Thêm một tuổi, già dặn hơn để thông hiểu sâu sắc hơn

18/05/2020 - 11:49

PNO - Thêm một tuổi, già dặn hơn để thông hiểu sâu sắc hơn là điều độc giả phe ta chờ mong, dĩ nhiên có tôi, vì rời khỏi bàn phím và cầm tờ báo lên thì tôi cũng là một độc giả.

Tôi làm quen với Báo Phụ Nữ TPHCM bằng những bài viết về kỷ niệm một thời, đó là dịp để tôi nhớ lại thời thanh xuân của mình và bạn bè trong thời bao cấp thiếu thốn nhưng cũng rất đỗi trong trẻo, như là tập văn nghệ với nhạc cụ là hai cái nắp nồi… 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhớ và cười một mình là chuyện rất khác với nhớ và viết ra kể ra cho người ta biết, rồi hồi hộp chờ đợi và rất cảm động khi được bạn đọc đồng cảm. Rồi thì tôi lấn sân qua đề tài rộng hơn - Hôn nhân Gia đình - đề tài không mới mẻ nhưng chưa bao giờ là xưa cũ, và đó chính là thử thách bởi lẽ đã có quá nhiều bài viết về nó. Tôi xoay xở tìm một cách nhìn khác, và tôi phải thường xuyên “update” chính mình với lòng mong muốn không làm bạn đọc cảm thấy nhàm chán.

Bạn đọc đầu tiên là người biên tập. Gửi bài đi và nhận về vài chữ ngắn ngủi “đang lên trang bài của chị”. À, thở phào yên tâm bài không bị chê, với tác giả vậy là đủ vui rồi.

Nhưng nhiều khi niềm vui còn được cộng thêm nỗi lâng lâng vì có dòng hồi âm đượm mùi ngôn tình “đọc bài của chị xong bỗng muốn rủ ai đó…”. Ồ, vẫn biết bạn biên tập đôi khi cho tác giả uống nước đường mà sao mình vẫn mê vị ngọt của nó…

Nhưng có nhiều khi màn hình trước mặt cứ một màu xám trắng bởi câu cú vừa gõ xong thì phải nhấn phím “delete” luôn vì thấy mình lặp lại chính mình, chợt nhớ câu chuyện mình đang muốn kể ra đây đã có người khác kể và kể rất hay. Sợ bạn đọc nhàm chán là nỗi sợ rất thật, có thể đong đếm được. Không có gì mới lạ và hay ho để cho mình hí hửng nhấn phím “send” và hài lòng chờ đợi bạn đọc đầu tiên hồi âm một tin nhắn mật ngọt. Đôi khi rất vô vọng. Đôi khi phải tự an ủi, nghề nào cũng có lúc về hưu, mình đã trải qua mấy đời biên tập, đã đến lúc về hưu được rồi. Ừ, thì hưu.

Có người hỏi tôi, thích viết nhất mục nào? Thật khó trả lời. Hôn nhân gia đình muôn mặt buồn vui… Chỉ muốn viết chuyện vui thôi, nhưng cuộc sống thực tế nào đâu chỉ có vui.

Rất có lý khi sếp của Báo Phụ Nữ TPHCM là một phụ nữ, để dù phẫn nộ trước nỗi đau của phe mình thì cũng giữ được sự mềm dẻo của cọng lạt mà gói vấn đề lại đặt đúng chỗ của nó. Vậy nên tôi chọn kể lại câu chuyện cãi cọ bằng giọng điệu của thành viên hội bà tám cho mình cũng được cân bằng. Nhưng có câu chuyện cần một giọng điệu khác, cảm thông hơn, thấu hiểu hơn, và cũng đành bất lực, khi viết xong thì chính tôi cũng thừ người ra.

Ngồi gõ những dòng này, tôi tự hỏi, mình chỉ viết điều mình cảm thấy thôi mà có khi thẫn thờ đến vậy (hoặc vui đến vậy) thì các bạn ở trang Hôn nhân Gia đình của tờ báo phe mình hằng ngày đọc biết bao bài và phải nhận về bao la cảm xúc vui tươi hạnh phúc buồn đau oán trách hoang mang… mà sự nghiệt ngã của cuộc sống trải trên mặt báo cho thấy buồn thường nặng hơn vui. Các bạn sống làm sao sau mỗi ngày đọc chừng đó bài, nhiễm chừng đó cảm xúc và chia sẻ với bạn đọc chừng đó nỗi niềm?

Và hôm sau lại tiếp tục lặp lại hành trình?

Thêm một tuổi, già dặn hơn để thông hiểu sâu sắc hơn là điều độc giả phe ta chờ mong, dĩ nhiên có tôi, vì rời khỏi bàn phím và cầm tờ báo lên thì tôi cũng là một độc giả. Xin cảm ơn báo đã cho tôi cơ hội được chia sẻ và nếm trải cảm xúc cùng bạn đọc gần xa.

Nhà văn Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI