Thêm Nghị định hạn chế diễn viên uống rượu, bia trên phim: Rào cản của sáng tạo?

27/02/2020 - 07:29

PNO - Từ 24/2/2020, các cảnh quay uống rượu, bia trên phim chỉ nhằm khắc hoạ nhân vật/tái hiện sự kiện lịch sử hay phê phán hành vi này, còn lại, phải được hội đồng duyệt phim đồng ý.

Hạn chế, không phải cấm

Nghị định 24 của Chính phủ có hiệu lực từ 24/2/2020, quy định chi tiết một số điều trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đáng chú ý, Điều 4 của Nghị định ghi rõ: “Hạn chế hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình”.

Cụ thể, việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình phải bảo đảm nhiều yêu cầu. Trong đó, Nghị định quy định không có hành vi uống rượu, bia trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh, truyền hình dành cho người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp cần phê phán, lên án hành vi này. Cảnh quay uống rượu, bia trong phim không thực hiện ở nơi công cộng như trạm xe buýt, trường học, bệnh viện, nhà hát...

Ngoài ra, tác phẩm không ca ngợi tổ chức/cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh rượu, bia. Chỉ sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong trường hợp cần thiết để khắc hoạ nhân vật/tái hiện sự kiện lịch sử hay phê phán hành vi này.

Còn lại, các trường hợp vì nghệ thuật nhưng không nhằm mục đích khắc hoạ nhân vật/tái hiện sự kiện lịch sử hay phê phán hành vi phải được cơ quan có thẩm quyền duyệt phim chấp thuận, trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Thẩm định phim.

Lâm Vinsay
Lâm Vinsay trong một buổi tiệc, phim Lời nguyền gia tộc.

Mức độ xuất hiện cảnh diễn viên uống rượu, bia trong các trường hợp kể trên sẽ là tiêu chí phân loại để phổ biến phim theo lứa tuổi phù hợp, được lồng ghép trong tiêu chí phân loại phim theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Với Nghị định 24, bước đầu, dễ thấy điểm tích cực vì nếu siết chặt các quy định, chí ít những cảnh quay quảng cáo bia rượu một cách lộ liễu, hoặc cảnh quay thức uống "có cồn" không phục vụ nội dung sẽ bị “gọt”. Tuy nhiên, để khẳng định rằng Nghị định có đang đeo thêm vòng kim cô hay giữ vai trò sàng lọc bước đầu cho các tác phẩm điện ảnh, thì không dễ trả lời.

Vòng kim cô trong sáng tạo nghệ thuật?

Cuối năm 2018, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư 25 quy định việc hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh (thay thế cho Thông tư số 02/2014). Thông tư 25 từng khiến giới làm nghề không khỏi lo lắng, hoang mang lẫn lúng túng, nhưng Nghị định 24 này càng khiến sự lúng túng cao hơn. 

Chia sẻ với Báo Phụ Nữ TPHCM, đạo diễn Phan Đăng Di cho biết: “Nghị định 24 còn mơ hồ và nhiều hạn chế. Trong cuộc sống, rượu, bia tồn tại trong nhiều cảnh sinh hoạt đời thường,vậy liệu phim có còn đời, còn chân thật không khi phải bỏ đi những cảnh quay mà chúng buộc phải xuất hiện? Ví dụ như 2 vợ chồng uống rượu giao bôi trong đêm tân hôn, cảnh quay này không nhằm mục đích phê phán hành vi uống rượu, bia; vậy thì phim ảnh từ bây giờ sẽ không có cảnh đó?”.

Riêng với khía cạnh nếu các cảnh phim không nhằm mục đích khắc hoạ nhân vật/tái hiện sự kiện lịch sử hay phê phán hành vi, thì phải qua ải kiểm duyệt, đạo diễn Phan Đăng Di nói thêm:

“Với Nghị định 24, những phim có cảnh sử dụng rượu, bia sẽ gây khó cho đạo diễn, ví như cảnh đám cưới ở vùng quê, cảnh tại quán bar, cảnh những tên cộm cán gặp mặt nhau tại bữa tiệc và mời rượu... Nếu không có những quy định rõ ràng hơn, chắc chắn, Nghị định 24 tiếp tục là vòng kim cô với sáng tạo điện ảnh. Điều này nguy hiểm với những nhà làm phim, đồng thời tạo thêm áp lực cho hội đồng kiểm duyệt”.

Trong phim Siêu quậy có bầu, tình huống nữ chính uống say cùng người bạn học tạo tình huống phát triển câu chuyện.
Trong phim Siêu quậy có bầu, chi tiết nữ chính uống say cùng người bạn học tạo tình huống phát triển câu chuyện.

Đồng quan điểm với đạo diễn Phan Đăng Di, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết mục đích của Nghị định 24 có thể tốt nhưng đưa vào thực thi, chưa chắc giữ được mục đích ban đầu. Nam đạo diễn lấy dẫn chứng về những bối cảnh thật sự cần để nhân vật sử dụng rượu, bia nhằm khắc hoạ tính cách. Nếu phải hạn chế, đạo diễn Lưu Trọng Ninh khẳng định sẽ tuân thủ nhưng cần phải làm rõ chữ “hạn chế” được nhắc đến trong Nghị định.

“Không riêng Việt Nam, nhiều nước cũng có những quy định đối với các cảnh quay có bia, rượu. Tuy nhiên, họ luôn rõ ràng rằng như thế nào là bị cấm. Tôi ví dụ, nếu quy định chỉ cho phép có 5% các cảnh quay có hình ảnh rượu, bia xuất hiện trên phim; hạn chế nhân vật chỉ được uống bằng cốc nhỏ không dùng cốc lớn; hạn chế cụ thể về nồng độ của rượu, bia... thì dễ hơn cho người làm phim. Còn Nghị định 24 hiện tại vẫn còn chung chung, mơ hồ” - đạo diễn Lưu Trọng Ninh nhận định.

Nhân vật do Mỹ Tâm thủ vai trong phim Chị trợ lý của anh cũng từng uống bia giải sầu khi gặp căng thẳng.
Nhân vật do Mỹ Tâm thủ vai trong phim Chị trợ lý của anh cũng từng uống bia giải sầu khi gặp căng thẳng.

Theo đạo diễn Mai Thế Hiệp, trong Nghị định 24 có một điểm dễ hiểu cho giới làm nghề ở chỗ, nếu phim có cảnh uống rượu bia, phải xác định ngay từ đầu, đây là phim dành cho đối tượng khán giả từ 18 tuổi trở lên.

“Nghị định 24 nói rằng sẽ hạn chế hình ảnh bia, rượu nếu đối tượng khán giả dưới 18 tuổi. Do đó, nếu một bộ phim buộc phải có sự xuất hiện cảnh bia, rượu thì xác định từ ban đầu, phim được dán nhãn cho khán giả từ 18 tuổi trở lên. Và ngược lại, với khán giả dưới 18, đạo diễn phải cân nhắc vì độ tuổi này dễ học theo hình ảnh, nhân vật trên phim” - đạo diễn Mai Thế Hiệp nói thêm.

Không sai khi nói Nghị định 24 đang làm khó các đạo diễn Việt về mặt thực thi. Điều này sẽ tạo ra một số cản trở, mà nói theo cách của đạo diễn Phan Đăng Di, nếu Nghị định không quy định cụ thể thì sẽ dễ áp dụng theo cảm tính và chắc chắn, đó là mối nguy cho điện ảnh.

Diễm Mi

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nguyên Tâm 27-02-2020 13:51:27

    Haiza, riết rồi nghệ thuật không còn phản ảnh cuộc sống hiện thực nữa mà dường như là phản ảnh ý thích của ai đó, ban ngành nào đó thì phải...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI