-19 thở oxy bên ngoài một bệnh viện ở  New Delhi, Ấn Độ - Ảnh: AP

Theo giới quan sát, chính việc nới lỏng quá sớm các hạn chế về giãn cách xã hội đã dẫn đến sự bùng phát số ca nhiễm với tốc độ kỷ lục như hiện nay ở Ấn Độ, khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này bị vỡ trận.

“Ấn Độ hiện cũng như một con tàu đang trôi dạt và có thể bị đắm bất cứ lúc nào”, Thủ tướng Narendra Modi cảnh báo. Trong tuần trước, gần một nửa số ca nhiễm COVID-19 mới và 15% số ca tử vong trên thế giới là ở Ấn Độ.

Hiện, nhiều bệnh nhân COVID-19 ở nước này đã phải nằm chờ chết ngay bên ngoài các bệnh viện vốn đang trong tình trạng quá tải. Một số gia đình của bệnh nhân đã phải tìm mua bình dưỡng khí trên thị trường chợ đen với giá 660 USD hoặc tìm cách đưa người nhà đến những bệnh viện tư nhân ở những bang xa xôi với hy vọng có thể được chữa trị kịp thời.

“Tôi chưa bao giờ chứng kiến một cuộc khủng hoảng cho nhân loại nào kinh khủng như thế ở Ấn Độ. Chính phủ đã chủ quan khi nghĩ rằng đã kiểm soát được COVID-19, nhưng thực tế là dịch bệnh này vẫn còn tồn tại ở đâu đó, rất gần”, Ramanan Laxminarayan - Giám đốc Trung tâm Động lực học, kinh tế và chính sách ở Mumbai nhận định và cho biết thêm tình hình lây nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ cũng đang thêm nghiêm trọng với sự xuất hiện của các biến thể mới. Trong số này, có một biến thể được đặt tên B.1.617 đang được nghiên cứu ở bước đầu, nhưng các chuyên gia tin rằng nó có nguy cơ tàn phá mạnh mẽ do có đặc điểm dễ lây lan hơn và kháng vắc-xin tốt hơn.

Ở Mỹ Latinh, các bác sĩ cho rằng nguyên nhân dẫn đến đợt bùng phát dịch COVID-19 gần đây là do biến thể P.1, xuất hiện ở thành phố Manaus của Brazil, trước khi “càn quét” qua các khu vực còn lại của châu lục. 

Biến thể này có khả năng gây bệnh cho cả những người đã bị nhiễm COVID-19 và đã được hồi phục, nghĩa là nó có thể chống lại các kháng thể đã được sinh ra để phản ứng với biến thể trước đó. Biến thể P.1 còn có thể khiến những người trẻ tuổi có sức khỏe tốt bị tử vong. Theo một báo cáo mới được Tổ chức Y sinh của Brazil công bố, số ca tử vong do COVID-19 ở những người trong độ tuổi từ 20 đến 29 đã tăng hơn 1.000% kể từ đầu năm nay.

Một tình nguyện viên phun thuốc khử trùng trong một con hẻm để giúp ngăn chặn sự lây lan của coronavirus ở Rio de Janeiro - Ảnh: AP
Một tình nguyện viên phun thuốc khử trùng trong một con hẻm để giúp ngăn chặn sự lây lan của coronavirus ở Rio de Janeiro, Brazil - Ảnh: AP

“Chúng tôi đang điều trị cho rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi và chúng tôi rất đau lòng khi phải chứng kiến họ liên tục qua đời khi mà cuộc sống chỉ mới bắt đầu”, tiến sĩ Pedro Carvalho, hiện đang làm việc tại một bệnh viện đông đúc ở phía Đông Bắc thành phố Petrolina, chia sẻ và cho biết, trong một ca trực gần đây tại bệnh viện này, ông đã phải làm việc liên tục 16 giờ mà không có thời gian ăn uống.

Ngay cả tại Đức, quốc gia giàu có và đông dân nhất châu Âu và từng được khen ngợi trong việc phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả với tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất thế giới, thì trong 4 tháng qua, số ca tử vong ở nước này đã tăng từ 23.000 lên hơn 81.000. Thủ tướng Angela Merkel cho rằng sự miễn cưỡng của các thống đốc bang trong việc thực thi các lệnh phong tỏa là nguyên nhân chính dẫn đến đợt bùng phát này. Để đối phó với tình hình mới, từ ngày 25/4, chính phủ Đức đã yêu cầu người dân phải ở nhà từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng, đóng cửa tất cả các cửa hàng, câu lạc bộ, quán cà phê, nhà hàng, phòng tập thể dục và chỉ cho phép các cửa hàng tạp hóa hoạt động bình thường.

Trong tuần trước, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã tăng lên con số kỷ lục 5,7 triệu, gần gấp đôi so với mức trung bình trong bảy ngày vào cuối tháng 2. Số ca tử vong hiện cũng xấp xỉ con số 3,1 triệu, tăng hơn 87.000 ca. Những con số này làm dấy lên lo ngại rằng điều tồi tệ nhất của đại dịch có thể vẫn chưa đến.

Hiện, vắc-xin vẫn là giải pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và các biến thể của nó. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo tình trạng thiếu vắc-xin ở nhiều nước trên thế giới như hiện nay sẽ làm tăng khả năng xuất hiện các biến thể mới và nguy hiểm hơn. “Điều khiến chúng tôi thực sự lo lắng là sẽ xuất hiện một biến thể nào đó có khả năng vô hiệu hóa tất cả các loại vắc-xin tốt nhất mà chúng ta đang có hiện nay”, tiến sĩ Tim Schacker, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là Phó trưởng khoa nghiên cứu tại Đại học Y khoa Minnesota, lo lắng chia sẻ.

“Vắc-xin, với những tác dụng tích cực nhất định trong phòng chống COVID-19, đang tạo ra sự khích lệ đối với những quốc gia sở hữu nó, nhưng đồng thời cũng đem đến sự tuyệt vọng cho hầu hết các quốc gia khác trên thế giới vốn không có nó”, Suerie Moon, đồng Giám đốc của Trung tâm Y tế toàn cầu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế và phát triển ở Geneva, nhận định và kêu gọi Mỹ cũng như các quốc gia giàu có khác nên góp phần thúc đẩy tăng nguồn cung cấp vắc-xin trên toàn cầu.

“Nếu đại dịch tiếp tục lấy đi sinh mạng của nhiều người dân trên thế giới trong nhiều năm, nó có thể trì hoãn sự phục hồi kinh tế toàn cầu và cuối cùng, sẽ bùng phát trở lại với các biến thể mới nguy hiểm hơn mà ngay cả các quốc gia đang sở hữu nhiều nguồn vắc-xin cũng khó có thể kiểm soát được. Ở đây, các lợi ích về dịch tễ học, kinh tế và các vấn đề về đạo đức đều có ý nghĩa quan trọng như nhau, nghĩa là chúng ta phải cùng nỗ lực hết mình để có thể cung cấp vắc xin cho toàn thế giới”, Moon cảnh báo.

Nhất Nguyên (theo LA Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI