Thêm một tuổi là sức khỏe giảm dần mà nỗi lo con cháu cứ chất chồng...

22/11/2016 - 06:30

PNO - Tôi nhìn những giọt mồ hôi thánh thót trên gương mặt người đàn bà ngoài 60 giữa cái nắng chang chang ngoại thành mà thương chi lạ.

1. “Còn có bốn tờ, mua giùm tui đi cô”. Trong khi chờ tôi vào nhà lấy tiền, dì không ngại bước vào hiên, ngồi dang chân nghỉ mệt. “Mới giờ này mà hết vé thì sướng rồi!”. “Giờ về lấy vé bán tiếp đây chứ cô. Phải bán mỗi ngày 100 vé mới đủ… sở hụi cô à”. “Một trăm vé thì lời bao nhiêu?”. “Lời một trăm hai chục ngàn đồng, mà đi rã giò cô ơi”.

Tôi nhìn những giọt mồ hôi thánh thót trên gương mặt người đàn bà ngoài 60 giữa cái nắng chang chang ngoại thành mà thương chi lạ. Đôi mắt sâu mà to, sống mũi cao và cái miệng rộng rất duyên ấy, nếu không vì mưu sinh vất vả, hẳn dì Tư vẫn còn “sáng sủa” lắm.

Dì Tư kể lại câu chuyện của mình bằng đôi mắt ráo hoảnh. Chừng như nước mắt chẳng còn để chảy, bởi đã đi qua nỗi đau đến chai lì cảm xúc. “Giờ này không tự mưu sinh nuôi thân mình, nuôi cả bốn đứa con trai đã ngoài 30, với đứa con gái và cháu ngoại, thì cũng chẳng cam lòng cô ạ”.

Nước da sạm đi vì nắng, đôi bàn chân bám đầy bụi đường, với bộ quần áo cũ mèm, dì rong ruổi khắp các ngả đường để kiếm mỗi ngày hơn trăm ngàn đồng mà nuôi tới bảy miệng ăn.

Them mot tuoi la suc khoe giam dan ma noi lo con chau cu chat chong...

“Mấy cậu con trai không đi làm hả dì?”. “Có chứ. Tụi nó đều là công nhân, có lương hẳn hoi, nhưng bảo không đủ sống, nên chẳng đứa nào chịu phụ mẹ. Đi làm thì thôi, chứ về nhà là tụi nó vào bếp lục cơm. Tui làm mẹ, con không có cơm ăn cũng xót lắm. Tui chẳng tập con hư, cũng chẳng bắt tụi nó hiếu thảo. Nhưng có lẽ số tui không được nhờ con như người ta”.

Dì Tư kể, dì bán căn nhà lớn ở Q.Tân Bình rồi lên Vĩnh Lộc B, Bình Chánh sinh sống. Vì ông chồng nát rượu (về sau chết cũng vì rượu), một mình dì phải nuôi bầy con, nên đành bán nhà. Nghe hàng xóm bảo trong bốn đứa con trai thì có tới ba đứa đã xài “hàng đá”. Dì hỏi thì tụi nó trợn mắt, có đứa còn đòi đánh mẹ, nên dì đành phó mặc, tự an ủi mình còn khỏe là còn mưu sinh để con cái nhờ được chừng nào hay chừng ấy.

Dì chẳng dám nghĩ về tương lai các con, bởi nó quá mù mịt. Chỉ mỗi ngày trôi qua thật bình yên với mỗi thành viên trong nhà, là ổn rồi. Dì bảo, chín giờ sáng mới rời nhà đi bán, vì phải làm việc nhà, cơm nước xong xuôi mới ra đi. Nhà có bốn thằng con trai như bốn cây cổ thụ tưởng che chắn cho mẹ. Vậy mà…

2. Bà Chi có ba con trai và một con gái. Bà Chi “hơn” dì Tư là bán tới ba lần nhà, và đang có nguy cơ tiếp tục bán nhà để mua cái nhà nhỏ hơn, xa hơn. Hai đứa con trai và đứa con dâu đang ngồi tù vì mua bán và sử dụng chất ma túy. Trong đó có một đứa ốm nặng, nên từ tháng 11 bà phải đích thân lên chăm con. Giờ thằng nhỏ đã khỏe, nghe đâu hết tháng giêng này xuất viện, bà sẽ được về nhà ăn tết muộn.

Trước khi về Vĩnh Lộc B sinh sống, bà Chi bán lần lượt những căn nhà ở Q.11, Q.Bình Tân, rồi Bình Chánh. Bán nhà lớn để mua nhà nhỏ, còn thừa tiền thì tạo điều kiện cho các con ra riêng. Tiếc nhất là dãy nhà trọ 10 phòng bà cũng bán vì xã hội đen tới nhà đòi giết con bà vì tiền nợ, tiền lãi, và cũng vì lời hứa “làm lại từ đầu” của đám con hư. Để rồi bây giờ, tất cả cũng quy về một mối.

Căn nhà 56m2 với mười mấy con người chen chúc, đi ra đi vào chạm nhau đến ngột ngạt. Ngay như thằng con út chưa vợ, được cho là đàng hoàng nhất trong đám con trai, nhưng mỗi sáng đều ngửa tay xin mẹ năm chục ngàn đổ xăng, ăn sáng, dù nó đã là thợ sửa xe lành nghề. Vậy mà có lúc nó phân bì “con là đứa ít… báo mẹ nhất rồi còn gì!”.

Mười năm nay, bà Chi quen với cảnh thăm nuôi. Bà rành chuyện cái gì được phép mang vào trại, cái gì phải mua ở căng tin trại giam. Bà không có tiền để mua nhiều thức ăn ngon cho con. Đi thăm cốt để được gặp mặt con, dù nó là đứa con hư cỡ nào, cũng là con bà. Hai đứa con trai bà ra trại vào trại như đi chợ cũng vì ma túy. Xem ra đến cuối đời, bà khó có cơ hội được nhìn con mình thay đổi, vì nó không biết thương mẹ.

Thêm một tuổi là sức khỏe giảm dần mà nỗi lo con cháu cứ chất chồng. Hai đứa con trai trong trại giam với bốn đứa cháu nội là “món nợ” trả hoài không hết. Mà cái nợ con cháu nghiệt ngã lắm, chẳng thể vứt bỏ được, bởi nó là máu mủ của mình.

Bà Chi nhìn tôi như nhắn nhủ ông bà mình nói “nước mắt chảy xuôi”. Làm cha làm mẹ có thể chấp nhận chuyện “nước mắt chảy xuôi”. Nhưng làm con làm cái, đừng vịn vào câu nói ấy mà làm khổ mẹ cha. Tội bất hiếu là tội tày trời.

Ái Nghĩa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI