PNO - PN - Sau khi Báo Phụ Nữ có bài viết về Tổ chức giáo dục Người Khổng Lồ thuộc Công ty NTG (21/8/2013), chúng tôi tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều người từng là “nạn nhân” của đơn vị này.
edf40wrjww2tblPage:Content
Từ cổ đông thành con nợ
Nhiều thành viên từng tham gia dự án của NTG bức xúc: Nếu chỉ tham gia xong hội thảo và các khóa học thì không có gì đáng nói, nhưng số điện thoại của học viên còn liên tục được nhân viên của Người Khổng Lồ gọi, nhắn tin bất kể giờ giấc để chào mời các khóa học, gọi phỏng vấn vào dự án NTG... Học viên tiếp tục bị chiêu dụ với những cơ hội hấp dẫn để thay đổi cuộc đời nên bị cuốn theo các sự kiện, dự án...
P.M. và Q.H., những người từng là cổ đông của công ty tường trình: Cuộc đời của chúng tôi đúng là đã thật sự thay đổi khi bắt đầu dành tiền mua cổ phần (mỗi cổ phần trị giá 10.000đ) từ Lê Chí Linh, để trở thành cổ đông của công ty. Khi chúng tôi đầu tư vào, Linh nói vốn điều lệ là hai tỷ. Chúng tôi chỉ là sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai... chưa hiểu hết thế nào là công ty cổ phần nên không đòi hỏi kiểm tra sổ sách, chỉ tin vào lời hứa sẽ được trở thành cổ đông sáng lập. Mỗi người đã mượn từ vài chục đến hơn trăm triệu đồng đầu tư, hy vọng trở thành doanh nhân. Sau đó, chúng tôi mới biết mọi thứ đều do Linh quyết định vì anh ta cho rằng anh ta có quyền cao nhất, chiếm đến hơn 50% cổ phần. Linh thường xuyên báo công ty lỗ, thiếu nợ đối tác, trong đó nợ… chính Linh rất nhiều. Đến nay thì cổ phần của chúng tôi không biết đã đi về đâu.
Khi tham gia vào dự án doanh nhân NTG, cổ đông phải nộp phạt mỗi khi vi phạm hoặc không đạt chỉ tiêu bán vé hội thảo, khóa học... nên dần trở thành những con nợ. Với số nợ lên đến hơn 100 triệu đồng, M. phải miệt mài làm thêm để trả nợ, cuối cùng là buộc phải nghỉ học một học kỳ để giải quyết bớt nợ nần và tạm quên thời gian ám ảnh khi làm “cổ đông”. H. từng là thành viên của Người Khổng Lồ chia sẻ: Thực ra, kiếm tiền, huy động vốn bằng cách xoay vòng tài chính không có gì xấu nhưng ở đây, đối tượng được hướng dẫn áp dụng lại là sinh viên - những người chưa đủ khả năng để tự gánh số nợ quá lớn.
Hiện các nạn nhân của Người Khổng Lồ đang tập hợp những “người đồng cảnh” để trình báo công an.
Ảnh chụp lại từ tin nhắn khủng bố và các status trên trang facebook của Lê Chí Linh và nhân viên của Người Khổng Lồ
Bị đuổi học vì gian lận thi cử vẫn làm diễn giả!
Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - nơi Lê Chí Linh từng theo học cho biết: Linh học ngành cơ khí ô tô rồi bỏ học. Sau đó, Linh chuyển sang học quản trị kinh doanh, bảng điểm cho thấy không ít lần Linh đạt điểm dưới trung bình, thậm chí là điểm 0 (có thể do bỏ thi), tạm dừng học một thời gian và cuối cùng là bị nhà trường đình chỉ học vào khoảng giữa năm 2011 vì nhờ người thi hộ...
Ông Nguyễn Việt Trung, Giám đốc đào tạo của TGM Corporation, đơn vị Linh từng cộng tác, cho biết: TGM đã phát hiện một số nội dung học, bài tập trải nghiệm và huấn luyện ngoài trời quan trọng bị Lê Chí Linh sao chép trong quá trình Linh làm trợ lý huấn luyện tại TGM. (Linh từng làm ở TGM, sau đó bị loại khỏi đội ngũ). TGM có thông báo cho đối tác bán bản quyền của mình là AKLTG tại Singapore về vấn đề sao chép bản quyền này. Thời gian đầu, nhiều người học lầm tưởng hai chương trình là một nên phàn nàn học phí của TGM cao hơn. Thật ra, Linh chỉ sao chép một phần nội dung nhưng không nắm được những nguyên tắc cốt lõi nên không thể nào đảm bảo chất lượng huấn luyện.
"Sở không thể quản" (!?)
Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, Sở không quản lý những trung tâm như Người Khổng Lồ vì dạy kỹ năng sống không phải dạy nghề, không có bất kỳ tiết học nào liên quan đến nghề nghiệp để đưa vào quản lý. Những đơn vị này thường chỉ cần được Sở Kế hoạch đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là hoạt động.
Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: Các hoạt động dạy kỹ năng sống trong trường học phải có giáo trình phù hợp, có kiểm tra đàng hoàng. Trong khi đó, những đơn vị dạy kỹ năng sống bên ngoài chỉ cần giấy phép thành lập công ty mà không cần giấy phép phụ trợ cho hoạt động giảng dạy như các đơn vị trường học nên Sở không thể quản. Hiện không có văn bản cụ thể nào về việc quản lý những đơn vị này, cũng như không có quy định về giáo trình giảng dạy. Không có văn bản pháp quy hướng dẫn hoạt động nên cũng không thể đưa vào quản lý, kiểm tra hoạt động tư vấn, giảng dạy của những trung tâm này. Cũng tương tự các trung tâm du học, trung tâm kỹ năng sống hoạt động rất sôi động nhưng chưa có một đơn vị cụ thể quản lý chuyên môn nên họ muốn dạy gì, thu học phí bao nhiêu, chất lượng thế nào cũng đành chịu.
GIA TUỆ
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
(Trích bình luận của bạn đọc cho bài viết "Tổ chức giáo dục Người Khổng Lồ: Loè người học?")
Ngay từ năm 1 mình đã được biết đến NTG, nhưng mình không quan tâm lắm. Cho đến bây giờ, mình đã học năm 3, và mình có một đứa bạn là thành viên của NTG. Mình không rõ tổ chức đó làm việc ra sao, nhưng nhìn vào bạn mình, mình có một số nhận xét sau: Thứ nhất, như mọi người nói, trong đó họ ăn mặc rất đẹp, váy công sở, áo sơ mi...cứ như một doanh nhân thực sự. Thứ hai, để tham gia các hoạt động của NTG, mình thấy bạn mình càng ngày càng ít xuất hiện trên lớp, nếu như không muốn nói là hầu như không thấy. Thi cuối kì bạn cũng không đi thi. Và hiển nhiên là bạn rớt rất nhiều môn. Thứ ba là, bạn mình cũng thường xuyên mời mình và các bạn trong lớp mua vé tham dự hội thảo.
Điều mình muốn nói ở đây là, dù tổ chức đó hoạt động theo hướng tích cực hay tiêu cực đi chăng nữa, việc các bạn phải nghỉ học để tham gia, đó là chuyện không tốt rồi. Có thể NTG dạy kỹ năng này nọ, nhưng mình nghĩ trước hết mỗi người cần phải có một nền vững chắc, đó là những kiến thức cơ bản được dạy ở trường. Lớp mình có 3 bạn tham gia, một bạn đã bỏ học luôn, một bạn thì còn học nhưng không biết kéo dài được bao lâu, còn một bạn rất may mắn đã rời khỏi NTG và đi học lại bình thường. Các bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tham gia. Chúc các bạn thành công!
Minh My
Đứa cháu gái gọi tôi bằng dượng đang học Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại năm thứ hai. Khi mới bước chân vào giảng đường, vì tin bạn nên cháu bị nhóm bạn rủ rê tham gia vào chương trình của Người Khổng Lồ. Cứ nghĩ cháu sẽ lo học hành trong trường, không ngờ khi nó tham gia vào câu lạc bộ Người Khổng Lồ, nó trở nên ngang tàng, cha mẹ nói nó không nghe, cô dượng khuyên nó cũng không nghe. Nó cứ nghĩ là qua câu lạc bộ Người Khổng Lồ là nó tự tin trong cuộc sống, tự kiếm tiền nuôi bản thân và có thể trở thành lãnh đạo. Đóng học phí mấy triệu đồng, Người Khổng Lồ cho học đúng hai buổi là xong chương trình.
Khi đã tham gia câu lạc bộ Người Khổng Lồ thì các thành viên bắt buộc phải tuân thủ theo quy định của câu lạc bộ. Sáng 5 giờ tập trung tại công viên Lê Văn Tám, Q.1 để sinh hoạt nhóm, ai đi trễ bị phạt, làm sai quy định của câu lạc bộ cũng bị phạt. Rốt cuộc, từ câu lạc bộ này mà tiền cha mẹ gửi vào cho ăn học bao nhiêu cũng thấy thiếu, không chu cấp tiếp thì nó bỏ học, đành phải cắn răng giải cứu con mình.
Khi tôi vào google xem và để kiểm tra tính trung thực của Người Khổng Lồ, mới phát hiện ra đây là một sự lừa đảo và khuyên cháu nên bỏ đi đừng tham gia sinh hoạt nữa. Tiền đóng rồi, mất chút ít còn hơn cứ theo Người Khổng Lồ để rồi học hành sa sút, khổ cho cha mẹ. Rồi nó cũng nghe ra và không bị Người Khổng Lồ lừa đảo nữa. Hãy cảnh tỉnh với những màn quảng cáo ảo của nhóm lừa đảo tinh vi.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.