Thêm nghi vấn sữa giả bán trong bệnh viện, người dân hoang mang “không biết tin vào đâu”

18/04/2025 - 16:39

PNO - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn vừa thông báo dừng tư vấn sữa Hapomil dùng cho trẻ em, do một công ty trong đường dây sữa giả sản xuất.

Sữa Hapomil
Sữa Hapomil

Bệnh viện tư vấn sữa của công ty trong đường dây sữa giả

Theo Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn, sau khi cơ quan chức năng triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, đơn vị này đã rà soát và phát hiện sản phẩm sữa Hapomil do Công ty cổ phần dược Quốc tế Rance Pharma sản xuất - đây là một trong các công ty bị điều tra.

Sản phẩm này do Công ty cổ phần Dinh dưỡng quốc tế Happy World cung ứng vào bệnh viện theo đúng quy định đấu thầu.

Bệnh viện khẳng định: không ký kết hợp đồng trực tiếp với Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma - một trong những đơn vị bị điều tra trong vụ việc nêu trên. Công ty cổ phần Dinh dưỡng quốc tế Happy World - đơn vị cung ứng sản phẩm cho bệnh viện - hiện không có tên trong danh sách các công ty bị công bố có liên quan đến đường dây sản xuất sữa giả.

Hiện, theo Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn, chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng về việc sản phẩm sữa Hapomil có phải là hàng giả hay không.

“Trong trường hợp sản phẩm bị kết luận là hàng giả, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn cùng với người sử dụng loại sữa trên đều là bên bị hại và bệnh viện cam kết sẽ đồng hành cùng người bệnh để đòi lại quyền lợi chính đáng”, thông báo của bệnh viện nêu.

Trước đó, trên mạng xã hội, 1 tài khoản cho hay, con chị đã sử dụng sữa Hapomil do Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn tư vấn. Theo đó, khi sinh, chị có mang theo sữa do gia đình chuẩn bị. Tuy nhiên, tại bệnh viện, gia đình được bác sĩ tư vấn sữa, dung dịch vệ sinh, thuốc bổ... Trong đó có sản phẩm sữa Hapomil.

Giá mua 1 hộp sữa này gần 600.000 đồng. Sau khi phát hiện sản phẩm do công ty đang bị điều tra vì sản xuất sữa giả, chị vô cùng bức xúc vì gia đình thậm chí còn tìm mua thêm sữa Hapomil do tin rằng, bệnh viện đã tư vấn là... uy tín!

Niềm tin lung lay

Sữa Hofumil Gold Plus từng được cung ứng trong Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Sữa Hofumil Gold Plus từng được cung ứng trong Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Không chỉ có Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn, mới đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng đã thông tin, sau rà soát phát hiện ra sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus được cung ứng trong bệnh viện thuộc danh mục các sản phẩm sữa của một trong các công ty sản xuất sữa giả. Bệnh viện đã dừng sử dụng sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus và thu hồi sản phẩm này để trả lại đơn vị cung ứng.

Những thông tin trên khiến nhiều bệnh nhân và gia đình hoang mang. Chị M.P. (Bắc Kạn) cho hay, vợ chồng chị còn từng cãi nhau về việc dùng sữa cho con sau khi sinh: “Khi vào bệnh viện, mình có mang sữa nhưng bác sĩ tư vấn dùng sữa Hapomil. Mình nói không cần thiết nhưng chồng mình nhất định bảo phải mua, vì bác sĩ khuyên dùng là hàng chất lượng. Cho đến khi đọc thông tin về sữa này, chồng mình mới “chết lặng”, vì thực sự không biết đặt niềm tin vào đâu cho đúng chỗ”.

Trong khi đó, các bộ ngành vẫn tiếp tục “đá bóng”, không ai chịu trách nhiệm cho sức khỏe của người dân khi sử dụng phải sữa giả, dù đó là những bà bầu, trẻ sơ sinh, người có bệnh nền mạn tính như tiểu đường, suy thận...

Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người dân chia sẻ băn khoăn, nếu vào tới bệnh viện còn gặp phải sữa giả, sữa kém chất lượng thì người dân muốn làm “người tiêu dùng thông thái” cũng khó.

Sau vụ việc bê bối sữa giả, Viện Dinh dưỡng đã đưa ra cảnh báo cho người dân về các nguy cơ khi sử dụng sữa giả, cũng như những lời khuyên dành cho người bệnh khi chọn sữa. Trong đó, bác sĩ khuyến cáo: “Khi lựa chọn một loại sữa nào, nên tham khảo ý kiến từ chuyên gia y tế”.

Tuy nhiên, cũng chính 2 chuyên gia đầu ngành từng công tác tại bệnh viện này, nay đã nghỉ hưu, lại là người xuất hiện trong clip quảng cáo sữa giả. Bà Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng - nói đánh giá "rất cao” Công ty Hacofood về tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong quản lý an toàn sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn của FDA Mỹ.

Còn bà Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng) - khẳng định uy tín của Hacofood với "11 năm kinh nghiệm cho các sản phẩm sữa cho mẹ và bé, có mặt hầu hết ở tất cả bệnh viện, phòng khám hoặc cửa hàng sữa trên toàn quốc”.

Trong công văn mới đây của Cục An toàn thực phẩm, các cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho nhân viên, kể cả cán bộ nghỉ hưu thực hiện nghiêm việc không quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng.

Khi sự việc đổ bể, cả bệnh viện, cả chuyên gia y tế đều khẳng định mình là “nạn nhân”. Còn những người đã sử dụng sữa chỉ biết “than trời”, không chỉ vì số tiền đã bỏ ra mua sản phẩm mà phải cõng thêm những mối lo lắng cho sức khỏe, đồng thời, đánh mất đi ít nhiều niềm tin vào những lời tư vấn của chuyên gia y tế.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI