Thêm nhiều lỗi CSGT sắp được xử phạt

09/05/2016 - 14:06

PNO - Có thêm lỗi bấm còi không đúng giờ quy định và không giảm tốc độ khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ ra đường sắp bị xử phạt.

Mức phạt các lỗi vi phạm giao thông với người điều khiển xe máy năm 2016 có một số thay đổi so với năm 2014.

Them nhieu loi CSGT sap duoc xu phat
Bấm còi vào giờ cấm sẽ bị xử phạt

Mức phạt này áp dụng cho năm 2016 được căn cứ từ dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định 171/2013/NĐ-CP.

Bảng mức phạt tiền các lỗi vi phạm giao thông 2016 mới nhất dành cho xe gắn máy cho thấy, ngoài mức phạt đã tăng lên 50.000đ, 100.000đ cho các lỗi thường gặp như: vượt đèn đỏ, lấn tuyến, không đội mũ bảo hiểm, không bật xi nhan...

Đặc biệt còn có thêm lỗi bấm còi không đúng giờ quy định, và không giảm tốc độ khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ ra đường.

Them nhieu loi CSGT sap duoc xu phat
Mức phạt vi phạm giao thông mới nhất với xe máy

Cụ thể, bấm còi trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h sáng ngày hôm sau trong khi đông dân cư sẽ bị phạt tiền từ 50.000 - 100.000 đồng.

Xử phạt 150.000 - 250.000 đối với lỗi không giảm tốc độ khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính.

Từng trao đổi về vấn đề này trên báo Giao thông, Đại úy Nguyễn Công Hà (Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết:

 ''Luật GTĐB nghiêm cấm người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường bấm còi trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau trong khu đô thị, khu dân cư.

Trường hợp, người điều khiển phương tiện lưu thông thời gian này mà bấm còi inh ỏi sẽ gây ảnh hưởng đến giấc ngủ cũng như làm xáo trộn đến sự yên tĩnh trong khu vực.

Nếu người điều khiển xe máy lưu thông sau 22h muốn xin đường thì hãy bật tín hiệu đèn hoặc xi nhan cho các phương tiện khác lưu thông trên đường biết để nhường đường. Còn nếu người điều khiển xe máy trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h sáng ngày hôm sau mà bấm còi sẽ bị xử phạt.''

Tuy nhiên trên thực tế, những lỗi như trên vẫn thường xuyên xảy ra, rất hiếm hoặc gần như không bị xử phạt.

Trao đổi về vấn đề này, anh Nguyễn Trường Giang (34 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: ''Luật cấm người điều khiển xe máy bấm còi sau 22h tối nhưng mọi người hãy đi ra đường vào giờ này xem. Có khác nào ban ngày không? Thậm chí nhiều chỗ vào giờ ấy vẫn còn tắc thì đừng mong họ không bóp còi''

Đồng quan điểm với anh Giang, chị Ngô Thu Hiền (38 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) kể lại: ''Nhà tôi có con nhỏ, lại ở mặt đường, nhiều lúc muốn dỗ cho cháu nó ngủ sớm nhưng không được bởi xe đi ngoài đường vẫn ầm ầm, bấm còi inh ỏi. Luật thì đã ra rồi nhưng có thấy xử phạt bao giờ đâu''

''Rất nhiều trường hợp bị tai nạn vì va chạm với xe đi với tốc độ nhanh từ trong ngõ ra đường chính. Bản thân tôi cũng bị gãy tay khi va chạm với một thanh niên phóng bạt mạng từ ngõ Văn Chương ra.

Luật quy định giảm  tốc độ là giảm như nào, chẳng lẽ từ 80 km/h xuống 60km/h cũng dc coi là giảm. Xử phạt những người này kiểu gì? Chẳng lẽ mỗi anh Công an giao thông đứng trực 1 ngõ để bắt đối tượng vi phạm?'' chị Dương Thu Phương (28 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) bức xúc.

Chuyện bấm còi xe thiếu văn hóa là cảnh tượng hàng ngày diễn ra trên đường phố không chỉ gây khó chịu, bực bội cho người đi đường mà không ít trường hợp còn gián tiếp gây ra những tai nạn giao thông rất thương tâm. Đặc biệt là tiếng còi hơi từ các loại xe container, xe tải, xe ben, xe taxi, xe khách…

Theo Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT quy định, âm lượng còi xe các phương tiện khi tham gia giao thông dao động từ 90 đến 115 decibel. Nhưng thực tế, có nhiều ôtô gắn các loại còi hơi, còi kích âm lên tới 250 decibel, gấp 2,5 lần so với bình thường

Điều này vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, gây mất trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến người cùng tham gia giao thông. 

Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa có chế tài xử phạt cụ thể nào cho những trường hợp này.

Hoàng Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI